00:24 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về cải cách tiền lương và BHXH

| 21:36 08/11/2017

(THPL) - Chính phủ đang xây dựng Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Dự kiến đề án này sẽ được xem xét thông qua vào tháng 5/2018.

Theo TTTXVN, chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã làm việc với các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiền lương và một số kiến nghị đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công. Đề án sẽ được trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Dự kiến đề án này sẽ được xem xét thông qua vào tháng 5/2018. Nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai trong nhiều năm. Năm 2017 đã đặt hàng với nhiều chuyên gia để có luận cứ cũng như những kinh nghiệm quốc tế cho hai lĩnh vực này.  Đoàn công tác của Chính phủ cũng đã nghiên cứu, khảo sát ở cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo và sẽ tiếp tục có các khảo sát từ nay đến cuối năm, trước khi hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 

Đây là một lĩnh vực rất khó, có phạm vi rộng. Đề án bao gồm cả khu vực công, các khu vực trong tổ chức nhà nước, khu vực sản xuất (cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), liên quan đến các chính sách bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột an sinh xã hội. Đây cũng là một vấn đề rất nhạy cảm vì liên quan đến hầu như tất cả những người đang trong độ tuổi lao động cũng như đã nghỉ hưu. 

IMT_35345
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với ILO tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu nhiều năm, tiền lương đã qua nhiều lần cải cách vào các năm 1960, 1985 (khi Việt Nam chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường), tiếp đó là vào năm 1993 và có một số điều chỉnh vào năm 2004. 

Để có thể tổ chức thành công chính sách này, Việt Nam cũng đã nghiên cứu và ban hành hai chính sách. Đó là chính sách về tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm gần 60.000 tổ chức với khoảng 2,6 triệu người đang hưởng lương. Mục tiêu là đến năm 2021 giảm 10% về số lượng đầu mối và giảm 10% biên chế, sắp xếp lại một cách triệt để các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác. Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết 19 về vấn đề này. Cũng trong hội nghị trên, Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được ban hành. 

Theo báo Chính phủ, tại buổi làm việc, TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam đánh giá chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội là chính sách then chốt, có ảnh hưởng đối với sự phát triển, khuyến khích sự năng động, sáng tạo cho mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và cả một quốc gia.

“Vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, đây là chính sách luôn gây nhiều tranh cãi, rất khó để Chính phủ, công đoàn cũng như giới chủ có sự đồng thuận”, TS. Chang- Hee Lee nhấn mạnh.

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cũng khuyến nghị cần có một công thức để ước lượng điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay thống nhất về những tham số trong những công thức đó, như vậy việc xác định, ấn định để điều chỉnh tiền lương tối thiểu có thể dự báo trước được.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, các chuyên gia của ILO khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi từng bước, tránh đột ngột; tăng cường mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Đánh giá cao những khuyến nghị của ILO tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết những khuyến nghị này sẽ giúp ích cho các cơ quan ban hành hành chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục có đề xuất cụ thể liên quan tới vấn đề tiền lương, nhất là trả lương theo cấp bậc, vị trí với các nguyên tắc, cách thức thực hiện; cung cấp các tài liệu về mô hình tiền lương, bảo hiểm xã hội của một số nước để Việt Nam tham khảo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong thảo luận, hỗ trợ các vấn đề liên quan.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu