14:16 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cần cẩn trọng khi tải ứng dụng chỉnh sửa ảnh Voila AI Artist

Thanh Tâm (tổng hợp) | 19:14 16/06/2021

(THPL) - Thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam tràn ngập hình ảnh chuyển đổi gương mặt từ ứng dụng Voila. Trào lưu này tương tự xu hướng sử dụng FaceApp năm ngoái. Tuy nhiên, Voila khiến các chuyên gia an ninh mạng lo ngại khi ứng dụng đòi quyền xem, chuyển và lưu trữ hình ảnh của người dùng.

Không chỉ gây sốt tại Việt Nam, ứng dụng Voila còn "gây bão" toàn cầu. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, ứng dụng đã tăng từ gần 300.000 lượt cài đặt vào tháng 4 lên gần 8 triệu vào tháng 6. Hơn một nửa lượt cài đến từ Brazil và 2,3 triệu đến từ Mỹ.

Tương tự nhiều ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh khác, Voila miễn phí trên các kho ứng dụng App Store và CH Play. Người dùng chỉ cần tải về mà không cần tạo tài khoản. Ứng dụng có 8 nhóm bộ lọc, chia thành bốn chế độ chính, gồm phim hoạt hình 3D (phong cách Pixar/Disney); vẽ tranh phong cách Phục hưng; phim hoạt hình 2D và biếm họa. Trong mỗi bộ lọc lại có nhiều tuỳ chọn khác nhau. Ví dụ, với bộ lọc phong cách Phục hưng, người dùng có thể chọn phong cách vẽ thế kỷ 15, 18 hoặc 20. Tuy nhiên, ứng dụng không cho phép chỉnh sửa các chi tiết trên khuôn mặt như miệng, tóc, mắt...

Thao tác sử dụng Voila cũng khá đơn giản, người dùng chỉ cần chọn ảnh muốn chỉnh sửa, chọn bộ lọc, chờ kết quả và lưu về máy. Theo giới thiệu của nhà phát triển, các bộ lọc và hình ảnh được xử lý bằng AI. Ứng dụng thậm chí có thêm tính năng tìm kiếm hình ảnh những người nổi tiếng, cho phép người dùng xem thần tượng của mình trông như thế nào khi vào vai công chúa Disney hoặc trong phong cách tranh biếm hoạ.

Một bức ảnh khi sử dụng ứng dụng Voila AI Artist (Ảnh: Internet)

Theo báo VietNamnet đưa tin, trước đó vào đầu năm 2021, cũng có một ứng dụng chỉnh sửa ảnh “làm mưa, làm gió” trên toàn cầu, đó là FaceApp. Ra mắt năm 2017, mãi tới năm 2021, nó mới phổ biến khi bổ sung tính năng làm chân dung già đi hay trẻ ra. Song, mọi người dường như quên rằng cuối năm 2019, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra và kết luận FaceApp là “mối đe dọa phản gián”. Ủy ban Dân chủ quốc gia Mỹ kêu gọi các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2020 không sử dụng FaceApp.

Ngoài ra, một ứng dụng khác được nhiều người dùng Việt Nam ưa chuộng là Meitu cũng dính tranh cãi. Trên iPhone, Meitu theo dõi vị trí, thông tin nhà mạng, địa chỉ IP, thậm chí còn tạo một mã định danh độc nhất cho mỗi người dùng. Nó còn âm thầm chia sẻ mã IMEI của người dùng Android và gửi dữ liệu về Trung Quốc. Theo các chuyên gia bảo mật, nhà phát triển Meitu đã viết một đoạn mã trong ứng dụng để nhà quảng cáo biết được ai đang sử dụng và đang xem nội dung gì.

Tương tự, ứng dụng Voila cũng khiến các chuyên gia an ninh mạng lo ngại khi ứng dụng đòi quyền xem, chuyển và lưu trữ hình ảnh của người dùng. Nhà phát triển khẳng định sẽ xóa ảnh sau 24 đến 48 tiếng khỏi máy chủ nhưng không có cách nào xác minh được họ có làm như cam kết hay không.

Theo tạp chí Wired đưa tin, ứng dụng còn sử dụng dữ liệu của người dùng để quảng cáo mục tiêu, một điều khá phổ biến hiện nay. Ngoài các vấn đề về quyền riêng tư, cần phải cảnh giác trước thực tế những ứng dụng “gây sốt” thường bị lợi dụng cho những chiến dịch thu thập dữ liệu. 

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia bảo mật Rodney Gullatte của hãng Giải pháp công nghệ thông tin Firma khuyên người dùng nên thận trọng, với mọi ứng dụng. “Bất kỳ thứ gì bạn tải về điện thoại đều đi kèm rủi ro. Mọi người có thói quen tải ứng dụng mà không đọc kỹ điều khoản, điều kiện sử dụng dịch vụ. Chúng ta tải về máy và ai biết được phần mềm sẽ làm gì với thông tin thu thập được… Bạn cho phép nó truy cập ảnh của mình. Kể cả sau khi xóa ứng dụng, thông tin mà nó truy cập vẫn có thể ở trên đám mây”.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu