10:30 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cá sấu ế ẩm do dịch bệnh khiến người nuôi lao đao

Tuấn Anh (tổng hợp) | 09:25 05/06/2020

(THPL) - Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu. Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân nơi đây đã đổi đời từ nuôi loài động vật hoang dã này. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay giá cá sấu thương phẩm trên thị trường sụt giảm sâu, với mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Theo báo VOV, ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long cho biết, phần lớn nông dân nuôi cá sấu ở địa phương theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Chính vì nuôi theo phong trào nên thường xuyên bị thương lái ép giá, không có đầu ra. Những lúc như vậy, nhiều hộ nuôi cá sấu phải treo chuồng vì nợ nần do con cá sấu quá lứa. Thế nhưng, cứ sau mỗi đợt cá sấu bán được giá là nhiều người lại đua nhau nuôi loài cá này, thậm chí phá cả chuồng nuôi gia súc, gia cầm để nhường chỗ cho con cá sấu.

Vào thời điểm này, toàn huyện vẫn còn hơn 590 hộ nuôi cá sấu, với tổng số hơn 140.000 cá thể. Trước thực trạng cá sấu sụt giá, không bán được như hiện nay, địa phương khuyến cáo bà con trong thời gian tới cần thận trọng trong việc tái đàn; nên thả nuôi với số lượng nhỏ rồi tận dụng nguồn cá tạp bắt trong vuông làm mồi cho cá sấu để giảm được chi phí.

Nhìn đàn cá sấu 200 con đang nằm phơi mình trong chuồng, ông Ngô Thanh Kiếm (ở xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) buồn rầu cho biết, để nuôi một con cá sấu đạt trọng lượng 15 kg, trong hơn 1 năm rưỡi qua, ông phải tốn chi phí khoảng 2 triệu đồng, bao gồm tiền mua con giống, tiền thức ăn, đó là chưa kể chi phí tiền điện, vệ sinh chuồng trại. Thế nhưng với giá cá sấu sụt giảm như hiện nay, tính ra mỗi con cá sấu ông chỉ bán được khoảng 1 triệu đồng, lỗ từ 700.000 - 800.000 đồng so với chi phí bỏ ra. Giá cá sấu giảm sâu nhưng rất ít thương lái tìm mua. Để giảm chi phí, trong thời gian qua, đối với cá sấu quá lứa ông chỉ cho ăn 2 lần/tuần.

“Do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra nên cá sấu xuất đi rất khó, qua tết tới nay không có ai hỏi mua, mà giá hiện nay chỉ 65.000/kg”, ông Ngô Thanh Kiếm nói.

Cá sấu ế ẩm do dịch bệnh khiến người nuôi lao đao (ảnh minh họa)

Không riêng gia đình ông Kiếm, mà hầu hết người nuôi cá sấu ở huyện Phước Long đều gặp khó khăn. Nhiều hộ nuôi cá sấu cho biết, trong năm 2018 và đến giữa năm 2019, giá cá sấu dao động từ 130.000 – 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, giá bắt đầu giảm. Nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện thì giá cá sấu liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn 60.000 – 65.000 đồng/kg, giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giá rẻ nhưng không có người thu mua nên nhiều hộ phải tiếp tục nuôi nhưng càng nuôi càng thua lỗ nặng do chi phí thức ăn khá cao, trong khi những con cá sấu quá lứa hơn 15 kg trở lên giá thu mua lại càng thấp chỉ hơn 50.000 đồng/kg.

Theo báo Kinh tế Đô thị, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 1.400 hộ nuôi cá sấu với số lượng 230.000 con đang tới tuổi xuất chuồng. Hầu hết các hộ nuôi cá sấu tại Bạc Liệu cho rằng nếu tiếp tục cầm cự chờ ngày tăng giá, hằng ngày sẽ phải chịu thêm khoản chi phí mua thức ăn, nhưng trong tình trạng dịch bệnh này không biết khi nào giá bán cá sấu mới tăng trở lại. Để tránh thiệt hại nặng thêm, họ buộc bán giá rẻ số cá sấu này để cắt lỗ càng sớm càng tốt.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nghề nuôi cá sấu khá bấp bênh do các hộ nuôi không theo hình thức tập trung, thiếu liên kết về thị trường tiêu thụ nên giá cả đa phần phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do đó, để đầu ra cá sấu ổn định, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết với nhau bằng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xem xét để thành lập Hiệp hội chăn nuôi cá sấu. Thông qua Hiệp hội này, không chỉ giúp ngành quản lý làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch cho phát triển nghề chăn nuôi động vật hoang dã gắn với công nghệ chế biến, mà còn làm tốt hơn công tác quản lý thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như lâu nay.

Năm 2020, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, quý I/2020 ghi nhận giá trị xuất khẩu chỉ vỏn vẹn 40 triệu đồng, gồm 25 tấm da cá sấu và 30 sản phẩm da cá sấu được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu