23:01 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

VCCI kiến nghị tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT 2%

17:34 26/11/2022

(THPL) - Trước những biến đổi khó lường của tình hình thế giới và trong nước, đòi hỏi các chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cũng phải "chuyển mình". Theo đó, VCCI đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, như tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT 2%.

Tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022, ngày 25/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhận định, kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch và có sự phát triển “ngược dòng” với các nước khi duy trì đà tăng trưởng tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, nhưng là một nước có độ mở lớn nên động lực tăng trưởng cũng chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước... đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi thị trường thay đổi đột ngột. “Nửa đầu năm, kinh tế khá tốt, chúng ta chỉ lo ngại vấn đề lạm phát, đặc biệt giá xăng dầu tăng, nhưng đến cuối năm bộc lộ hàng loạt vấn đề. Tăng trưởng theo quý sẽ là một hiện tượng đặc biệt, khi kinh tế năm nay sẽ đi xuống vào quý cuối của năm, trong khi theo thông lệ, Việt Nam thường đi lên vào cuối năm, và lạm phát cũng tăng lên”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Để vừa tăng trưởng và vừa kiểm soát được lạm phát, vị chuyên gia khuyến nghị sử dụng chính sách tài khóa cần linh hoạt, mềm mỏng hơn, trong đó đặc biệt lưu ý đến giảm thuế suất thuế GTGT. Ngoài ra cần tăng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN). Ông cũng thông tin dự toán chi NSNN năm 2023 cho thấy chi đầu tư sẽ tăng từ dưới 30% lên 35% trong tổng chi ngân sách.

VCCI kiến nghị tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT 2%. Ảnh minh hoạ

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, như tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT 2%, vì đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro; thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro.

Cũng tại phiên thảo luận, Ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, gói tài khóa hỗ trợ trong năm 2022 lên tới 233 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 10 số thực hiện ước 160 nghìn tỷ đồng. “Các chính sách thuế đều được đánh giá kỹ, liều lượng phù hợp, thực hiện đảm bảo đồng bộ với các chính sách pháp luật liên quan”, ông Trương Bá Tuấn nhận định.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế đã giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là tư liệu sản xuất tăng cao. Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã làm giảm đáng kể chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, các giải pháp điều chỉnh về chính sách thuế trong thời gian tới sẽ phải xử lý được những vấn đề đặt ra trong ngắn hạn gắn với yêu cầu phục hồi kinh tế giai đoạn sau dịch Covid-19 và ứng phó với sự gia tăng của áp lực lạm phát và những yêu cầu có tính chất dài hạn gắn với việc củng cố, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững. 

Về trung và dài hạn, quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở lấy việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển làm gốc. Quá trình cải cách thuế phải hướng đặc biệt coi trọng đến yêu cầu nuôi dưỡng nguồn thu bền vững trong dài hạn. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ rà soát tổng thể 8 luật thuế, trong đó trước mắt tập trung vào thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuấn Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu