23:57 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tinh hoa làng nghề truyền thống "khăn chầu, áo ngự"

Minh Anh | 09:52 30/04/2023

(THPL) - Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu đã nức tiếng Hà Thành bởi đây là cái nôi của những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Những thợ thêu thuần nông

Men theo quốc lộ 1A, chúng tôi về Đông Cứu – ngôi làng nhỏ mang vẻ êm đềm và thanh bình hữu ngạn của sông Nhuệ. Theo các bậc cao niên trong làng, Đông Cứu, Đông Gia, Bình Lăng, Quất Động đều có chung một tổ nghề thêu là Tiến sĩ Lê Công Hành. Mỗi làng lại có một kỹ thuật thêu tuyệt đỉnh nhưng ở Đông Cứu lại đặc sắc hơn cả với nghề “khăn chầu, áo ngự”.

Đồng hành suốt hành trình khám phá cùng chúng tôi lần này là ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu. Ông Du được sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề thêu khăn chầu, áo ngự và cũng là một trong số ít người trong làng có khả năng vẽ, thiết kế áo cho những sản phẩm thêu khăn áo truyền thống. 

“Muốn bắt tay vào các công đoạn khó và phức tạp hơn thì người thợ sẽ phải thiết kế mẫu cho từng bộ trang phục tương ứng vị thánh hay thánh mẫu. Người ta vẫn thường ví von thợ thêu Đông Cứu chẳng khác gì hoạ sĩ, họ cũng chính là người thợ tài hoa xuất thân từ nghề nông. Muốn cho ra những bộ trang phục đúng tín ngưỡng, quy chuẩn dân gian thì cũng phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng của hầu thánh, đã có từ hàng ngàn năm nay”, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu chia sẻ. 

Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu đã nức tiếng Hà Thành bởi đây là cái nôi của những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Rồng uốn lượn trong bộ trang phục của quan đệ nhị (màu xanh)

Theo ông Du, mỗi bộ trang phục sẽ tương ứng với một vị thánh khác nhau nên trang phục cũng phải có sự phân biệt rõ ràng. Với các ông Hoàng thì sử dụng biểu tượng của rồng, trang phục của thánh mẫu thì có biểu tượng của phượng. Các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu ngự trị, cai quản khắp được phân chia trong Tứ phủ (bốn miền) tương ứng với bốn màu tượng trưng: Thiên phủ (miền trời) - màu đỏ; Nhạc phủ (thượng ngàn - miền rừng núi) - màu xanh; Thoải phủ (miền sông nước) - màu trắng và Địa phủ (miền đất đai, đồng bằng) - màu vàng. Theo thứ tự trong thần điện, không kể hàng Thánh Mẫu (không mở khăn khi hầu), các vị Thánh hay giáng đồng phân chia các hàng cơ bản: Quan lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu”.

Vừa nói, ông Du in mẫu lên tấm vải một cách chi tiết theo quy tắc ngàn năm của ông cha để lại. Ông nói: “Trong quá trình in hoạ tiết, dẫu in theo chuẩn mực có sẵn thì người thợ vẫn phải vận dụng sự sáng tạo của mình để các hình khối được phối hợp một cách hài hoà. Tấm vải sau khi in mẫu sẽ được chuyển đến tay người thợ thêu, trang trí tạo ra hình dáng, thần thái của linh vật”.

Long - phụng uốn lượn trên gấm, vóc

Chia tay ông Du, chúng tôi ghé thăm xưởng chị Phạm Thanh Loan – một trong những xưởng thêu khăn trầu, áo ngự lớn nhất của Đông Cứu. “Nghề thêu có ở nhiều nơi, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và nghệ thuật điêu luyện trong mỗi khăn chầu, áo ngự thì chỉ có ở làng thêu Đông Cứu”, chị Loan khẳng định.

Chị Loan giới thiệu cho chúng tôi về kỹ thuật thêu khăn chầu, áo ngự ngày xưa ở Đông Cứu. Chị cho biết: “Xưa kia, kỳ thuật thêu cũng khá đơn giản chỉ dùng 5 màu chỉ (vàng, đỏ, tím, xanh, lục). Đến nay, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà kỹ thuật thêu ngày càng tinh tế, khéo léo hơn có thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêm kim tuyến”.

Áo khăn hoàn thiện, sặc sỡ màu sắc bay bổng. Bay trong giá người về ngự, bay trong uy linh của quan, trong nét đẹp của chúa của chầu. 

Từ những tấm vải thô mộc, thêm màu sắc cơ bản thì nay các sản phẩm của khăn chầu, áo ngự cũng được thay đổi theo năm,  tháng bằng gấm, vóc sặc sỡ đủ loại.

Từ những tấm vải thô mộc, thêm màu sắc cơ bản thì nay các sản phẩm của khăn chầu, áo ngự cũng được thay đổi theo năm,  tháng bằng gấm, vóc sặc sỡ đủ loại. Những ngày không phải ngày mùa, người thợ thêu lại cùng cây kim, sợi chỉ màu… tạo nên những tác phẩm với biểu tượng nghi lễ truyền thống trong đạo mẫu hiện lên một cách sinh động, rồng phượng như đang uyển chuyển trên gấm vóc. Họ cũng chính là những người người nghệ sĩ dân gian đang góp sức nhỏ gìn giữ tinh hoa của Hà Thành nức tiếng muôn phương.  

Chị Loan chỉ vào 36 bộ trang phục đang treo trên tường, chị nói: “Theo quan niệm của người xưa có 36 giá đồng, tương ứng với 36 vị thánh bảo vệ, che chở cho người dân, 36 bộ trang phục khác nhau quy định cho từng giá đồng. Mỗi bộ trang phục đều rất phong phú nhưng phải tuân theo quy tắc về màu sắc, phục sức đi kèm”. 

Chị Loan lý giải: “Trang phục của các giá chầu bà thường rất đẹp vì đó là hoá thân của các mẫu. Quan phục của các giá quan lớn, quan hoàng lại vô cùng uy nghi tựa như trang phục của các vị quan trong triều đại phong kiến. Ngoài trang phục thì các loại trang sức đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài cũng được gia công rất tinh xảo có thể nhắc đến như thẻ bài dùng trong các giá quan, giá hoàng; các loại vòng cài khăn dùng trong các giá cô, trang sức được chế tác từ bạc hay đá màu rất cầu kỳ”. 

Một buổi hầu đồng thánh thành công không thể thiếu trang phục hầu đồng.  Những bộ trang phục ấy lại đang ngày ngày được tạo ra bởi người thợ Đông Cứu. Thông qua bộ trang phục không chỉ giới thiệu cho người xem biết về hình tượng giá đồng mà còn là hình tượng văn hoá thêu truyền thống Đông Cứu được đúc kết từ nhiều thế hệ của người Việt. 

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu