11:39 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hiệp định EVFTA - Cơ hội và sức ép tiếp tục cải cách nền kinh tế Việt Nam

08:58 23/05/2020

(THPL) - Với EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và châu Âu với 99% thuế nhập khẩu bị xoá bỏ.

Khoảng 65% giá trị hàng hoá xuất khẩu từ châu Âu và 71% hàng hoá xuất đi từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình 10 năm tới.

Theo tổng kết của Bộ Công thương, Châu Âu hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 41,48 tỷ USD, và nhập khẩu là 14,91 tỷ USD. Trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore về mối quan hệ thương mại với EU. EVFTA mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường lớn với gần 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

(Hình minh họa)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra ước tính,  khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với hiện tại. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Tuy nhiên, EU là thị trường hàng hóa chất lượng cao và đó chính là thách thức cải cách rất lớn với doanh nghiệp, nền kinh tế và chính sách của Việt Nam.

EVFTA sẽ xoả bỏ hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu nhưng chỉ là với hàng hoá đảm bảo được về yêu cầu xuất xứ. Trong khi đó, hiện tại phần lớn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc và ASEAN thay vì Việt Nam và châu Âu. Đây chính là rào cản lớn mà các doanh nghiệp trong nước buộc phải vượt qua, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may, giày dép, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường EU.

Việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA cũng được EU đặc biệt chú trọng. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp cũng đang tồn tại những vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động (làm thêm giờ, nghỉ tuần, môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động…) nếu doanh nghiệp Việt Nam không giải quyết dứt điểm những tồn tại này, thì đó cũng sẽ là rào cản lớn tiếp theo khi xuất hàng sang EU.

Cùng với đó, EU cũng nổi tiếng là liên minh có nhiều biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ và hàng hoá chất lượng cao. Nhìn vào thực tế có thể thấy rõ một khoảng cách rất lớn về năng lực cạnh tranh, giữa nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp còn đang phát triển của Việt Nam so với các quốc gia trong EU với năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới.

Dù chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách liên tục trong suốt nhiều năm qua, tuy nhiên, đến thời điểm này chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn đứng thứ hạng thấp trong ASEAN, và Việt Nam vẫn đang tiếp tục đứng trước rất nhiều sức ép về cải cách khi tham gia EVFTA.  

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu