10:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xúc động câu chuyện một "liệt sỹ" trở về từ "địa ngục trần gian"

| 17:04 30/04/2017

(THPL) - Bị địch bắt, sống kiếp địa ngục và từng được công nhận là liệt sỹ nhưng nhờ ý chí kiên cường, bất khuất, người cựu tù Phú Quốc năm xưa Vương Đức Thuận, SN 1936, ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái (H.Nghi Lộc, Nghệ An) từ ngày trở về luôn sống hết mình vì gia đình và đồng đội.

Người cộng sản kiên trung

Tháng 2/1960, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Vương Đức Thuận từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ và gia nhập Trung đoàn 271 (Quân khu 4) rồi về chiến trường C. Tới năm 1963, Vương Đức Thuận được điều về chiến đấu tại Thừa Thiên - Huế, thuộc quân số Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 10 đặc công. Trong trận mở màn chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị đặc công của ông Thuận (có tất cả 27 thành viên) đánh vào khách sạn Hương Giang, trung tâm đầu não của địch ở Huế lúc ấy. Dù diệt gọn 141 tên địch bảo vệ nhưng ông và đồng đội bị 5 sư đoàn của địch bao vây. Lần ấy, 25 đồng đội của ông hy sinh. Riêng ông và một đồng đội bị thương nặng rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang bị giam trong trại giam dã chiến của địch ở đồn Mang Cá (Huế), sau đó bị chuyển về giam cầm tại Đà Nẵng. Hai tháng sau, ông bị bắt đày ra nhà tù Phú Quốc.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Thuận vẫn hăng say lao động.

Tại đây, ngót nghét 6 năm trời, dù bị địch tra tấn dã man, ông Thuận vẫn không khai nửa lời. Trong cảnh gông xiềng và nhục hình tàn bạo ấy, ông Thuận và các đồng chí, đồng đội không những không khuất phục mà vẫn tiếp tục đấu tranh. Họ tiếp tục móc nối liên lạc và hình thành tổ chức sinh hoạt, tập hợp lực lượng và xây dựng tình đoàn kết để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh một mất một còn. Sau đó, ông và nhiều người tử tù ở đây đấu tranh bằng cách tuyệt thực đòi tăng khẩu phần ăn, có thêm áo mặc.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, ông cùng đồng đội đã chuẩn bị lương thực bằng cách khi nấu ăn bớt một phần gạo lại rồi cho vào túi ni lon chôn dưới đất. Những ngày tuyệt thực, họ chỉ ăn một nắm gạo nhỏ và uống nước lã cầm cự qua ngày. 11 ngày sau, Bộ chỉ huy địch phải xuống tận nhà tù Phú Quốc giải quyết bằng cách chấp nhận tăng khẩu phần ăn, sắm thêm áo mặc cho những người tù cộng sản. Tiếp đó, địch nghi ngờ trong trại tù có những người “đầu sỏ” nên những người tù lớn tuổi bị chuyển sang khu biệt lập. Ông Thuận cho biết, tại đây, họ tra tấn dã man, tàn bạo. Điển hình có người đồng đội ở Quảng Trị bị địch dùng đinh 10 đóng từ giữa trán vào đầu và 8 ngày sau qua đời.

Bản thân ông Thuận cũng bị bắt và tra tấn, dùng kim ghim vào 10 đầu ngón tay. Rồi địch kết tội là Bí thư Đảng ủy nhưng ông một mực không nhận. Sau nhiều cách tra tấn không được, chúng lại dùng đinh 10 đóng vào đầu gối ông khiến ông ngất đi. Sau nhiều thủ đoạn tra tấn không thành, địch phải thả những người mà chúng nghi ngờ là “đầu sỏ” về trại giam cũ. Cuối năm 1970, ông Thuận được những người tù Phú Quốc tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy nhà lao.

Đầu năm 1971, Thường vụ Đảng ủy nhà tù Phú Quốc họp mở chiến dịch vượt ngục. Lúc ấy chi bộ của ông tổ chức chia thành 6 tổ (2 tổ ở dưới đào hầm, 1 tổ giấu đất, 1 tổ an ninh). Suốt 2 tháng trời, những con người ấy thường tranh thủ đêm tối thực hiện công việc của mình. Chi bộ do Vương Đức Thuận phụ trách chọn 9 người tham gia đào hầm. Ròng rã suốt 2 tháng, các ông sử dụng cà men sắt dùng để ăn cơm, làm dụng cụ đào hầm. Ngày đào ít thì 1 - 2 tiếng, ngày đào nhiều thì 3 - 4 tiếng và luôn có 3 người nằm trên nắp hầm che mắt địch. Nếu bị địch phát hiện thì sẵn sàng đứng lên chịu trách nhiệm. Để giữ bí mật, đất đào lên được các ông hòa vào nước trong thùng phi dùng cho tù nhân đi vệ sinh. Rút kinh nghiệm từ thất bại của 3 chi bộ trước cộng với kinh nghiệm của lính đặc công, cứ đào được 50m, ông lại cho làm một lỗ thông hơi lên phía trên để quan sát, tránh vòng lại chỗ cũ và gần các điểm chốt của địch.

Với quyết tâm cao, chỉ từ tháng 3 đến tháng 5/1971, chi bộ của ông Thuận đã đào thành công đường hầm bí mật. Sau đó, những người tù Phú Quốc tổ chức vượt ngục. Lúc ấy, ông Thuận đang bị thương phải chống nạng, sợ gây khó khăn cho anh em nên ông quyết định ở lại. Đợt đó, 27 người vượt ngục thành công. Người tù cộng sản kiên trung Vương Đức Thuận tiếp tục bảo vệ nắp hầm và cùng các đồng chí trong tù liên tục đấu tranh trực diện với địch cho đến ngày được trao trả...

Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, địch mới trao trả những người tù cộng sản. Vương Đức Thuận là một trong những người đầu tiên được địch trao trả tự do tại bờ sông Thạch Hãn - Quảng Trị (3/1973). Thoát khỏi chốn lao tù, ông Thuận được đưa đi an dưỡng ở Hà Nam Ninh (cũ) 6 tháng rồi về công tác tại Quân khu 4. Cuối năm 1973, ông được giữ chức Trưởng ban Chính sách Tỉnh đội Nghệ An. 

Khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, một lần nữa ông lại tình nguyện đăng ký lên đường. Nhưng với điều kiện sức khỏe giảm sút và thương tật đầy mình, cấp trên không đồng ý cho ông tham gia chiến đấu, ông đành trở về hưởng chế độ Thương binh 2/4 với tỷ lệ thương tật 54%.

“Liệt sỹ” trở về

Ông Thuận nhớ lại, năm 1968, ông cùng đơn vị đánh vào khách sạn Hương Giang mở màn chiến dịch Mậu Thân. Là đơn vị cảm tử nên cấp trên đã xác định trước sau gì cũng khó trở về dù hy sinh hay bị thương, họ vẫn được thưởng Huân chương chiến công. Sau trận đánh cảm tử ấy, vì nghĩ không còn ai sống sót nên đơn vị của ông đã gửi giấy báo tử về cho gia đình. Ở nhà, bố mẹ ông Thuận cũng đinh ninh là con trai của mình đã chết nên năm năm liền làm giỗ cho con.

Ông Thuận cùng vợ trong căn nhà đơn sơ.

Mãi năm 1973, khi được trả tự do và ra Bắc điều trị, ông Thuận cũng không có dịp về thăm nhà. Hơn 13 năm biền biệt, đối mặt với bao hiểm nguy, nhiều lúc cái chết cận kề nên tình cảm gia đình, quê hương trong ông phải nén xuống tận đáy lòng. Giây phút ấy như có sự bung tỏa, nước mắt người chiến sỹ cộng sản chực trào… Và ông liền cầm bút viết thư về, trong đó có lời nhắn: “Con giờ đã ra Bắc an dưỡng, bố mẹ yên tâm về con!” rồi dán tem gửi về cho gia đình.

Vì quá nhớ nhà, ông xin về quê trước thời hạn. Hay tin “liệt sỹ” Vương Đức Thuận sống sót trở về, bà con làng xóm kéo đến suốt mấy ngày trời thăm nom hỏi han và chia vui cùng gia đình.

Lúc ông ấy mới về, người gầy nhom, chân đi cà nhắc, ban đầu tui không thể nhận ra đó là chồng mình. Thấy chồng về, tôi vừa mừng vừa tủi. Riêng đứa con gái thứ 2 không chịu nhận bố. Nó bảo người này không giống bố trong bức ảnh. Khi ông đi nó chưa đầy 7 tháng tuổi, và phải mấy ngày sau, dỗ mãi nó mới chịu lại bên bố mình”, bà Vương Thị Hồng (77 tuổi), vợ ông Thuận nhớ lại.

Khi hỏi về gia cảnh, ông cho biết ông là con trai cả, hai người em trai của ông mới qua đời được ít lâu. Ngoài ra, ông còn một người em gái. Hôm tôi về thăm, cô em gái vào Lâm Đồng lập nghiệp cũng mới về chơi. Sau ngày đoàn tụ, vợ chồng ông Thuận sinh được thêm 3 cô con gái. Con trai ông là Vương Đức Bình, SN 1959 từng đi lính hải quân ở Hài Phòng rồi tham gia chiến dịch quốc tế giải phóng Campuchia. Do sức ép của chiến tranh, anh Bình phát bệnh tâm thần nhưng vì mất hết giấy tờ mà không được hưởng chế độ. Anh Bình lấy vợ và có được một cô con gái nhưng sống với nhau được ít lâu, vợ anh bỏ đi. Dù tuổi cao sức yếu nhưng vợ chồng ông Thuận vẫn phải chăm nuôi con trai tâm thần, nuôi cháu gái ăn học. Lúc trái gió trở trời, phát bệnh, anh Bình lại đuổi đánh cả bố mẹ.

Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn như thế song lúc nào người cựu tù năm xưa cũng lạc quan, vui vẻ. Đến nay, niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng ông là cô cháu gái (đứa con duy nhất của anh Bình) đã yên bề gia thất và có việc làm ổn định.

Năm 2009, có dịp trở lại Phú Quốc, thăm lại chốn “địa ngục trần gian”, ông Thuận đã góp phần tìm kiếm được 118 bộ hài cốt của các đồng chí, đồng đội năm xưa bị địch sát hại rồi chôn lấp. “Chuyến về lại Phú Quốc, bãi nghĩa địa gần trại giam cây cối đã phủ um tùm, phải mất nhiều thời gian chúng tôi mới xác định được vị trí ngôi mộ tập thể. Khi khai quật, đội quy tập đã tìm được 118 bộ hài cốt nằm lẫn lộn, tất cả đều không tên không tuổi”, ông Thuận kể lại.

Tri ân những đóng góp của ông Vương Đức Thuận cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng đội bị tù đày tại nhà tù Phú Quốc năm xưa đã đề nghị Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An tham mưu với UBND tỉnh làm hồ sơ đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ nhưng 5 năm qua vẫn chưa có kết quả.

Bước sang tuổi 81, chân yếu, mắt mờ, hai đầu gối của ông vẫn lỗ chỗ những vết lõm sâu, là dấu tích của nhục hình tàn bạo ở nhà tù Phú Quốc nên ông Thuận không còn nhớ hết tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời mình. Riêng những năm tháng gian khổ, ác liệt và hiểm nguy ông còn nhớ khá rõ. Với người chiến sỹ cộng sản kiên trung ấy, đó là những năm tháng không thể nào quên.

Thạch Quỳnh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu