06:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đầu vào tăng mạnh khiến nhiều hộ nuôi heo phải ngưng tái đàn

Minh Đức (tổng hợp) | 14:26 04/11/2021

(THPL) – Dịch bệnh Covid-19 khiến giá thịt heo giảm sâu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ phải ngưng tái đàn.

Báo Tiền phong đưa tin, theo các hộ chăn nuôi, hiện giá cám có trọng lượng dưới 80kg đã tăng đến 600.000 đồng/bao, cám heo trên 80kg có giá gần 300.000 đồng/bao. Với giá heo hơi xuất chuồng hiện nay dao động ở mức 50.000-55.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi và dưới mức giá sàn này là cầm chắc lỗ.

Vì thua lỗ, rất nhiều hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai buộc phải tạm ngưng tái đàn. Ông Nguyễn Hà Lý, ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho hay, đã xuất bán đàn heo cả trăm con và quyết định tạm dừng tái đàn. “Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi heo đã lâu, chăn nuôi có lúc lời lúc lỗ. Tuy nhiên, liên tiếp những năm qua, chúng tôi thường xuyên mất trắng do dịch bệnh, do thị trường không ổn định nên rất khó phục hồi”.

Trong khi giá heo hơi giảm mạnh thì giá thịt ngoài chợ vẫn “neo” ở mức cao và đang có xu hướng tăng. Tại một số điểm bán thịt heo ở TP.HCM trong ngày 3/11, giá thịt heo vẫn rất cao so với giá heo hơi. Cụ thể, cốt lết heo và thịt ba rọi của Meat Deli niêm yết giá bán lần lượt là 149.900 đồng/kg và 189.900 đồng/kg; thịt nạc vai và sườn non của Công ty Hà Hiền đang có giá bán lần lượt là 135.000 đồng/kg và 143.000 đồng/kg. Ngoài ra một số siêu thị bán thịt heo các loại như thịt nách 105.000 đồng/kg, vai 123.000 đồng/kg, nạc đùi 148.000 đồng/kg…

Giá heo hơi xuất chuồng hiện nay dao động ở mức 50.000-55.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Theo thống kê, dù lượng heo thịt đang tồn ứ tại chuồng tới 8 triệu con, giá heo hơi xuất chuồng rớt mạnh khiến người nuôi thua lỗ nặng nhưng lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn đang tăng.

Báo Pháp luật TP.HCM cho hay, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 9 tháng năm 2021, cả nước đã nhập khẩu 125.600 tấn thịt heo, chủ yếu từ các thị trường Nga (34%), Đức (25%), Ba Lan (13%)… Lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh tiếp tục tăng nhanh, do các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất trong nước. Ngoài trứng phải có quota thì các sản phẩm chăn nuôi đều không có hạn ngạch mà do các doanh nghiệp khảo sát thị trường và tự đàm phán, nhập khẩu theo quy định về an toàn thực phẩm.

Ông Trọng lý giải việc nhập khẩu thịt tăng mạnh thời gian qua là do vào thời điểm năm 2020 giá heo hơi và thịt heo bán lẻ tăng cao, nguồn cung giảm do dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 nên các nhà máy giết mổ heo sống trong nước đóng cửa, thị trường phụ thuộc vào lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu.

Hiện nay, khi nguồn cung trong nước đang dư thừa thì Bộ Công Thương cần tổng hợp số liệu, cân đối lại cung cầu để có chính sách phù hợp điều tiết số lượng thịt heo và các loại thịt khác nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.

Theo phân tích của ông Trọng, giá thành chăn nuôi trong nước vẫn cao do giá thức ăn chăn nuôi cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn nhập khẩu. Vì vậy, để chăn nuôi bền vững, giảm giá thành, người nuôi không bị lỗ thì phải tổ chức nuôi theo chuỗi liên kết. Chỉ có liên kết thì người nuôi heo mới giảm được nhiều chi phí, tận dụng được nguồn thức ăn lấy nguyên liệu trong nước.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu