08:26 ngày 27/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Có nên coi ngành truyền thông và tổ chức sự kiện là một ngành kinh tế độc lập?

20:16 23/09/2024

(THPL) - Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, các ngành dịch vụ không chỉ đóng vai trò quan trọng, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, ngành truyền thông và tổ chức sự kiện nổi lên như một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Trên thế giới, rất nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada, Úc rất coi trọng vai trò của ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện. Tại châu Á, chúng ta có thể thấy nổi lên là Hàn Quốc, sát cạnh chúng ta là Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay ngành này chưa được công nhận đúng mức, dẫn đến sự thiếu hụt trong chính sách và hạ tầng hỗ trợ. Đề xuất kết hợp truyền thông và tổ chức sự kiện thành một ngành kinh tế độc lập là một gợi ý cần thiết, để tối ưu hóa lợi ích kinh tế, tạo cơ hội việc làm và góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và nâng tầm vị thế quốc gia của Việt Nam.

Vai trò của truyền thông và tổ chức sự kiện trong nền kinh tế hiện đại

Ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện đã và đang đóng góp phần tích cực vào nền kinh tế thông qua việc quảng bá thương hiệu, tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng. Ví dụ, các sự kiện lớn như lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010, với hàng trăm hoạt động lễ hội lớn nhỏ), APEC (năm 2017, với gần 250 sự kiện lớn nhỏ), Black Pink concert tại Hà Nội (năm 2023, với khoảng 60 nghìn khán giả), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ước tính có 2,38 triệu du khách đến thăm vào tháng 7/2023 (thời điểm diễn ra sự kiện), con số này tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 380.000 người nước ngoài nhập cảnh (theo tờ Opinion News của Hàn Quốc đã đưa tin). Các sự kiện này không chỉ là cơ hội để Việt Nam thể hiện bản sắc dân tộc, nâng cao hình ảnh quốc gia, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn thu hút rất nhiều lao động tham gia, cũng mang lại nguồn thu lớn từ khách du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải và các hoạt động thương mại liên quan.
Ngoài ra, truyền thông đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, giữa hình ảnh quốc gia với bạn bè quốc tế; giúp tăng cường nhận diện thương hiệu, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật số ngày càng phát triển. Ngành truyền thông cần có sự đầu tư mạnh mẽ, nâng cao khả năng sáng tạo và ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.


Đặc biệt, truyền thông và tổ chức sự kiện cũng là cách mà các quốc gia phát triển như Mỹ và Hàn Quốc đã thổi bùng cuộc “cách mạng ngoại giao văn hóa” của họ thành công rực rỡ trên toàn thế giới, với KPOP và các bộ phim bom tấn Hollywood truyền bá văn hóa Mỹ.
Với Việt Nam, việc đánh giá đúng vai trò của ngành truyền thông và tổ chức sự kiện có thể sẽ giúp nền ngoại giao văn hóa nước nhà “cất cánh”, phù hợp với tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội , 2021, t. I, tr. 162), và Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”.

Thực trạng ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện tại Việt Nam hiện nay

Ngành Truyền thông bao gồm các lĩnh vực:

Phát thanh truyền hình (truyền hình, radio);
Xuất bản (báo chí, tạp chí, sách);
Truyền thông kỹ thuật số (streaming, nền tảng trực tuyến, mạng xã hội);
Sản xuất phim và rạp chiếu phim;
Tại Việt Nam, ngành Truyền thông đã có những bước tiến lớn nhờ sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật số và quảng cáo trực tuyến. Trong đó, các tổ chức & doanh nghiệp truyền thông nhà nước thường được đầu tư tốt hơn về nguồn lực, gồm: cơ sở vận chất, trang thiết bị và nhân lực được đào tạo bài bản. Các doanh nghiệp truyền thông tư nhân thường yếu hơn về vai trò và vị thế, do thiếu nguồn lực đầu tư. Một số công ty có hoạt động truyền thông lớn như Viettel, Vingroup, FPT, VNG đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ quảng cáo trực tuyến, truyền thông xã hội và nền tảng số. Tuy nhiên, thị trường truyền thông hiện vẫn đang bị chi phối bởi các ông lớn quốc tế như Google, Facebook và gần đây là Tiktok. Trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về công nghệ và vốn đầu tư.

Ngành Tổ chức sự kiện bao gồm các lĩnh vực:

Tổ chức hội nghị, triển lãm, hội chợ thương mại;

Diễn đàn và họp mặt doanh nghiệp;

Tổ chức các buổi hòa nhạc, lễ hội văn hóa và sự kiện thể thao;

Lên kế hoạch và cung cấp dịch vụ, trang thiết bị cho sự kiện;


Mặc dù ngành Tổ chức sự kiện có sự phát triển nhanh chóng, nhưng lại chưa có được sự chuyên nghiệp, thiết bị và quy mô chưa đủ lớn để có thể tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ thế giới. Hiện tại, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực về tài chính, trang thiết bị hiện đại và nhân lực để tổ chức những sự kiện âm nhạc, thể thao, hay chính trị lớn mang tầm quốc tế. Một ví dụ điển hình là sự kiện Black Pink concert tại Hà Nội năm 2023. Riêng thiết bị âm thanh, ánh sáng và màn hình led phải tốn chi phí đầu tư mới lên tới khoảng 300 tỷ. Ngoài chi phí đầu tư lớn, các đơn vị tổ chức sự kiện trong nước, cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức về các trang thiết bị khác kèm theo, nhân sự kỹ thuật trình độ cao và dịch vụ tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế.

Giá trị kinh tế từ ngành truyền thông và tổ chức sự kiện

Theo ước tính do tác giả tự tổng hợp từ thông tin công bố trên trang của Tổng cục du lịch và Tổng cục thống kê, số liệu năm 2010, ngành tổ chức sự kiện mang lại doanh thu 500 triệu USD cho Việt Nam. Trong khi đó, ngành quảng cáo truyền thống mang lại thêm 480 triệu USD. Tổng cộng, cả hai lĩnh vực này đạt doanh thu khoảng 1 tỷ USD, cho thấy tiềm năng to lớn nếu được đầu tư đúng hướng. Chúng ta thấy có sự chênh lệch về doanh thu giữa ngành truyền thông, so với tổ chức sự kiện do quy mô và tính chất của các sự kiện thời điểm cách đây hơn 10 năm (năm 2010) còn khá hạn chế và chủ yếu là các dịch vụ, trang thiết bị phục vụ sự kiện mang giá trị thấp, thiếu sự đầu tư về công nghệ, trong khi sự chuyên nghiệp thì còn thua xa hiện nay.

Ngành du lịch - một ngành dịch vụ nổi bật - đạt doanh thu 4,96 tỷ USD trong cùng năm 2010. Mặc dù con số doanh thu này lớn hơn ngành truyền thông và tổ chức sự kiện cộng lại. Nhưng nếu xét về tiềm năng tăng trưởng và sự ảnh hưởng của truyền thông lên các lĩnh vực khác nhau, việc công nhận ngành Truyền thông & Tổ chức sự kiện là một ngành kinh tế độc lập có thể tạo bước đi đột phá về cả lợi ích kinh tế, lẫn các giá trị văn hóa, truyền thông.

Số liệu thống kê và so sánh

Doanh thu năm 2010 giữa ngành truyền thông & tổ chức sự kiện và ngành du lịch:

Ngành

Doanh thu (USD)

Đóng góp vào GDP (%)

Lao động trực tiếp + gián tiếp

Truyền thông & tổ chức sự kiện

1 tỷ USD

~1% GDP

Hơn 150.000 lao động

Ngành du lịch

4,96 tỷ USD

5% GDP

1,4 triệu lao động

Số liệu do tác giả tự tổng hợp từ các nguồn (trích số liệu công bố năm 2010):
https://www.gso.gov.vn/; https://vietnamtourism.gov.vn/ ; https://kinhtedothi.vn/2010-nam-thang-loi-vang-cua-nganh-du-lich-viet-nam.html; https://tuyengiao.vn/dau-an-2010-cua-du-lich-viet-nam-26622

Số liệu này cho thấy, dù doanh thu ngành truyền thông và tổ chức sự kiện chưa đạt mức ngang bằng với du lịch, nhưng với sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế số, đặc biệt là sự hội nhập sâu rộng & tích cực của Việt Nam với thế giới, lĩnh vực này sẽ có tiềm năng mở rộng & phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, truyền thông không chỉ đóng vai trò truyền bá thông tin mà còn tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến các ngành kinh tế khác như lưu trú, du lịch, thương mại và logistic.

Đề xuất chính sách phát triển

Để khai thác tối đa tiềm năng của ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện, tác giả xin đề xuất một số chính sách cần được xem xét và thực hiện:

1. Thành lập cơ quan quản lý chuyên nghiệp

Việc thành lập một cơ quan chuyên nghiệp, vừa để quản lý và điều phối các hoạt động truyền thông và tổ chức sự kiện là điều cấp thiết. Cơ quan này vừa có nhiệm vụ xây dựng các chính sách và tham mưu cho chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển.

2. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng cho các sự kiện lớn tại Việt Nam, đặc biệt là những sự kiện quốc tế, còn nhiều hạn chế. Với các sự kiện lớn, cần không gian tổ chức trong nhà, ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (NCC), thì không còn địa điểm nào đủ sức phục vụ một sự kiện tập trung trên 3000 khách. Các sự kiện ngoài trời, cần sức chứa trên 10 nghìn khách cũng rất hạn chế. Các sự kiện ngoài trời trên 100 nghìn khách là hoàn toàn không có. Chính phủ cần khuyến khích đầu tư vào các trung tâm hội nghị, sân vận động và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại đồng bộ, theo tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo chất lượng tổ chức sự kiện và tăng cường năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Tin vui là ngày 30/08/2014, Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia đã được khởi công tại địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, với quy mô lên tới 90ha. Cùng với công trình nhà triển lãm chính, là 4 khu công viên triển lãm ngoài trời đáp ứng nhiều hoạt động quy mô lớn diễn ra cùng lúc, với tổng diện tích không gian triển lãm ngoài trời lên đến 20,6ha.

Ảnh: Vietnamnet.vn

3. Đào tạo nhân lực chuyên nghiệp

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện. Cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học và trung tâm đào tạo nghề, để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Đặc biệt là nhân lực có trình độ kỹ thuật về các lĩnh vực: kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật xử lý hình ảnh, in ấn & xuất bản. Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng chủ yếu do doanh nghiệp tự đào tạo kiểu “nghề truyền nghề”, thiếu nghiệp vụ, thiếu kỹ năng làm việc. Nhân sự truyền thông thì được học lý thuyết, nhưng lại rất thiếu kỹ năng mềm.

4. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa trang thiết bị

Các sự kiện quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn cao về trang thiết bị sự kiện, âm thanh, ánh sáng và công nghệ truyền hình, thiết bị hội thảo chuyên nghiệp. Việt Nam cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các thiết bị hiện đại thông qua các cơ chế hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, hoặc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn.
Khoảng 5 – 10 năm trước, các hội thảo quốc tế lớn, đòi hỏi thiết bị hiện đại như các thiết bị dịch hội thảo đa ngôn ngữ đều phải đi thuê từ Singapore.
Hiện tại, các sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế, yêu cầu cao về sự chuyên nghiệp, thiết bị âm thanh, ánh sáng vẫn phải đi thuê từ Singapore hoặc Thái Lan mang sang.

Ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện không chỉ đóng vai trò như một ngành kinh tế độc lập. Mà còn là một ngành tạo ra động lực lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào việc quảng bá văn hóa, nâng cao vị thế quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Khi được kết hợp, hai lĩnh vực này tạo ra một sức mạnh kinh tế toàn diện, có sức lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác như lưu trú, du lịch, thương mại và dịch vụ logistics.

Trong bối cảnh nền kinh tế số và xu hướng toàn cầu hóa, việc công nhận và đầu tư chuyên sâu vào ngành truyền thông và tổ chức sự kiện là điều cần thiết. Việt Nam cũng cần một chiến lược toàn diện để thúc đẩy ngành này phát triển hơn nữa, bao gồm việc thành lập cơ quan quản lý chuyên nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư vào trang thiết bị chuyên nghiệp, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành này trên thị trường quốc tế.

Khi được coi là một ngành kinh tế độc lập, ngành kinh tế Truyền thông & Tổ chức sự kiện còn giúp Việt Nam thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đặc biệt là ngoại giao văn hóa đa phương (song song cùng hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) thông qua các sự kiện quốc tế, chiến dịch truyền thông và quảng cáo thương hiệu quốc gia. Ngành truyền thông và tổ chức sự kiện không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là cầu nối đưa Việt Nam ra thế giới; mang thế giới về Việt Nam, thông qua việc thu hút thêm các sự kiện lớn nhờ cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại.

Tương lai của ngành kinh tế Truyền thông & Tổ chức sự kiện ngoài sự nỗ lực của người trong ngành, nó còn phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của chính phủ. Nếu được định hướng và phát triển bài bản, ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện sẽ sớm trở thành một trụ cột kinh tế lớn, đối trọng với ngành du lịch và tạo ra những cơ hội đột phá, không giới hạn cho sự phát triển bền vững kinh tế quốc gia.

Ths. Trần Hồng Anh – GĐ. Công ty Sự kiện Trần Gia

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu