00:35 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Trả phí oan sai

16:05 31/10/2017

Chỉ trong 4 năm, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã thản nhiên móc túi hơn 550 tỷ đồng của đồng bào bằng một thứ phí trái pháp luật.

Trả phí oan sai
Chỉ trong 4 năm, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã thản nhiên móc túi hơn 550 tỷ đồng của đồng bào bằng một thứ phí trái pháp luật.

Đó là một phần nhỏ trong những sai phạm nghiêm trọng của đơn vị này ở giai đoạn 2012 - 2016, được khẳng định trong bản Kết luận thanh tra dài 38 trang A4 do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ký công bố hôm 25/10/2017.

Số tiền hơn 550 tỷ lạm chiếm từ việc thu phí ra vào sảnh đón tiễn các sân bay dù chỉ là một phần rất nhỏ trong những tổn thất do sai phạm của ACV, song câu chuyện này là sự chà đạp pháp luật một cách ngang nhiên và vô lối khi nó không dựa trên bất cứ một quy định pháp luật nào. Thậm chí, ngay cả khi báo chí, và người dân đã nhiều lần lên tiếng thì nó vẫn tiếp tục diễn ra trong sự thờ ơ của các cơ quan quản lý trực tiếp như Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải.

Giai đoạn 2011 - 2016 trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, một bộ trưởng nổi tiếng biết lắng nghe và phản hồi ý kiến của dư luận và báo chí. Thậm chí, giá của bát mỳ trong nhà ga hàng không cũng được đích thân bộ trưởng can thiệp. Song, điều kỳ lạ là một khoản thu thường xuyên, phi lý, trái pháp luật như vậy vẫn tồn tại bất chấp tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Bộ chủ quản.  

Số tiền hơn 550 tỷ lạm chiếm từ việc thu phí ra vào sảnh đón tiễn các sân bay dù chỉ là một phần rất nhỏ trong những tổn thất do sai phạm của ACV, số tiền trên dưới 10.000 đồng cho mỗi lượt ra vào sảnh đi đến của sân bay có thể rất nhỏ so với mức chi tiêu của nhiều người, song đó là khoản tiền bị mất đi một cách oan sai, do hành vi cố ý làm trái của một doanh nghiệp và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản.

Vậy, người dân có được đền bù, được xin lỗi bởi sự oan sai này không? Việc đền bù, xin lỗi đó sẽ được tiến hành như thế nào, và do ai?

Để trả lời những câu hỏi này, có lẽ cần trở về với những cơ chế căn bản để hình thành oan sai hoặc vô tình gây oan sai do thiếu nhận thức về pháp luật, hoặc cố ý làm trái để mưu lợi. Thông thường, khi vi phạm được phát hiện, người ta sẽ có xu hướng dễ dàng nhận dốt, thay vì nhận tham, nhận ác. Tuy nhiên, trong câu chuyện, rất khó để có thể cho rằng quá trình thu phí oan sai diễn ra trong suốt 4 năm đó là vô tình do thiếu nhận thức về pháp luật.

Có một chi tiết mà bất cứ ai từng lái xe đến các nhà ga hàng không mới, hiện đại như T2 (Nội Bài) hoặc Tân Sơn Nhất, nếu để ý đều có thể nhận ra các vị trí thu phí vào sân đỗ đã được thiết kế riêng. Song, chúng đã không được sử dụng để thu phí, bởi người ta xây trạm thu phí ở bên ngoài để có thể kiểm soát việc thu phí cả những chiếc xe chỉ vào sảnh đón, tiễn mà không qua sân đỗ.

Thậm chí, ở Nội Bài người ta còn đặt dải phân cách để buộc xe đón phải đi qua sân đỗ, khiến việc ra vào nhà ga này trở thành một mê cung phức tạp nhất trong thế giới nhà ga hàng không toàn cầu.

Để cấp phép cho các trạm thu phí được xây dựng ngoài thiết kế, để thay đổi thiết kế các sân đỗ trong hợp phần nhà ga hàng không được giải thưởng kiến trúc trở thành mê cung, hẳn không thể là một hành động tuỳ hứng. Hẳn phải có những phương án được đệ trình, được thẩm định, được nghiên cứu kỹ càng của các bộ phận chức năng, trong đó có cả bộ phận pháp chế nữa. Không thể là vô tình, đó phải là một chủ trương được thống nhất để tận thu những đồng tiền không được phép thu của người dân. 

Cơ chế thu phí sai phép đó, đã được thiết kế cẩn mật bởi những bộ não được tuyển chọn để phục vụ người dân. Và tất nhiên, những thiết kế tinh tế và tốn nhiều chất xám ấy, không chỉ tồn tại ở sân bay.

Việc lạm thu số tiền hơn 550 tỷ đồng đã được khẳng định trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Và cho dù nó được nhận định là vô tình hay cố ý thì sự oan sai cũng đã được hình thành. Đối với từng người dân từng phải trả tiền cho khoản phí sai trái đó, có thể thiệt hại không quá lớn. Song dù lớn hay nhỏ thì đó cũng là một khoản phí oan sai. Đương nhiên, là công dân của một đất nước có luật pháp, họ cần được xin lỗi, và bồi hoàn về bất cứ sự oan sai nào bị gây ra bởi các cơ quan Nhà nước. Đó là công lý, pháp lý, và cả đạo lý nữa.

Mặc dù vậy, một ngày sau khi sự oan sai đó được xác nhận bởi Thanh tra Chính phủ, tôi đến sân bay Nội Bài để đón bạn và vẫn phải trả một khoản phí 20.000 đồng mà trên biên lai ghi là “phí sử dụng sân đỗ 14 phút”. 14 phút, đó là khoảng thời gian tôi lái xe qua mê cung sân đỗ, tới sảnh đón, mở cửa xe cho bạn tôi lên, rồi ra tới trạm thu phí.

Nếu như con đường tôi đã đi trong 14 phút ấy được gọi là “sân đỗ” có trả phí, hẳn nhà ga hàng không Nội Bài đã được thiết kế mà không hề có đường cho xe ra vào đón, tiễn.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu