11:45 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Về Vĩnh Lộc - Thanh Hóa nghe hát tuồng làng Bèo

| 06:00 16/06/2017

(THPL) - Nhắc đến Vĩnh Lộc, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến di sản thành nhà Hồ, những danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, nổi tiếng về mặt giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với phủ Trịnh, nghè Vẹt, nhà cổ Tây Giai, động Hồ Công….Tuy nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến các loại hình văn hóa nghệ thuật đã trở thành biểu tượng, nét văn hóa đặc trưng của người dân Vĩnh Lộc, trong đó có loại hình hát tuồng ở làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Làng Bèo (xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) xưa nay vốn nổi tiếng gần xa bởi hình thức nghệ thuật hát tuồng, vốn đã trở thành món ăn tinh thần không thể tách rời với đời sống người dân nơi đây. Từ người già đến trẻ nhỏ, không ai không thuộc một vài đoạn tuồng, thậm chí có những em tuổi đời còn trẻ nhưng lại có niềm đam mê với môn nghệ thuật truyền thống này. Tuy không phải là cái nôi của nghệ thuật Tuồng truyền thống, nhưng tại làng Bèo có thể cảm nhận rằng nghệ thuật tuồng đang dần ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương.

Hoạt động của CLB tuồng làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. 

Cũng từ yêu thích bộ môn nghệ thuật này, CLB tuồng làng Bèo đã manh nha những bước đi đầu tiên từ năm 1960, đến năm 2005 đoàn tuồng làng Bèo chính thức lây tên là “CLB tuồng”, với 18 hội viên, nhằm tập hợp những hạt nhân, những người yêu thích nghệ thuật Tuồng tại địa phương và các xã lân cận. Đây chính là nơi sinh hoạt của những người đã "phải lòng" tuồng để cùng nhau gìn giữ, phát huy, đồng thời cũng gọi là nơi giữ hồn cho nghệ thuật Tuồng.

Thành viên CLB tuồng làng Bèo khá đa dạng, họ những người nông dân “chân lấm tay bùn”, hưu trí, buôn bán… tranh thủ thời gian nông nhàn cùng nhau tập hợp để học hỏi, trau dồi kỹ năng. Mặc dù hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhiều người có khác nhau nhưng lại cùng chung sự đam mê mãnh liệt với môn nghệ thuật Tuồng.

Ban đầu thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu do các hội viên tự nguyện đóng góp hoặc huy động từ nguồn xã hội hóa sau những chuyến lưu diễn. Mặt khác, nghệ thuật Tuồng rất khó, đòi hỏi phải có kỹ năng, chuyên môn, am hiểu sâu. Hơn nữa, trang phục, nhạc cụ cũng là vấn đề nan giải cho CLB. Được chính quyền địa phương giúp đỡ cấp cho 4 sào ruộng, những thành viên tích cực sản xuất để bổ sung kinh phí chè nước thường xuyên cho CLB. 

Bất chấp những khó khăn, gian khổ, bằng sự đam mê mãnh liệt, cùng với ý thức, trách nhiệm gìn giữ của ông cha chính là mạch nguồn cảm xúc, sức mạnh tinh thần để các hội viên vượt qua mọi thách thức, cùng nhau đưa CLB đi vào ổn định. Theo dòng chảy của thời gian, dưới sự lãnh đạo của nghệ sĩ Lê Thị Tròn - Chủ nhiệm CLB, cùng sự dìu dắt, đỡ đầu của NSND Lê Tiến Thọ, tiếng trống tuồng cùng với những âm thanh, giọng hát của tuồng đã có sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Tuy chỉ mang hình thức bán chuyên nhưng CLB có những lợi thế nhất định mà ít CLB khác có được. Bà Lê Thị Tròn - Chủ nhiệm CLB - năm nay đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, gần đất xa trời nhưng đã dành gần trọn cuộc đời mình cho niềm đam mê cháy bỏng, cống hiến hết mình cho môn nghệ thuật Tuồng. Với tinh thần trách nhiệm cao cùng thái độ ham học hỏi, bà đã cùng các thành viên trau dồi kiến thức, tự mày mò sáng tác những ca từ để phục vụ nhân dân.

Hầu hết các thành viên CLB đều tự học, sau khi tập luyện, học hỏi đã có chất giọng khá chuẩn, cách lấy hơi, giữ nhịp, điều chỉnh âm lượng tốt, chất giọng hay chẳng khác những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đội ngũ các nhạc công cũng có những bước tiến rõ rệt với tiếng trống, tiếng phách, đàn, nhị rộn ràng. Nếu xét ở góc độ nghệ thuật, CLB sân khấu tuồng làng Bèo không chỉ đơn thuần là một CLB phong trào, mà đúng hơn là cái nôi truyền dạy hát tuồng ở chốn quê.

Để tuồng đến gần với công chúng, đặc biệt là những khán giả khó tính, cần phải viết được lời, thay đổi lời mới cho phù hợp xu thế thời đại, nhưng không làm mất đi cái hồn của tuồng, bởi thế các thành viên không ngừng tìm tòi, sáng tạo, viết lời mới, sáng tác các hoạt cảnh, tiểu phẩm, thấm đẫm hơi thở của đời sống lao động, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Chẳng thế mà những hội, lễ, tết, các buổi giao lưu văn nghệ, từ nhà văn hóa thôn đến khắp mọi nẻo quê luôn ngân vang tiếng nhạc, tiếng phách, làm đắm say lòng người.

Không chỉ dừng lại ở đó, CLB tuồng làng Bèo còn là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn do các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, dành được nhiều danh hiệu cao quý, như 3 Huy chương Vàng cá nhân hội thi toàn quốc “Liên hoan các tác phẩm sân khấu” tổ chức tại Đà Nẵng; Giải xuất sắc toàn quốc; Giải đặc biệt “Liên hoan dân ca khu vực thành nhà Hồ"...

Nghệ nhân Trần Thị Đới - diễn viên, kiêm đạo diễn dựng cảnh, sáng tác của CLB - chia sẻ: “Tất cả những bằng khen, giấy khen, giải thưởng cũng chỉ là yếu tố cần để khẳng định tên tuổi, vị trí CLB, điều cốt lõi khi tham gia vào bộ môn nghệ thuật này, các thành viên đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, được thổi hồn, lưu giữ, ngân nga những làn điệu tuồng cho khán giả. Hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, những người thật sự có cái tâm với nghề, muốn học hỏi môn nghệ thuật này ngày càng ít đi, tôi chỉ mong sao các con, các cháu dù có đi đâu, làm việc gì cũng nên nhớ về nguồn cội, nhớ đến những làn điệu tuồng của ông cha là được”.

Trung Lê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu