04:48 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM: Không có BHYT, nhiều người "sốc" khi viện phí tăng mạnh

10:00 03/10/2017

(THPL) - Ngày 2/10, nhiều người dân không có Bảo hiểm y tế đến khám bệnh tại các bệnh viện công lập ở TP.HCM bất ngờ và lo lắng bởi giá viện phí mới cao hơn hẳn so với trước đây.

Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/10, những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh tại các bệnh viện (BV), cơ sở công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ được áp giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.

Theo đó, người đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế... và tiền lương cho bác sĩ. Tính trung bình, mức viện phí sẽ tăng khoảng 30%, chủ yếu vào tiền khám bệnh và giường bệnh.

Đến BV mới biết tăng phí

Theo PLO, các BV đã có sự chuẩn bị về việc áp dụng viện phí mới cho người không có thẻ BHYT bằng cách điều chỉnh giá dịch vụ thanh toán viện phí như BV quận 9, BV quận Tân Bình. Riêng BV Ung bướu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bằng cách treo băng rôn, khẩu hiệu để người dân nắm thông tin. Tuy nhiên, ghi nhận tại các BV, nhiều người dân vẫn chưa nắm được thông tin này.

Anh Nguyễn Văn Liêm, ngụ quận 9, cho biết BHYT của công ty hết hạn, ngày 2/10 anh đi khám để xin giấy chuyển viện lên tuyến trên mổ khối u. Nếu biết thông tin hôm nay giá viện phí tăng đối với người không có thẻ BHYT, anh sẽ chờ mấy hôm nữa có thẻ rồi đi khám. Anh góp ý: “BV nên dán băng rôn hoặc đăng thông tin trên website để người dân biết mà tính toán”.

Đang ngồi đợi khám tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, anh Ngô Đào Hoài Tấn (ở quận 8, TPHCM) cho biết trên báo Lao động, giá khám bệnh của anh là 31.000 đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, mua thuốc: “Tôi cũng không để ý lắm về giá khám bệnh, chỉ biết bệnh viện tăng viện phí vì thấy có dán thông báo. Chắc sẽ tăng đáng kể, đó là thiệt thòi của người không có BHYT. Mình đành chịu”.

Người không có BHYT sẽ phải chi trả 100% khung giá tối đa mức khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: Internet

Tại BV quận Tân Bình, chị Bùi Thị Dâng thẫn thờ vì liên tục đóng tiền viện phí quá cao khi chưa làm được thẻ BHYT. Chị Dâng cho biết trên PLO, hai vợ chồng bị sốt xuất huyết cả tuần nay, chồng chị còn đang nằm điều trị ở BV. Chi phí chữa bệnh cho hai vợ chồng ngốn hết gần chục triệu đồng. Chưa kể, hai tháng trước, chị vừa sinh con, tiền nằm bệnh viện cũng tốn hơn 6 triệu đồng. Chị Dâng cho hay rất muốn làm thẻ BHYT để được miễn, giảm tiền viện phí nhưng chưa được chủ nhà trọ cho làm giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng nên không mua được.

Tăng viện phí sẽ tác động ra sao?

Tính đến ngày 1/10, tại tất cả các bệnh viện công lập tuyến quận, huyện, bệnh viện trực thuộc TP.HCM, người đi khám, chữa bệnh không có BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh. Cụ thể, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của TP.HCM đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Đáng chú ý, ngoài giá viện phí, chi phí giường bệnh cũng tăng cao từ 50.000 đồng lên đến hơn 150.000 đồng/giường/ngày. Một số phẫu thuật thường quy cũng tăng cao như phẫu thuật lấy thai lần đầu chỉ đóng 2 triệu đồng thì nay tăng lên hơn 2,6 triệu đồng; phẫu thuật tim các loại tăng số tiền đóng từ 7 triệu đồng lên hơn 16,5 triệu đồng tại bệnh viện hạng 1. Có thể thấy một điều rõ ràng, chi phí này tác động lớn đối với người dân không có BHYT mà đột ngột đổ bệnh.

BS Phan Hồng Ngọc, Phó Giám đốc BV quận Tân Bình chia sẻ: “Hiện BV cũng chỉ mới tự chủ tài chính một phần. Mới chỉ hai ngày đầu triển khai nên BV cũng chưa có đánh giá sâu về việc tăng viện phí sẽ tác động như thế nào”.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM - cho hay tính tới thời điểm này, TP.HCM vẫn còn 20% dân số chưa tham gia BHYT. Đây sẽ là nhóm chịu tác động mạnh nhất của đợt tăng giá viện phí lần này. Theo bà, việc tăng viện phí sẽ “kích thích” được người dân tham gia BHYT.

Còn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam cho biết hiện có khoảng 84% dân số tham gia BHYT. Còn gần 16% không có thẻ BHYT, tập trung ở hai nhóm đối tượng: Một là những người không nghèo, không cận nghèo, thậm chí những người có mức sống trung bình khá và cao...

Hai là những hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có thu nhập theo mùa vụ. Nhóm đối tượng này nếu chưa có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn ban đầu khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của người chưa có BHYT lên ngang bằng giá của người có BHYT”. 

Phương Hoa (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu