08:52 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

UBND tỉnh Hoà Bình lên tiếng vụ rừng bảo tồn Phu Canh (Kỳ 7)

| 09:28 09/07/2018

(THPL) - Sau thời gian dài tìm hiểu, đến nay có thể khẳng định việc cấp GCNQSĐ cho Ban quản lý Khu bảo tồn “xoá sổ” hàng nghìn ha đất người dân đã được Nhà nước và pháp luật bảo hộ là từ Chỉ thị của UBND tỉnh. Còn UBND tỉnh lý giải không có kinh phí để di dời dân là do tỉnh “còn nghèo”.

Từ chỉ thị của tỉnh

Sau khi đăng tải loạt bài, Thương hiệu và Pháp luật đã có công văn số 102/THPL-CV ngày 10/4/2018 gửi UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị phúc đáp những nội dung phản ánh trên Thương hiệu và Pháp luật về vấn đề rừng bảo tồn Phu Canh bị tàn phá, cũng nhưng những quyền lợi chính đáng của người dân đã được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Đến ngày 29/5/2018, UBND tỉnh mới có công văn trả lời Số 770/UBND-NNTN do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

IMG_5565
PV làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình.

Điều mà hàng trăm hộ dân ở các xã Tân Pheo, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Đoàn Kết (Đà Bắc) quan tâm nhất lúc này là ai đã ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ của bà con sau gần 20 năm mất quyền sử dụng.

Trong công văn trả lời của UBND tỉnh cũng thừa nhận trong khu bảo tồn có nhiều lô, thửa có diện tích nằm trong khu bảo tồn.

Theo lý giải thì UBND tỉnh dựa vào Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28/3/2006. Thế nhưng phóng viên đề nghị cung cấp Quyết định này thì UBND tỉnh không cung cấp được. Đến năm 2013, (sau hơn 10 năm) UBND huyện Đà Bắc mới chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường ra Công văn số 28/CV-TNMT ngày 11/3/2013 với nội dung thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 02/CP (15/01/1994). Điều này trái với lời ông Bùi Thanh Phán, Trưởng phòng TN&MT huyện Đà Bắc làm việc với phóng viên khẳng định không có việc đó.

Còn việc chi trả phí môi trường rừng cũng được UBND tỉnh lý giải: Chi trả ở đây là phương án xây dụng chi trả từ địa phương lên, mức chi trả rất thấp từ 0,3 đến 5ha, hộ gia đình nhiều nhất khoảng chục ha. Số tiền chi trả đến hộ thực chất là rất bé, chỉ khoảng mười mấy nghìn. Chính vì vậy, việc chi trả đến hộ là không khả thi ở tỉnh Hoà Bình nhất là huyện Đà Bắc.

Tuy nhiên trong Quyết định số 2082/QĐ-UB ngày 15/12/2014, của UBND tỉnh Hoà Bình về việc phê duyệt sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2014 tại lưu vực nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Chỉ tính riêng quý IV (2013), Quý I,II,III (2014) tổng chi Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh: 12,4 tỷ đồng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh được phân chia chi trả gần 800 triệu đồng. Mức tiền chi trả cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng là 136 nghìn/ha có những gia đình có từ 10-20 ha thì số đó không hề nhỏ và từ năm 2014 đến nay thì số tiền của các hộ dân lên tới cả chục triệu đồng không như những lời giải thích của Sở Nông nghiệp.

33785633_2124371344448976_1010903042255486976_n
Công văn trả lời báo chí của UBND tỉnh Hòa Bình.

Dự án không có “kinh phí”

13130908_1708835736054603_5824380078080158154_o
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội 

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc thu hồi đất ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc là mục tiêu an ninh, quốc phòng đối với người dân Nhà nước phải đảm bảo an sinh, xã hội nhất là về mặt chỗ ở. Đối với đồng bào dân tộc miền núi thì phải lo đất sản xuất cho họ nhằm ổn định đời sống là điều kiện hết sức quan trọng. Trình tự thủ tục thế nào, xem nếu thu hồi của người dân mà không có quyết định thu hồi, không có chế độ khác đối với người dân là không phù hợp. Nguyên tắc chưa thu hồi thì bà con vẫn có quyền quản lý ở đây, được tăng gia sản xuất.

Còn việc cấp GCNQSĐ cho tổ chức, cá nhân nếu không đúng trình tự thủ tục thì cũng không phát huy được giá trị. Bà con bảo vệ quyền lợi bằng cách là đất của bà con thì bà con tiếp tục quản lý và sản xuất. Sau đó, tổ chức, cá nhân được cấp sau phải có ý kiến với UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ban ngành giải quyết chế độ cho bà con. Hai là bà con cũng có thể khiếu nại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định bàn giao đất mà không phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Ngày 4/6/2018, Nhóm PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở Nông nghiệp, Chi cục kiểm lâm và văn phòng UBND tỉnh để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến vụ việc. Sau thời gian dài tìm hiểu, đến nay có thể khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho Ban quản lý Khu bảo tồn “xoá sổ” hàng nghìn ha đất người dân đã được Nhà nước và pháp luật bảo hộ là từ Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng do tỉnh Hoà Bình là một tỉnh nghèo nên không có kinh phí để di dân ra khỏi khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc phá rừng, trách nhiệm thì chúng tôi không thể nói là chúng tôi kỷ luật cán bộ ngay được. Nếu có sai thì Ủy ban chỉ đạo xử lý, đó là việc của tỉnh, cả một quy trình để xử lý cán bộ, không thể đơn giản được. Còn các quy định của tỉnh triển khai đương nhiên là các anh (PV) chưa thể thu thập được. Nó là cả một vấn đề, nó nằm ở đâu thì chúng tôi sẽ rà soát lại trách nhiệm của từng tổ chức liên quan. Nếu nằm ở khu bảo tồn thì Giám đốc Khu bảo tồn sẽ chịu trách nhiệm, nếu nằm ngoài khu bảo tồn thì chủ tịch xã, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm.

Mặc dù nhiều lần ông Dũng khẳng UBND tỉnh đã chỉ đạo và nghe báo cáo từ các Sở ngành liên quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng, ban ngành nào của tỉnh, huyện về làm việc trực tiếp với bà con. Vì vậy câu hỏi rừng bị tàn phá, bà con bị mất quyền lợi chính đáng vẫn không ai trả lời?

Dư luận có quyền đặt ra nghi vấn về việc lập Khu bảo tổn thiên nhiên Phu Canh khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ cùng với sự đồng thuận của người dân, UBND tỉnh Hoà Bình quyết tâm thành lập Khu bảo tồn Phu Canh với mục đích gì? Bởi có một sự thật khi giao rừng cho dân thì còn, đến khi thành lập Khu bảo tồn (với 5.600 ha) thì rừng bị tàn phá. Người dân địa phương cũng đề nghị các cơ quan Trung ương cũng như Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc điều tra làm rõ việc tàn phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh cũng như quyền lợi chính đáng, liên quan trực tiếp của hàng trăm hộ dân.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu