06:36 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân làng đúc đồng Tống Xá "thổi hồn" cho mỗi bức tượng

15:24 22/04/2023

(THPL) - Làng nghề đúc đồng Tống Xá (thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được xem là một trong những cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống nước ta, với lịch sử phát triển hơn 900 năm. Những sản phẩm của làng nghề có mặt ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Vào cuối thế kỉ XII, ông tổ Nguyễn Minh Không về Tống Xá khai hoang lập ấp và truyền dạy cho dân trong vùng nghề đúc đồng để làm kế sinh nhai. Ngày nay, từ những kinh nghiệm của cha ông để lại cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay và việc áp dụng tiến bộ kĩ thuật, người dân Tống Xá đã đưa nghề xưa lên một bước phát triển mới.

Người thợ đúc đồng Ý Yên đúc tượng vua Lý Thái Tổ. (Ảnh minh họa)

Từ chỗ chỉ chuyên đúc những sản phẩm gia dụng, thờ cúng có kích thước nhỏ như chậu, nồi, chảo, lư hương, đỉnh trầm, tượng Phật… Ngày nay, người Tống Xá đã có thể đúc được những sản phẩm lớn có độ tinh xảo và phức tạp cao. Điển hình như việc các nghệ nhân làng Tống Xá đã đúc thành công nhiều công trình tượng đài lớn bằng đồng mang tầm cỡ quốc gia như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn ở Điện Biên…

Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội, người thợ đúc đồng Ý Yên lại được "chọn mặt gửi vàng" đúc tượng vua Lý Thái Tổ, cao 10,1m, nặng 45 tấn. Ở công trình này, người thợ đúc đồng Ý Yên đã sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc- đây là bài toán hóc búa đối với nghề đúc trên Thế giới.

Hiện nay, ở Tống Xá có khoảng 160 cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ, thu hút hơn 1.600 công nhân địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ làng nghề đạt hơn 1.300 tỉ đồng/năm.

Theo một nghệ nhân ở làng Tống Xá với truyền thống ba đời làm nghề - cho biết, có 7 công đoạn chính để tạo ra một sản phẩm làm bằng đồng. Đó là tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm, cuối cùng là đánh bóng. Mỗi công đoạn này phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay nghệ nhân từ những chạm trổ tạo nên đường nét của vật phẩm, thật sự thổi hồn cho mỗi bức tượng.

Các nghệ nhân Tống Xá hiện nay đang cố gắng phát triển nghề theo hướng hiện đại hóa, doanh nghiệp làng nghề đã mạnh dạn đầu tư máy móc gia công mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm bạn hàng để giới thiệu sản phẩm quê hương, giữ vững nghề của ông cha. Đó là hướng đi mới và cũng là tín hiệu đáng mừng của nghề đúc đồng Tống Xá, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu