11:23 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chương trình giảm nghèo: Phải quan tâm giảm nghèo thực chất, bền vững

Bảo An (tổng hợp) | 15:56 27/07/2021

(THPL) - Sáng 27/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (chương trình).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Internet

Phát biểu thảo luận tại hội trường, hầu hết đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của chương trình khi Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Việc xây dựng chương trình là cần thiết trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm.

Đánh giá cao mục tiêu của chương trình, đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) kiến nghị, ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ, tiêu chí, định mức cũng như kế hoạch phân bổ nguồn lực để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

"Trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo, cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không, giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp. Đặc biệt, mở rộng đối tượng thụ hưởng là hộ cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm bảo đảm thoát nghèo bền vững", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái). Ảnh: VGP

Báo Kinh tế Đô thị cho hay, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, cần thay đổi tư duy tiếp cận, đó là: chuyển hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể, quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ coi đây là giải pháp đòn bẩy trong công tác giảm nghèo. Việc giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi là thiết yếu, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, bản thân hộ nghèo phải cố gắng vươn lên thoát nghèo. Quan trọng là các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy khát vọng, tạo động lực thoát nghèo.

Đại biểu cũng đề nghị cần đổi mới quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Nêu thực tế, giai đoạn 2016 – 2020 Nhà nước đã dành khoảng 74% cho phát triển hạ tầng; ở vùng nghèo thì hạ tầng đi trước một bước - đây là quan điểm đúng, nhưng theo kết quả giảm nghèo thì tỷ lệ hộ cận nghèo, thoát nghèo chưa đạt như mong muốn. "Rõ ràng, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn là phải thiết kế chính sách mềm dựa trên nhu cầu cho người dân và thay đổi chủ thể là người dân. Chú trọng đầu tư cho sức khỏe giáo dục, đào tạo nghề, tạo sinh kế. Đặc biệt tập trung đào tạo nghề và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quan tâm phát triển sinh kế tại chỗ, khai thác nhưng sản phẩm bản địa có tiềm năng phát triển, kết nối thị trường việc làm cho người nghèo", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định.

Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong cả Chương trình; Đề nghị bổ sung mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho con em hộ nghèo, bảo đảm y tế cho hộ nghèo để bảo đảm thoát nghèo bền vững; Phải đưa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào chỉ tiêu đánh giá cho toàn bộ giai đoạn 2021-2025; Đánh giá chi tiết cụ thể số liệu về các hộ nghèo trong bối cảnh dịch bệnh để đưa ra các chỉ tiêu cụ thể hơn;…. Một số ý kiến khác cho rằng, cần tính toán phương án huy động nguồn lực. Nguồn lực xã hội hóa huy động hiện nay cũng rất lớn. Cần huy động xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, điện để các hộ nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sinh kế;…

Thừa ủy quyền của Chính phủ, phát biểu tiếp thu giải trình các ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu về chương trình.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP

Báo Hà Nội mới đưa tin, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn để giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững. Vì thế, chúng ta cần đầu tư thỏa đáng để mức sống của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Trong giai đoạn này, chúng ta vừa giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng phải quan tâm giảm nghèo thực chất, bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thụ hưởng".

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả hộ nghèo mới phát sinh do dịch Covid-19.

"Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành các tiêu chí xác định cụ thể, đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo khả thi nhằm hạn chế sự trùng lặp, giao thoa; đồng thời sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết luận phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên thảo luận đã có 14 ý kiến phát biểu tại hội trường.

"Đa số các ý kiến đều thống nhất với báo cáo của Chính phủ; đồng thời, đề xuất những ý kiến, kiến nghị cụ thể. Chúng tôi xin ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện chương trình để Quốc hội xem xét thông qua", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu