06:12 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Báo chí là lực lượng xung kích, công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng

13:49 21/06/2023

(THPL) - Lịch sử đã ghi nhận báo chí cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Xứng đáng là công cụ sắc bén của sự nghiệp cách mạng, của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, định hướng dư luận, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... với đa dạng các chủ đề. Cùng với viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như: tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về người làm báo.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.

Vì vậy, đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Yêu cầu đầu tiên đối với người làm báo là phải vững vàng về phẩm chất chính trị. Bác căn dặn, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Báo chí luôn đồng hành với những chủ trương, quyết sách lớn

Thấm nhuần lời dạy của Người, ngày nay, báo chí luôn đồng hành với những chủ trương, quyết sách lớn, những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng. Báo chí dấn thân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Báo chí cũng tiên phong trên trận tuyến tư tưởng, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí đã và đang khẳng định là lực lượng xung kích là công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng, không ngừng hoàn thiện, phấn đấu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội tặng hoa chúc mừng các nhà báo lão thành. Ảnh: Quochoi.vn

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là nội dung được hầu hết các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương chú trọng và đặt yêu cầu cao. Đó vừa là nhiệm vụ chính trị của mỗi tòa soạn, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người cầm bút, nhất là trong giai đoạn cả nước phải cùng nhau chia sẻ, đồng lòng, chung sức vực dậy sau đại dịch.

Phát huy mạnh mẽ tính tiên phong, đổi mới của báo chí

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), sáng 20/6, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà Báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Hội nghị Giao ban công tác báo chí tháng 6/2023.

Phát biểu tại giao ban, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và đội ngũ những người làm báo cả nước nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Phó Thủ tướng khẳng định trải qua 98 năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, đội ngũ người làm báo cả nước. Ảnh: VGP

Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, đem đến cho công chúng, độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống, khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực.

Báo chí đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin tại những điểm nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh quốc phòng… với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh tổng hợp cho xã hội. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí bản lĩnh, sự tìm tòi sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm.

Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động giao ban báo chí với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí về những vấn đề đang được người dân, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó giúp lan toả, kết nối hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuống địa phương hiệu quả hơn, đến gần hơn với người dân.

"Chính phủ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với các bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, vận động, khích lệ người dân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; luôn luôn lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, phản hồi từ chuyên gia, nhà khoa học, người dân… để thực hiện tốt nhất trách nhiệm phục vụ nhân dân", Phó Thủ tướng nói.

Tôn vinh 124 tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022

Theo kế hoạch, tối nay (21/6), lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 sẽ được tổ chức tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô. Năm nay, số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.894 tác phẩm, trong đó có 1.774 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo. Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Hướng dẫn và Quy chế của Hội đồng Giải. 11 Tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo đã làm việc công tâm, hoàn thành chấm sơ khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt.

Quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 157 tác phẩm vào  chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 9 Giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII – năm 2022. Các giải thưởng được trao cho 11 hạng mục, ở cả 4 loại hình: báo in, phát thanh truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí.

Phương Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu