09:45 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân “giữ hồn” rối nước Chàng Sơn

07:45 16/03/2023

(THPL) - Có dịp về thăm xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), chúng tôi được tận mắt chứng kiến và lắng nghe câu chuyện về nghề của anh Nguyễn Văn Viên - nghệ nhân trẻ, Phó phường rối nước Chàng Sơn. Dù đang cặm cụi lau những chú tễu, con trâu… đã bị bụi bẩn bám két lại, nhưng mỗi khi nhắc tới nghề mình đang làm, mắt anh Viên lại sáng lên và kể một cách đầy tự hào.

Nằm cách trung tâm TP.Hà Nội chưa đầy 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn vốn nhỏ bé, diện tích chỉ xấp xỉ khoảng 2,5 km². Từ xưa đến nay, người ta hay gọi Chàng Sơn là “đất trăm nghề” nhưng nổi tiếng hơn hẳn vẫn là nghề mộc cho nghệ thuật rối nước. Chính vì vậy, khi chế tác, những người thợ mộc tại đây đã khéo léo thổi hồn vào những con rối để chúng trở nên sinh động hơn, nét mặt biểu cảm hơn so với các làng nghề khác. Nghệ nhân Nguyễn Văn Viên cũng vậy, là thợ mộc, lại được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống rối nước, chính tay anh là người đã chế tác ra rất nhiều con rối biểu diễn hàng chục thập kỷ nay.

Nhiều người nghĩ rằng anh Viên phải nhiều tuổi lắm bởi dáng người đậm, nước da bánh mật. Ấy thế mà khi gặp và tiếp xúc mới biết, anh Viên là nghệ nhân còn khá trẻ (sinh năm 1982) so với nghề rối nước - cái nghề mà chỉ có các cụ cao niên mới rành rẽ mọi bí quyết trong nghề.

Xã Chàng Sơn nổi tiếng hơn hẳn là với nghề mộc cho nghệ thuật rối nước.
Anh Nguyễn Văn Viên - Nghệ nhân trẻ, Phó phường rối nước Chàng Sơn

Là truyền nhân đời thứ sáu trong gia đình năm đời liên tiếp giữ chức Trưởng phường rối nước Chàng Sơn, thế nhưng, mãi tới năm 2000, anh Viên mới thực sự “bén duyên” với rối và dành trọn tình yêu, niềm đam mê không thể diễn tả hết bằng lời.

Theo nghệ nhân Viên: Trước đây rối nước Chàng Sơn từng “tung hoành” ở các ao làng và để lại danh tiếng từ hàng trăm năm trước. Nhưng, bẵng đi một thời gian do ảnh hưởng của chiến tranh, thế thời, rối nước Chàng Sơn dần vắng bóng tiếng chèo, tiếng trống quân, nhiều người diễn rối vì thế cũng bỏ xứ phiêu bạt khắp nơi.

“Lúc ấy tưởng như rối nước đã chết. Nhưng rồi với niềm đam mê nghệ thuật rối, với trách nhiệm gìn giữ giá trị truyền thống đã trở thành sợi dây nối từ quá khứ với hiện tại, khiến rối nước hồi sinh cho dân làng Chàng Sơn”, nghệ nhân trẻ này cho biết.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, anh Viên cho biết thêm: Hơn 20 năm gắn bó với những con rối, vất vả cũng không ít, nhưng niềm đam mê chưa bao giờ vơi đi.  Mình luôn tâm niệm, rối nước không chỉ là nghề truyền thống của Chàng Sơn mà còn là giá trị văn hóa của dân tộc, vì thế không thể để bị mai một.

Năm 2001, được sự tài trợ của Quỹ Ford, phường rối Chàng Sơn đã xây dựng chương trình, phục dựng nghiệp rối. 22 trò cổ được phục dựng, các con rối cũng được làm mới lại. Nhờ đó, rối nước Chàng Sơn dần hồi phục và được nhiều người biết đến.

Tuy chuyện nghề là thế, kỹ thuật và nét đặc trưng của phường rối nước Chàng Sơn cũng lại rất đặc biệt. Rối Chàng Sơn sử dụng dây để điều khiển thay vì múa bằng sào như các phường rối khác. Với kỹ thuật này, con rối có thể đi xa hàng chục mét, hoặc đến gần khán giả để buông trò.

Để làm cho những con rối biết múa, người điều khiển phải thực sự có tài, khéo léo, tính toán khoa học sao cho mỗi cử động tay của người biểu diễn có thể tạo ra những chuyển động phức tạp của con rối. Ví dụ như tích trò câu cá, người biểu diễn sẽ sử dụng kỹ thuật điều khiển sao cho rối cá có thể bơi lội dưới nước và “cắn câu”, sau đó là cảnh chú cá vùng vẫy, vít cong cả chiếc cần tre trong tay người câu cá…

Bằng sự tài hoa, sáng tạo của đôi bàn tay và sự chỉ dẫn kỹ thuật của các cụ cao niên trong làng, anh Viên đã thổi hồn cho những con rối vốn vô tri, vô giác để biến chúng thành những nhân vật có cử chỉ linh hoạt, có linh hồn, thậm chí nó còn có cả “tình yêu” trong đó.

Ông Nguyễn Văn Dậu (81 tuổi, Trưởng phường rối nước Chàng Sơn) - người đã có một thời gian dài lang bạt, thế nhưng vì đau đáu với nghề rối nước 

Ở Chàng Sơn, hiện cũng có 3 - 4 người trạc tuổi như anh Viên. Họ cũng trẻ và cũng có tình yêu dành cho rối. Nhưng, thu nhập từ ngày công làm mộc còn khá thấp, cùng với việc thiếu các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhiều nghệ nhân trẻ không còn đam mê với nghề. Bởi những khó khăn đó, 4 - 5 năm nay, rối nước Chàng Sơn lại như “ngủ đông”. Nhưng những lúc rảnh rỗi, anh Viên lại ngồi đục đục, sửa sang, rồi mang những con rối ra lau chùi lại…

Trong câu chuyện về chặng đường tình yêu dành cho rối nước, chúng tôi được anh Viên giới thiệu bác ruột là ông Nguyễn Văn Dậu (81 tuổi, Trưởng phường rối nước Chàng Sơn) - người đã có một thời gian dài lang bạt, thế nhưng vì đau đáu với nghề mà đã quay trở lại kêu gọi dân làng cùng các con cháu tham gia phục dựng phường rối nước.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dậu cho hay: “Tôi tin rằng, với niềm đam mê rối của anh Nguyễn Văn Viên thì rối nước Chàng Sơn rất khó có thể thất truyền. Bảo tồn là thế, song cái khó ở Chàng Sơn hiện tại là không có đất diễn cho rối nước. Các ao hồ đều rất bẩn và ô nhiễm. Trong khi đó, sân chơi cho rối nước thì 3 - 5 năm mới diễn ra một lần, kinh phí duy trì khó khăn”…

Đã nhiều năm gắn bó với con rối, gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng niềm đam mê với rối nước trong anh Viên ngày càng lớn. Công việc và thu nhập chính của anh Viên là nghề mộc, cuộc sống mưu sinh cũng không hề dễ dàng nhưng anh vẫn luôn dành những khoảng thời gian để tự mày mò, đục đẽo những con rối. “Rối nước là nghề truyền thống của Chàng Sơn nên không thể để mất nghề. Có người nói ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng nhưng với mình, đó là đam mê” - anh Viên chia sẻ.

Huyền Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu