10:06 ngày 08/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025

09:52 07/09/2024

(THPL) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, hưởng ứng phong trào thi đua mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Trước đó,  vào ngày 18/8, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".

Đây là phong trào có ý nghĩa rất thiết thực để phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Chỉ còn 16 tháng là đến thời điểm cuối năm 2025 nhưng khối lượng công việc cần phải tập trung tháo gỡ và tổ chức triển khai rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực sự tích cực, nỗ lực, cố gắng tham gia phong trào thi đua thực chất và hiệu quả. Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị triển khai một số nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất, thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn các dự án. Cụ thể các bộ, ban, ngành, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền phải thực sự vào cuộc hết sức trách nhiệm thực hiện các công việc được giao liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, tập trung cao độ cho các dự án có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2025 bảo đảm mục tiêu cả nước có 3.000 km đường cao tốc.

Đồng thời phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu để thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, có kết quả các nhiệm vụ được giao với tinh thần xuyên suốt: tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện, thời gian, tiến độ, kết quả cụ thể.

Do vậy, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, cung ứng vật liệu xây dựng... cho các dự án. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết nhanh nhất, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Việt Nam đặt mục tiêu cả nước có 3000km đường cao tốc  cuối năm 2025. Ảnh minh hoạ 

Bên cạnh đó, các bên liên quan cần tiếp thu, học hỏi những bài học kinh nghiệm nêu trên và từ thực tiễn tổ chức thi công các dự án cao tốc thời gian qua, căn cứ các điều kiện cụ thể của từng dự án, cần xây dựng Kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết bao gồm có phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, có tiến độ hoàn thành cụ thể, nhất là các hạng mục, công trình yêu cầu kỹ thuật phức tạp, công trình cầu lớn, hầm lớn, công trình phải xử lý nền… và tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Ngoài ra, xây dựng, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm. Định kỳ hằng tháng, các nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án báo cáo cơ quan chủ quản để gửi Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Thứ hai, về phân công nhiệm vụ cụ thể của các bên liên quan. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, phát huy hơn nữa tính chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương cân đối, bố trí vốn bảo đảm, kịp thời, đáp ứng tiến độ các dự án và theo đúng quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn theo các hợp đồng tín dụng cho chủ đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đáp ứng tiến độ các dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện nhanh các thủ tục để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá, cát, sỏi... phục vụ thi công công trình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt, tháo gỡ, hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và đúng quy định pháp luật.

Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng đầy đủ, sát với biến động của thị trường; kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, hợp đồng xây dựng; tổ chức kiểm tra về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng đối với các dự án kịp thời, đúng tiến độ.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm tốt công tác di dời đường điện cao thế đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.

Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ căn cứ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và hỗ trợ triển khai các dự án với các công việc trong phạm vi thẩm quyền.

Bộ Nội vụ làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tổ chức sơ kết phong trào thi đua đợt 1 vào tháng 12/2024; đợt 2 vào tháng 6/2025 và tổng kết phong trào thi đua vào cuối tháng 12 năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ khánh thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)

Một số công việc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án cao tốc đang triển khai, có mỏ vật liệu cung cấp cho các dự án, cụ thể như sau:

(i) Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ;

(ii) Phối hợp với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Các địa phương có nguồn vật liệu, nhất là các địa phương khu vực phía Nam phải khẩn trương hơn, tích cực hơn trong việc đẩy nhanh triển khai các thủ tục cấp mỏ, nâng công suất, bảo đảm công suất khai thác, đáp ứng tiến độ thi công các dự án, chủ động hỗ trợ cho địa phương đang thiếu nguồn cung ứng vật liệu.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công hợp lý, liên tục "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ".

Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành sạch, đẹp; chủ động phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, biểu dương người tốt việc tốt trên công trường, các điển hình tiên tiến, tiêu biểu, cách làm hay, đổi mới, hiệu quả; thông tin truyền thông phải khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình, kết quả thực hiện của các địa phương, các công trình.

Đỗ Khuyến (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu