14:30 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu - "Linh hồn" của doanh nghiệp và những vui buồn quanh chuyện sở hữu trí tuệ

Thắng Nguyễn | 15:18 26/01/2023

(THPL) - Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và lợi ích quốc gia. Làm không tốt điều này, ngoài việc gây hạn chế nền thương mại quốc gia, rất có thể sẽ vô tình tạo ra kẽ hở cho hoạt động sao chép, đánh cắp thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Năm 2019, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Gạo thế giới diễn ra tại Manila (Philippines). Sự kiện này đã mở đường để ST25 thâm nhập vào thị trường nước ngoài như Thuỵ Điển, Đức, đặc biệt là Nhật Bản - một trong những thị trường được đánh giá có yêu cầu cao bậc nhất khu vực châu Á.

Việc sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam xuất hiện tại thị trường nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính rõ ràng là một niềm vinh dự to lớn. Nó cho thấy tầm vóc, giá trị của hạt gạo Việt.

Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi tháng 4/2021, 4 doanh nghiệp ở Mỹ đã xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này. Tại Australia, gạo ST25 cũng bị một doanh nghiệp xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Thời điểm này, nhiều ý kiến nhận định rằng, nếu các doanh nghiệp ở Mỹ hay Australia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, thì “cha đẻ” của giống lúa ST25 - kỹ sư Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam đang bán gạo ST25 sẽ không thể xuất khẩu gạo sang các thị trường sở tại dưới mác nhãn hiệu ST25 được nữa. Nguy cơ “mất” thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Mỹ và Australia rất có thể xảy ra nếu chúng ta không có phương án, động thái hữu hiệu tức thì.

Gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Gạo thế giới diễn ra tại Manila (Philippines) năm 2019.

Rất may, cuối cùng “nút thắt” cũng dần được gỡ bỏ. Tháng 5/2021, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã thông tin và gửi công hàm tới IP Australia phản đối về việc đăng ký thương hiệu ST24 và ST25 của Công ty T&L. Sau đó, việc đăng ký trên đã không được Cục Sở hữu trí tuệ Australia chấp nhận. Tiếp đó, ngày 27/9/2022, Văn phòng IP Australia cũng cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Australia với 3 nhãn hiệu sản phẩm ST24, ST25 và Gạo ông Cua Việt Nam.

Trước đó, phía EU và Vương quốc Anh cũng đã cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu “Gạo ông Cua ST24” và “Gạo ông Cua ST25”. Phía doanh nghiệp của kỹ sư Hồ Quang Cua hiện đang thúc đẩy quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xin cấp bằng nhãn hiệu “Gạo ông Cua” tại một số thị trường trên thế giới…

Thực tế, gạo ST25 không phải là trường hợp đầu tiên rơi vào tình cảnh mất thương hiệu. Trước đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm.

Còn nhớ, năm 2000, cà phê Trung Nguyên bị một công ty ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Với sự kiện này, Trung Nguyên đã phải mất hơn 2 năm ròng rã để thương thảo, cuối cùng mới lấy lại được thương hiệu. Từ sau bài học xương máu đó, Trung Nguyên đã phải nhanh chóng tiến hành đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia trên thế giới.

Một số thương hiệu khác cũng rơi vào cảnh tương tự như nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre …

Từ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của ST25, Trung Nguyên hay kẹo dừa Bến Tre… đã và đang cho thấy sự hạn chế phần nào trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chia sẻ “vui buồn quanh chuyện sở hữu trí tuệ”, luật sư Vũ Văn Biên – Trưởng chi nhánh công ty luật TNHH An Phước cho biết: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xác định rõ việc phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn thuần là đưa sản phẩm của mình vào hội chợ, triển lãm quốc tế, giành được giải nhất là đã coi như được quốc tế biết đến, thương hiệu của mình đã được quảng bá và nghĩ rằng sẽ bán được hàng. Điều này là không hoàn toàn đúng.

Luật sư Vũ Văn Biên – Trưởng chi nhánh công ty luật TNHH An Phước 

Khi tham gia mua bán hàng hóa nhất là với quốc tế, ngoài việc doanh nghiệp thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải cho khách hàng biết rằng “mẫu hay nhãn hàng hóa” của mình cũng phải được đăng ký, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nhãn hiệu, tránh việc sao chép, copy nhãn của doanh nghiệp khác (gian lận thương mại). Nếu doanh nghiệp có tham vọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… thì không được bỏ qua khâu xác nhận đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, như trường hợp của gạo ST24 - ST25 ở trên. Nếu bỏ qua việc xác nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí, thiệt hại như: mất chi phí liên quan đến thu hồi, đóng gói mới sản phẩm; ký kết lại hợp đồng cung ứng, phân phối với các siêu thị, đại lý; sẽ phải tham gia vào những vụ kiện pháp lý về sở hữu trí tuệ, chi trả, tốn kém tiền để thuê luật sư, đóng án phí vụ kiện, bồi thường thiệt hại…

Luật sư Biên khuyến nghị: “Ngay khi doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm của mình (đã đạt về chất lượng), hãy tranh thủ thời gian đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, rồi mới tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Nếu doanh nghiệp bỏ quên việc này, thì dù sản phẩm có tốt thế nào đi chăng nữa, chắc chắn khi phân phối ra ngoài thị trường, vào siêu thị sẽ bị doanh nghiệp khác kiện về việc vi phạm nhãn hiệu. Nên nhớ trong các hội chợ, triển lãm này, các doanh nghiệp tham gia sẽ luôn tìm những ‘sơ hở’ của các doanh nghiệp khác để sử dụng, cạnh tranh lại với chính doanh nghiệp đối thủ. Hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay đã có những quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm, ngay cả trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ như sau:

Một là, theo Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định: “…2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.

Hai là tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1 Điều 91 Nguyên tắc ưu tiên của luật này quy định: “1. Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam; b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này”.

Với những quy định trên, việc đăng ký bảo hộ được phát sinh kể từ “thời điểm nộp đơn”, thuận lợi cho các doanh nghiệp nộp nhanh và sơm nhất. Đơn đăng ký bảo hộ này, cũng được bảo hộ tại các quốc gia mà Việt Nam và các nước có liên quan cùng nhau ký kết các Hiệp ước bảo hộ hoặc cùng là thành viên trong các tổ chức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: WIPO, Hiệp định TRIPS…

Hơn nữa, việc đăng ký nhãn hiệu này cũng sẽ là cơ hội để cho doanh nghiệp có thể kiếm được những khoản tiền, lợi nhuận cho chính mình. Nếu doanh nghiệp không có nhu cầu về nhãn hiệu đó, trong trường hợp đang nộp đơn có doanh nghiệp khác muốn được nộp đơn hoặc muốn được thừa kế việc nộp và hoàn thiện nhãn hiệu đó, doanh nghiệp cũng có thể chuyển nhượng theo quy định tại Khoản 6, Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Còn nếu như văn bằng bảo hộ thì việc chuyển nhượng nhãn hiệu, logo sẽ càng có giá trị đàm phán hơn.

Luật sư cũng nhắc nhở thêm: “Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sau các nước trong khu vực. Doanh nghiệp tai các quốc gia khác đã có kinh nghiệm trước Việt Nam ít nhất là 20 năm về bảo hộ nhãn hiệu. Hay nói cách khác là họ tường tận hơn chúng ta về nhãn hiệu, luôn sẵn sàng để “sao chép” nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu sớm hơn. Do đó, cách tốt nhất để cạnh tranh là luôn hiểu kỹ luật chơi và thực hiện nó vào đúng thời điểm thích hợp để tối đa hóa lợi nhuận.”.

“Thương hiệu” chính là linh hồn của sản phẩm, là linh hồn của doanh nghiệp. Có thương hiệu mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ngược lại, nếu đánh mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, vị thế, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu hãy luôn chú trọng phát triển chất lượng sản phẩm, và cũng đừng bỏ quên, không phát triển, bảo hộ nhãn hiệu, logo hàng hóa sản phẩm của mình trong môi trường kinh doanh hiện nay. Bỏ qua nhãn hiệu cũng không khác gì bỏ qua chất lượng sản phẩm, và doanh nghiệp đó sẽ bị khai tử. Có như thế, doanh nghiệp mới có thể bay cao, vươn ra được biển lớn, cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trên trường quốc tế.

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu