07:35 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Trường Tiểu học Lũng Luông: Bông hoa nở giữa núi rừng

| 16:47 08/09/2017

(THPL) – Ngôi trường mái lá ọp ẹp của các em học sinh ở Lũng Luông (Thái Nguyên) giờ đây đã được thay thế bằng tổ hợp nhà đất xinh xắn, gọn gàng.

Cũng như nhiều nơi ở vùng cao phía Bắc nước ta, xóm Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là một địa chỉ nghèo và còn rất nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt.

Nhiều em nhỏ ăn không đủ no, mặc chẳng đủ ấm, các em phải học tập trong những lớp học ẩm thấp, cũ kỹ, cơ sở vật chất tồi tàn. Đường dẫn vào bản vô cùng gian truân, mặt đường vẻn vẹn 2 mét, nhiều đoạn dốc đứng, chỉ sơ ý một chút là rơi xuống vực. Sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện, chăm sóc, giúp đỡ cho các em tìm đến con chữ thật sự là một vấn đề nan giải.

Hình ảnh GS Ngô Bảo Châu năm 2014 đến thăm học sinh nghèo ở Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) trong các lớp học thô sơ, vách nhà hở nhiều phía. Ảnh: Trần Đăng Tuấn.

Trường Tiểu học Lũng Luông nằm cheo leo trên đỉnh núi. Trước khi có dự án do Quỹ Trò nghèo vùng cao tài trợ, trường rất tạm bợ với những tấm bạt ngăn gió lùa mùa đông rách nát, lớp học nền đất, tường là những ván ghép sơ sài, mái lợp fibro xi măng nứt nẻ, chái nhà quây phên nứa, mưa tạt, gió lùa.

Năm 2014, GS Ngô Bảo Châu đến thăm học sinh nghèo ở Lũng Luông trong các lớp học thô sơ, vách nhà hở nhiều phía. Hình ảnh giáo sư giản dị, đi dép tổ ong trên nền đất, đứng giảng dạy đã được cộng đồng chia sẻ nhiều vào thời gian đó.

Hai năm sau, Quỹ Trò nghèo vùng cao (Chương trình Cơm có thịt) kết hợp với KTS Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn (Văn phòng 1+1>2) hoàn thành ngôi trường mới cho các em nhỏ ở Lũng Luông.

Ngôi trường mới do quỹ Trò nghèo vùng cao (Chương trình Cơm có thịt) kết hợp với KTS Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn (Văn phòng 1+1>2) hoàn thành cho các em nhỏ ở Lũng Luông. 

Trên diện tích xây dựng 1.200 m2, trường có 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, khu văn phòng, ký túc xá cho học sinh, giáo viên, bếp, vệ sinh.

Ngôi trường với thiết kế hiện đại, đa chức năng, thân thiện gồm nhiều công trình với màu sắc bắt mắt thật sự đã trở thành nơi học tập lý tưởng cho các em học sinh vùng cao.

Không ngoa khi nói ngôi trường mang vẻ đẹp của một bông hoa nở rộ giữa núi rừng Lũng Luông, với thiết kế tạo hiệu ứng thị giác mạnh. Mỗi góc nhìn lại mang đến một ấn tượng khác nhau.

Ngôi trường với thiết kế hiện đại, đa chức năng, thân thiện gồm nhiều công trình với màu sắc bắt mắt thật sự đã trở thành nơi học tập lý tưởng cho các em học sinh vùng cao.

Mục tiêu dự án là tạo ra một trường học tiện nghi, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn về chiếu sáng, thông gió, cách âm, cách nhiệt. Trường đầy đủ phòng học, phòng đa năng, phòng y tế, thư viện, bếp nấu, nhà nội trú, khu vệ sinh.

Với quan niệm trường là núi, núi là trường, đứng từ các góc đều thấy khe núi. Các lớp học tương thích với núi, còn khoảng trống giữa các lớp là khe, làm nên bức tranh kiến trúc dán chặt vào địa hình. Hành lang nối các khu chức năng, lớp học không phẳng mà tôn trọng địa hình tự nhiên, uốn lượn lên xuống như đường đèo.

Mục tiêu dự án là tạo ra một trường học tiện nghi, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Ngôi trường xinh đẹp thật sự là một món quà ý nghĩa cho các em học sinh vùng núi, nơi còn chịu nhiều khó khăn. Mỗi dịp năm học mới, nhìn các em học sinh được học tập giữa "đóa hoa rừng" nhiều người cũng cảm thấy vui lây. Mong rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều công trình như thế trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và KTS Vũ Xuân Sơn trong ngôi trường mới.
Thật không ngoa khi nói Trường Tiểu học Lũng Luông như bông hoa nở rộ giữa núi rừng.

Lần đầu tiên Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng của Đại hội Kiến trúc thế giới 

Ngày 6/9 tại Hàn Quốc, Đại hội Kiến trúc thế giới UIA lần thứ 26 trao giải thưởng lớn Vassilis Sgoutas Prize cho kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, ghi nhận những "đóng góp vô giá của ông" - theo đánh giá của Ban Giám khảo, trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở nông thôn và vùng núi Việt Nam.

Giải thưởng xét trao 3 năm 1 lần, đây cũng là KTS Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng lớn, danh giá bậc nhất của Hiệp Hội KTS chuyên nghiệp thế giới.

KTS Hoàng Thúc Hào có 25 năm nghiên cứu và phát triển các kiến trúc phục vụ cộng đồng. Một số công trình ông đã thực hiện gồm: nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), làng homestay Nậm Đăm (Hà Giang), nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), và Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan. Những công trình này mang về cho ông 35 giải thưởng trong nước, 30 giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Đặc biệt, ông mới nhận giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016. Đây là giải thưởng được xem như giải Pritzker - Nobel kiến trúc châu Á.

Lan Anh (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu