00:17 ngày 19/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Liên doanh, liên kết trong xuất khẩu gạo theo hướng bền vững

13:39 17/11/2017

(THPL) – Xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016, trong đó thị trường Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn. Để phát triển bền vững ở thị trường này doanh nghiệp cần liên doanh, liên kết.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2017 cả nước xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, thu về 2,29 tỷ USD, tăng trên 23% cả về lượng và kim ngạch so với 10 tháng đầu năm 2016; trong đó riêng tháng 10 lượng gạo xuất khẩu đạt 483.107 tấn, tương đương 245,89 triệu USD, giảm 6,3% về lượng nhưng tăng 4% về trị giá so với tháng 9/2017.

Giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng 10 năm 2017 tăng trên 11% so với tháng 9/2017 đạt 509 USD/tấn, nhưng giá xuất khẩu trung bình của cả 10 tháng đầu năm chỉ đạt 448,6 USD/tấn, giảm 0,3% so với 10 tháng đầu năm ngoái.

Thị trường Trung Quốc chiếm gần 40% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, với 2,03 triệu tấn, tương đương 909,04 triệu USD, tăng mạnh 35% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.

Khác với tình hình ảm đạm năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu gạo bắt đầu tăng trưởng trở lại. Số hợp đồng xuất khẩu gạo tăng đáng kể. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Đại Dương…

Anh bai tren trang 7(1)
Doanh nghiệp Việt tập trung xuất khẩu gạo chất lượng vào thị trường các nước. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Theo báo Đại đoàn kết, liên quan đến thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - cho rằng, Việt Nam đang độc quyền cung cấp gạo nếp cho Trung Quốc và thương nhân nước này cần gạo nếp của Việt Nam.

Năm 2016 Việt Nam xuất 1,3 triệu tấn gạo nếp vào Trung Quốc và  thương nhân nước này hoàn toàn có khả năng mua của Việt Nam 2 triệu tấn gạo nếp/năm để dùng làm nguyên liệu cho các mặt hàng chế biến mà nước này có thế mạnh. 

Đáng chú ý, mặt hàng gạo nếp không bị điều tiết bởi hạn ngạch (quota), thương nhân có thể nhập theo nhu cầu, chỉ cần đóng thuế theo quy định.

Trong khi đó, đối với gạo, kể cả khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu mà không có hạn ngạch thì cũng không thể nhập khẩu.

Theo phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu thế giới đối với mặt hàng nếp khá ổn định và Việt Nam, Thái Lan là 2 nước xuất khẩu nếp chính trên thế giới. 

Bộ Công thương cho rằng, đối với thị trường Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả đưa sản phẩm gạo có chất lượng, thương hiệu, giá trị cao vào kênh phân phối chính thức, trực tiếp. Đồng thời, củng cố, duy trì thị phần gạo Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu gạo của Trung Quốc ở mức cao. 

Mặc dù được đánh giá khá cao, thế nhưng trên thực tế DN xuất khẩu gạo cũng gặp không ít khó khăn ở thị trường này.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho hay, DN này đang gặp tình thế, đi kèm một DN Trung Quốc có 2 - 3 người làm môi giới ở Việt Nam nên họ nắm kỹ thông tin ta có gạo gì, chất lượng sao, ở kho nào. Vì thế, trong các đàm phán hợp đồng DN Việt luôn chịu thiệt về giá với thương nhân Trung Quốc. 

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Tiến Dũng – Tập đoàn Lộc Trời cho biết, DN Trung Quốc mua gạo Việt rồi pha trộn với nhau thành 1 loại khác bán ra nên họ đưa ra yêu cầu giá rẻ, chất lượng cao, mẫu đẹp, độ ẩm thấp.

Vì vậy, muốn phát triển thị trường này phải xoay chuyển tình thế, tính toán lại bài toán giống, thị trường họ cần gì, làm sao để đưa vào họ không thể pha trộn mà dùng đúng sản phẩm gạo Việt. 

“Bài học mà Tập đoàn Lộc trời hướng tới, muốn phát triển thương hiệu và đặt chân vào thị trường Trung Quốc thì nên liên doanh, liên kết với DN Trung Quốc. Từ liên doanh, liên kết nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc thích loại gạo gì rồi về triển khai sản xuất tại trên cánh đồng lớn. Chúng tôi sẽ đi tiếp giai đoạn 2 là thành lập công ty liên doanh liên kết với người Trung Quốc để đưa gạo vào trực tiếp thị trường này”, ông Dũng tiết lộ. 

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Vinh - đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) nói, Vinafood 1 tham gia xuất khẩu vào Trung Quốc từ năm 2010 và nhận thấy Trung Quốc yêu cầu rất cao về chất lượng, giá cả.

Vì thế 22 DN đã được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc cần ngồi lại với nhau để đưa ra một mức chất lượng chung, giá chung, tạo sức mạnh chung mà phát triển lâu dài.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu