01:59 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Câu chuyện người lính già đi tìm đồng đội

14:41 27/07/2020

(THPL) - Đã nhiều năm trôi qua, ký ức về những ngày chiến đấu tại chiến trường năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già Lê Phát Tịnh - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ. Rời chiến trường về quê hương, ông Tịnh vẫn đau đáu nỗi niềm thương nhớ đến những đồng đội cũ đã hy sinh, hay những đồng chí đã từng “đồng cam cộng khổ” nhưng vẫn còn nằm lại ở vùng đất chịu nhiều đạn bom.

Những năm tháng không quên

Ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. 45 năm đã trôi qua, nhưng khi trò chuyện với người chiến binh năm xưa, chúng tôi vẫn thấy rõ ký ức về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại còn nguyên vẹn. 

Đó là câu chuyện về cựu chiến binh (CCB) Lê Phát Tịnh - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại phường Minh Phương, TP. Việt Trì, người chiến binh năm nào đã kinh qua một thời kỳ chiến tranh khốc liệt từ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, chiến trường Quảng Trị đến biên giới Tây Nam.

CCB Lê Phát Tịnh cùng vợ ôn lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của đất nước 

Dù đã 55 năm tuổi Đảng với rất nhiều Huân, Huy chương chiến công nhưng khuôn mặt của ông vẫn đậm chất lính. Đặc biệt, sự vui vẻ và nhiệt tình của ông khiến chúng tôi như hòa mình vào những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của thế hệ các ông ngày ấy.

Vừa lần giở những chiếc huy chương đã nhuốm màu thời gian, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến tranh hào hùng của đất nước.

Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Tịnh nhập ngũ vào Trung đoàn Thủ đô - Sư đoàn 308, sống chiến đấu trên các chiến trường ác liệt từ miền Bắc đến miền Trung.

Năm 1978, ông lại khoác ba lô vào biên giới Tây Nam cùng với đồng đội tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế - giúp nước bạn Campuchia.

Tuy nhiên, trong tất cả các trận chiến đấu đã trải qua, ông Tịnh nhớ nhất là trận quyết chiến chiến lược: Chiến dịch Hồ Chí Minh - đây cũng là những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời ông.

Tại chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn 308 của ông được phân công bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu ở phía nam Quân khu IV. Mặc dù không được trực tiếp chiến đấu tại chiến trường nhưng Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước.

Ông Tịnh cho biết: Là một trong những sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, trong tôi lại trào dâng biết bao cảm xúc.

Và những trăn trở…

Trò chuyện với chúng tôi, ông đăm chiêu nhớ lại: Hòa bình lập lại, trong khi tôi và nhiều người may mắn còn sống trở về thì biết bao đồng đội đã mãi mãi ra đi và nằm lại khắp các chiến trường. Không biết đến bao giờ thì các đồng đội của tôi mới được trở về, yên nằm trong lòng đất mẹ.

Cũng bởi lý do này, mà từ khi nghỉ hưu, tôi đã tham gia sinh hoạt tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ và giữ cương vị Chủ tịch Hội. Tôi và 80 thành viên khác của Hội luôn ý thức việc chắt chiu từng đồng lương hưu để tham gia hành trình đi tìm những người đồng đội còn sống và đặc biệt là tìm lại những đồng đội đã hy sinh.

Tâm nguyện trong tôi là chỉ mong tìm được anh em đồng chí, đưa họ về với quê hương gia đình. Hàng ngàn liệt sĩ vô danh còn lưu lạc trên chiến trường xưa luôn làm chúng tôi ngày đêm trăn trở, và nhiều lúc thấy thắt lòng khi nghĩ đến các anh" – Ông Tịnh rớm nước mắt.

CCB Lê Phát Tịnh luôn sắp xếp thời gian hợp lý để vừa làm công tác xã hội vừa chăm sóc gia đình

Suốt gần 20 năm qua, ông Tịnh cùng các đồng đội của mình đã có gần 100 chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế để ghi chép thông tin của các liệt sĩ.

Bằng những nỗ lực đó, ông Tịnh và các thành viên trong Hội đã cung cấp thông tin giúp hàng trăm gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ về với quê hương; hướng dẫn cho trên 100 gia đình làm thủ tục đính chính lại thông tin sai lệch trên bia mộ và hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách; hướng dẫn 250 gia đình làm thủ tục giải mã ký hiệu quân sự trên giấy báo tử; khai thác thông tin của gần 5.000 liệt sĩ là người của tỉnh đang nằm tại các nghĩa trang trên toàn quốc, hiện đã có gần 2.500 liệt sĩ có thông tin ban đầu.

Để tìm được thông tin chính xác của các liệt sĩ, chúng tôi đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố và phối với Hội CCB tỉnh cung cấp danh sách các liệt sĩ để từ đó có căn cứ tìm lại các liệt sĩ của tỉnh” - Ông Lê Phát Tịnh cho biết.

Từng tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường, nay được trở về với cuộc sống đời thường người CCB năm xưa vẫn một lòng với Đảng, với Cánh mạng, nặng tình anh em đồng chí.

Với quan niệm “sức trẻ cống hiến theo sức trẻ, tuổi già thì đóng góp theo tuổi già”, CCB Lê Phát Tịnh đã đứng ra vận động bạn bè, đồng nghiệp quyên góp sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách.

Từ năm 2012 đến nay, ông cùng với các hội viên đã vận động những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và quyên góp từ chính những đồng lương hưu của các hội viên để hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh 50 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng; 5 nhà tình nghĩa; hàng nghìn suất quà trong mỗi dịp lễ, tết; hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng cho các gia đình đón hài cốt liệt sĩ từ chiến trường trở về.

“Hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các chiến trường luôn là điều mà tôi trăn trở nhất. Không biết đến bao giờ thì các anh mới được an nằm trong lòng đất mẹ” – CCB Tịnh nghẹn ngào kể lại.

Những trăn trở của ông, khiến chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và chạnh lòng khi nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương: 

Đò lên Thạch hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu