21:42 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tùng la hán 100 tuổi giá nửa tỷ thu hút đại gia cây cảnh

| 09:41 11/01/2018

(THPL) - Anh Bùi Văn Toản (38 tuổi) ở huyện Ninh Giang (Hải Dương), chủ nhân của cây tùng kiểng trên cho biết, tùng la hán của anh có khoảng trên dưới 100 tuổi và có nhiều đại gia trong làng cây trả giá trên 300 triệu đồng, song anh chưa muốn bán mà đợi khách trả 500 triệu đồng mới xuất vườn.

Anh Toản cho biết trên báo Dân Việt: "Cây kiểng của tôi có dáng trực, gốc và cành rất lớn, gồm 9 bông tán và cao gần 2m, hiện gia đình đã đang đưa ra giá xuất vườn chính thức cho khách là 500 triệu đồng".

Anh chia sẻ thêm, cây tùng la hán này được anh mua về từ một nhà vườn ở trong tỉnh và anh đã phải mất gần 20 năm để chăm sóc cắt tỉa, tạo dáng thì cây mới hoàn thiện được như hiện tại.

tung-la-han
Cây tùng la hán của anh Toản khá già nên có gốc thân rất cổ thụ. Ảnh: Dân Việt

"Điểm nhấn tạo nên giá trị cho cây là bộ bệ và thân cành rất côn, cân đối" - anh Toản chia sẻ.

Về giá trị của cây tùng la hán, anh Phạm Nam, chủ một nhà vườn cây cảnh ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng: "Tùng la hán có nhiều tác dụng, có thể trồng làm cây bonsai hoặc làm cây cảnh bình thường..., trong các nhà vườn chơi cây ở cả nước có nhiều cây tùng trị giá tiền tỷ để hàng chục tỷ".

"Khi nói đến tùng là nói đến khí phách của người quân tử. Sống giữa rừng sâu, núi cao chỉ có tùng mới đủ sức vươn lên khỏi các bụi cây lúp xúp để đón nắng và gió trời và cũng chỉ có tùng mới chịu được mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đặc biệt, nhựa cây tùng già (hổ phách) ngoài việc để làm hương liệu còn là một linh dược quý để trị bệnh cứu người nên được rất nhiều người ưa chuộng và săn tìm mua về chơi" - anh Nam cho hay.

Theo báo Chất lượng Việt Nam, kỹ thuật trồng cây Tùng La Hán bonsai tuy hơi phức tạp trong cách tạo thế nhưng mang nhiều ý nghĩa cho ngôi nhà của bạn như tài lộc, vận may và sự phồn vinh thịnh vượng.

Tùng La Hán là loài cây có nguồn gốc ở Trung Quốc, Nhật Bản, cây được nhập về Việt Nam và ngày càng phát triển rộng khắp.

tung-la-han-1
Hiện cây tùng của anh Toản đã được nhiều khách đến thăm quan, hỏi mua nhưng do chưa được giá nên gia đình anh Toản chưa muốn bán. Ảnh: Dân Việt

Lá của cây Tùng La Hán mọc so le, có dạng hình xoắn ốc, dày, cứng và có màu xanh đậm. Lá cây bền, ít rụng và xanh quanh năm. Quả của cây Tùng La Hán có dạng hình trứng, khi chín có màu đỏ tía nhìn giống ông La Hán khoác áo cà sa nên cây có tên gọi là Tùng La Hán.

Chính vì những đặc điểm và ý nghĩa của Cây Tùng La Hán nên nó được xếp vào hàng cây cảnh quý hiếm nhiều người chuộng và trồng ở khắp nơi như công viên, đình chùa, khuôn viên các công trình văn hóa, sân vườn biệt thự, tiểu cảnh… Cây được trồng thành hàng hay trồng kết hợp với các loại cây trồng viền, cây cỏ nền tạo cảnh quan xanh thu hút người chiêm ngưỡng.

Về kỹ thuật trồng cây Tùng La Hán, có thể áp dụng theo phương pháp gieo hạt hoặc chiết cành và giâm cành. Nếu dùng phương pháp giâm cành trong bầu sẽ rất thuận tiện cho việc chăm sóc. Cành giâm trong giai đoạn vườn ươm phải đạt độ cao 15 – 20 cm, đặt cây trong bóng râm 30 – 45 ngày, sau đó có thể đưa ra nắng. Khi cây được 80cm trở lên mới đem trồng xuống đất.

Còn đối với phương pháp gieo hạt, chỉ cần đợi tới khi quả chín đỏ, tức là thời điểm hạt đã già, lấy quả và gieo toàn bộ số hạt vào trong một khay đất mịn được chuẩn bị từ trước. Sau đó để vào nơi râm mát, giữ ẩm thường xuyên. Sau khi gieo hạt được khoảng từ 1-2 tháng, tùng la hán bắt đầu phát triển thành cây con. Chờ cho cây cứng cáp và đánh ra ngoài trồng. Có thể gieo hạt Tùng quanh năm nhưng thích hợp nhất vào đầu mùa Xuân.

Do là cây ưa sáng nên nếu trồng trong nhà cần phải cho cây ra nắng thường xuyên để cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cây có khả năng chịu hạn, nhưng nên cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết để cây phát triển tốt. Có thể phun bổ sung phân bón lá nhưng nên nhớ không tưới phân khi cây đang ra đọt.

Trong quá trình trồng cây Tùng La Hán cần phải chú ý tới 2 loại sâu đó là rầy mềm và sâu vẽ bùa. Chúng tấn công khi cây vừa ra đọt non. Để phòng trừ cần phải ngắt hết lá đã có hiện tượng úa, héo hay sâu ăn lá sau đó tiến hành phun bằng thuốc đặ trị theo sự hướng dẫn.

Để có thể tạo tán và thế đẹp cho cây Tùng La Hán đầu tiên hãy làm sạch bằng cách ngắt bỏ mọi đọt lá nhỏ xuất hiện từ thân của cành tùng, kể cả các lá già và toàn bộ những chi thứ chúi đầu hướng xuống đất. Hãy tỉa làm sao để nhìn cây Tùng có độ thoáng chỉ giữ lại những chi khỏe mạnh.

Bước tiếp theo là tiến hành bấm ngọn. Trước khi bấm ngọn, bạn thấy những đọt non vọt tương đối mạnh mẽ. Bạn hãy bấm bỏ những ngọn vượt này cho tới vùng biên của lá. Nên nhớ khi cây Tùng không ra đọt không nên cắt tỉa vì như vậy có nghĩa là Tùng đang phát triển không tốt. Nếu cây chưa phát triển mạnh mà uốn tỉa sẽ lại càng yếu.

Khi cành đã được gọn sạch tiến hành buộc dây. Thông thường người ta sẽ dùng cỡ dây khoảng 1,5 mm khắp các chi thứ của cành Tùng. Nhờ xếp chi tỏa đều, những điểm phát tán của ngọn chi thứ trong cành sẽ có đủ điều kiện để phát triển tốt.

Do đặc điểm sinh lý của cây Tùng là lá phải ngửa hứng sương mới phát triển khỏe mạnh được. Do đó bạn sẽ phải nắn vuốt làm sao cho mọi lá của cây đều hướng lên trời để cây tùng bonsai có thể phát triển bình thường được.

Trên đây chỉ là các bước kỹ thuật trồng cây Tùng La Hán bonsai cơ bản nhất. Nếu muốn thực hiện thành công cần trang bị thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm của giới chơi cây cảnh để áp dụng hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu