12:04 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GTVT lên tiếng trước thông tin đường sắt Cát Linh-Hà Đông không an toàn

Tuấn Kiệt (tổng hợp) | 09:19 10/06/2021

(THPL) - Liên quan đến thông tin đang gây nóng dư luận “Tư vấn Pháp ACT đưa ra cảnh báo dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông mất an toàn” đại diện Bộ GTVT cho biết, đây là một số khuyến nghị của phía Tư vấn ACT đưa ra trong những ngày đầu đánh giá an toàn về dự án. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2021 vừa qua, chính tư vấn Pháp ACT đã cấp an toàn cho dự án để đưa vào hoạt động.

Theo tin từ Bộ GTVT, dự án được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Báo An ninh thủ đô cho hay, trước đó, Tư vấn ACT đã nêu ra 16 khuyến cáo theo các nhóm, gồm việc dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; nhân sự chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác… Tổng thầu EPC Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm.

Theo Tư vấn ACT, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống thì có 8 quy trình thất bại. Trên cơ sở đó, ACT nhấn mạnh nếu vận hành dự án sẽ phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.

Ngay sau đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương khắc phục các khuyến nghị, hoàn tất các thủ tục theo ý kiến của Tư vấn ACT thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu phải thực hiện.

Và theo quy trình của công tác cấp chứng chỉ an toàn hệ thống châu Âu, Tư vấn ACT phải báo cáo Ủy ban ISA (Ủy ban các tư vấn đánh giá an toàn độc lập mà Tư vấn ACT là thành viên) xem xét ra quyết định cuối cùng. Đến ngày 29/4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Các đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Động (ảnh: Internet)

Hiện nay, Bộ GTVT đang chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xem xét, ra quyết định cuối cùng trước khi chính thức bàn giao cho Hà Nội để vận hành thương mại.

Cuối tháng 4, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.

Trước đó, để chuẩn bị cho kế hoạch vận hành thương mại, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt và ban hành giá vé vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có hiệu lực từ 14/6/2021.

Theo đó, vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ có 3 loại hình: đi theo lượt, đi theo ngày và đi theo tháng. Với giá vé đi theo lượt, có mức từ trên 7.000 đồng đến 15.000 đồng tùy theo cự ly di chuyển; giá vé theo ngày là 30.000 đồng/người/ngày, mua vé theo ngày hành khách được đi tàu trong ngày không kể số lượt; với giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có thể mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá ưu đãi là 140.000 đồng/người/tháng.

Với hành khách là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí đi tàu.

Báo VTC News cho hay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, với kế hoạch đưa vào khai thác từ năm 2015, nhưng chậm tiến độ nhiều lần cho tới nay. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đó vốn vay ODA Trung Quốc là 669,6 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 198,4 triệu USD. Dự án thực hiện theo hợp đồng EPC, do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu