08:35 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thuốc lá nhập lậu còn chất lượng sẽ xử lý bằng cách bán đấu giá?

11:15 05/05/2017

(THPL) - Thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng sẽ thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Tuy nhiên, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị xung quanh vấn đề này.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3825 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nếu phát hiện là thuốc giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định hiện việc tiêu hủy theo quy định hiện hành.

Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp. (Ảnh:Internet)

Khi thực hiện tái xuất thuốc lá, không cho tái xuất bằng cường độ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền, chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan kiểm soát chặt chẽ việc tái xuất, không để tình trạng thẩm lậu trở lại thị trường nội địa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu theo phương án nêu trên.

Tuy nhiên, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Hiệp hội cũng cảnh báo: Cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam.

Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá…

Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển… Xét về mặt pháp lý, tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn không phù hợp với quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (“FCTC”), thuốc lá nhập lậu bị tịch thu phải được tiêu hủy.

Vì vậy, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vẫn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì thực hiện bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam luôn ở mức báo động. Trong ba năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỉ điếu, 21,3 tỉ điếu và 19,8 tỉ điếu, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.

Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được hơn 15.000 vụ, tịch thu hơn 10,7 triệu bao và tiêu hủy 10,1 triệu bao.

Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, làm lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỉ đồng (6,2%).

Tuấn Kiệt (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu