Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong pháp luật dân sự Việt Nam
(THPL) - Từ phân tích những ưu điểm và những hạn chế còn tồn tại, bài báo sẽ đề ra hướng khắc phục và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường tính khả khi. Qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và đảm bảo quyền được bồi thường thiệt hại khi quyền lợi bị xâm phạm nói riêng.
Tiêu dùng là một phần không thể thiếu của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Rất nhiều các học thuyết, trong đó có học thuyết của Keynes đã đề cao vai trò của tiêu dùng. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu thực nghiệm ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nghiên cứu đối với các quốc gia phát triển, cho rằng tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng vậy, trên cơ sở một số lý luận về người tiêu dùng (NTD) và trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do vi phạm quyền lợi NTD được nêu tại phần 1 thì ở nội dung phần 2, nhóm tác giả xây dựng theo hướng phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành về vấn đề này bao gồm cả luật chung và luật chuyên ngành cùng các văn bản dưới luật có liên quan. Trên cơ sở đó, chỉ ra những thành tựu cơ bản đã đạt được và nhận diện những bất cập trong hệ thống pháp luật còn tồn đọng. Từ phân tích những ưu điểm và những hạn chế còn tồn tại, bài báo sẽ đề ra hướng khắc phục và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường tính khả khi. Qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) nói chung và đảm bảo quyền được BTTH khi quyền lợi bị xâm phạm nói riêng.
-
Một số vấn đề lý luận về người tiêu dùng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi NTD
Xét về mặt pháp lý, cách hiểu về NTD không đồng nhất và không mang tính cố định mà thay đổi tuỳ vào mỗi quốc gia. Theo từ điển Black’s Law Dictionary - một cẩm nang pháp lý hiện đại được giới Luật học Mỹ và quốc tế thì “NTDlà người mua hàng hóa, dịch vụ vì mục đích sử dụng cho cá nhân, gia đình, hộ gia đình mà không nhằm mục đích bán lại”[1]. Một cách định nghĩa khác,Điều 13 BLDS (German Civil Code) năm 2002 của Đức quy định: “NTD là một thể nhân (tự nhiên nhân, cá nhân) nào đó khi ký kết một giao dịch pháp lý không nhằm mục đích kinh doanh và cũng không phục vụ hoạt động ngành nghề độc lập của mình”[2]. Tương tự,Điều 1 của Luật Bảo vệ NTD và các hành vi kinh doanh của Bang British Columbia quy định: “NTD là cá nhân, dù có hay không ở bang British Columbia, tham gia vào một giao dịch tiêu dùng, tự nhiên nhân (cá nhân) tham gia giao dịch tiêu dùng, không bao gồm trường hợp bảo lãnh…”[3].
Tiếp cận theo góc độ khác, Điều 2 Luật về hợp đồng tiêu dùng Nhật Bản năm 2000 quy định: “NTD theo quy định của Luật này là cá nhân nhưng không bao gồm cá nhân tham gia hợp đồng với mục đích kinh doanh”[4]. Hay Luật BVQLNTD của Nga năm 1999 (sửa đổi gần nhất năm 2007) đưa ra định nghĩa: “NTD là cá nhân người có mong muốn đặt hoặc yêu cầu hàng hoá (công việc, dịch vụ) hoặc người đặt, yêu cầu hàng hoá cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, hộ gia đình và các nhu cầu không vì mục đích kinh doanh”[1]. Không chỉ thế, Điều 2 (1), Luật Bảo vệ NTD (Thương mại lành mạnh) của Singapore (bản sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa như sau: “NTD là cá nhân nhận hoặc có quyền nhận hàng hóa và dịch vụ từ người cung cấp hoặc có nghĩa vụ thanh toán cho người cung cấp đối với hàng hóa, dịch vụ mình đã mua tặng cho cá nhân khác và các hoạt động tiêu dùng đó không nhằm mục đích kinh doanh”[2].
Những quốc gia vừa được nêu ở trên đều có chung quan điểm cho rằng NTD chỉ là cá nhân và quan điểm này đã bỏ sót đi một chủ thể khá quan trọng là tổ chức. Bởi vì, không ít quốc gia cho rằng NTD vừa có thể là cá nhân, vừa có thể là tổ chức.
Cụ thể tại Ấn độ, Điều 2 (7) Luật BVQLNTD năm 2019 quy định: “NTD là bất cứ người nào: mua hàng hoặc thuê dịch vụ có trả tiền, đã thanh toán hoặc hứa thanh toán, hoặc đã thanh toán một phần và hứa thanh toán một phần, hoặc theo cách trả dần,... mà không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác”[3]. Từ “người” được hiểu bao gồm: doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội… Tuy nhiên không bao gồm người mua hàng hoá để bán lại hoặc vì các mục đích thương mại. Hay tại Malaysia, Luật Bảo vệ NTD năm 1999 (sửa đổi năm 2016) quy định: “NTD là người nhận hàng hóa hoặc dịch vụ để sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng trong hộ gia đình, sử dụng hoặc tiêu dùng và không sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ vào mục đích thương mại, tiêu dùng cho quá trình sản xuất”[4].
Như vậy, mặc dù cách hiểu về NTD ở các quốc gia khác nhau là khác nhau nhưng vẫn có thể thấy, dù tiếp cận định nghĩa NTD dưới góc độ nào thì các quốc gia vẫn thống nhất ở một số điểm khi định nghĩa NTD: Thứ nhất, mục đích của việc mua sắm hàng hoá, sử dụng dịch vụ phải là mục đích sinh hoạt, tiêu dùng, không vì mục đích sản xuất, kinh doanh nhằm sinh lợi; Thứ hai, đối tượng của giao dịch phải là những hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh, lưu thông và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của con người.
Tại Việt Nam, Luật BVQLNTD năm 2023 đã định nghĩa NTD một cách khá toàn diện và đầy đủ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD hiện hành: “NTD là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. So với pháp luật của nhiều nước trên thế giới thì có thể thấy đối tượng được bảo vệ theo pháp luật về BVQLNTD tại Việt Nam đã có sự mở rộng đáng kể. Theo đó “NTD” không chỉ bao gồm các cá nhân, cá thể mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt mà còn bao gồm cả các tổ chức, pháp nhân có hành vi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà không nhằm mục đích kinh doanh. Điều này phù hợp với quan điểm của một số quốc gia trên thế giới khi cho rằng NTD có thể vừa là cá nhân, vừa là tổ chức.
Tuy nhiên, việc xác định tổ chức nói chung hay thương nhân nói riêng có được coi là NTD hay không vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng khi tổ chức (thương nhân) mua hàng hóa không nhằm mục đích bán lại thì được coi là NTD. Trái lại, cũng có ý kiến phản đối cho rằng trong mọi trường hợp, thương nhân mua hàng
hoá, dịch vụ đều là những hành vi thương mại phụ thuộc, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của thương nhân nên đều phải được điều chỉnh theo pháp luật thương mại thay vì pháp luật về BVQLNTD[1]. Nhóm tác giả nhận thấy quan điểm thứ hai đã phân tích khá hợp lý, góp phần giải quyết ranh giới rạch ròi giữa việc xác định luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ phát sinh trong thực tiễn.
Từ những phân tích trên, nhóm tác giả cho rằng: “NTD là cá nhân mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức mà không nhằm hướng đến mục đích sinh lợi. NTD có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp giao dịch với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hay phân phối hàng hoá. Hộ gia đình, tổ chức chỉ được coi là NTD khi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích kinh doanh”. Khái niệm này về cơ bản đã giải quyết các bất cập của khái niệm hiện tại khi chỉ rõ về bản chất thì NTD là cá nhân. Tuy nhiên, tổ chức cũng có thể coi là NTD trong những điều kiện cụ thể. Từ khái niệm về NTD, có thể rút ra khái niệm về trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD. Theo đó, trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD là một loại trách nhiệm pháp lý, trong đó người có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới quyền của của NTD theo luật định thì phải bồi thường những thiệt hại mà mình gây ra bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tinh thần cho NTD.
-
1. Thực trạng pháp luật
2.1.Các thành tựu đã đạt được
Một điểm nổi bật trong những thành tựu về BVQLNTD ở nước ta hiện nay là sự ra đời của Luật "BVQLNTD" số 19/2023/QH15. Đây là một bước ngoặt lớn, góp phần BVQLNTD nước ta một cách toàn diện, có hiệu quả hơn. Theo đó, Luật BVQLNTD năm 2023 gồm 7 chương, 80 điều. So với Luật BVQLNTD năm 2010, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, một số điều luật đã sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng, bắt kịp nhu cầu của xã hội hiện tại cũng như xu thế của thế giới. Đó cũng chính là những thành tựu về khả năng lập pháp của nước ta tại thời điểm hiện tại. Cụ thể[2]:
(i) Về đối tượng áp dụng,Luật BVQLNTD năm 2023 bổ sung thêm đối tượng áp dụng, cụ thể bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: tổ chức chính trị - xã hội: làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
(ii) Về quyền và nghĩa vụ của NTD, Luật bổ sung một số nghĩa vụ như tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(iii) Về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Luật bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
(iv) Về BVQLNTD dễ bị tổn thương, Luật đã xác định rõ 07 nhóm NTD dễ bị tổn thương[3].
(v) Về các hành vi bị cấm, Luật BVQLNTD năm 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp và tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
(vi) Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho NTD: quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của NTD, làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa, bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của NTD.
(vii) Về một số giao dịch đặc thù, Luật bổ sung một số quy định về một số giao dịch đặc thù[1] nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch.
(viii) Về hoạt động BVQLNTD của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong công tác BVQLNTD. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi BVQLNTD trên phạm vi cả nước.
(ix) Về phương thức giải quyết tranh chấp, Luật bổ sung quy định về quyền của NTD yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD, tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đối với phương thức tại Toà: Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD. Theo đó, vụ án dân sự về BVQLNTD có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của BLTTDS năm 2015.
(x) Về quản lý nhà nước về BVQLNTD, Luật bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về BVQLNTD, thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia BVQLNTD và xây dựng cơ chế phối hợp BVQLNTD tại trung ương và tại địa phương.
2.1.Những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành
Thứ nhất, hạn chế trong Luật BVQLNTD năm 2023
Một là,về quy định chủ thể chịu trách nhiệm BTTH
Một trong những khó khăn NTD thường gặp phải đó là xác định chủ thể khởi kiện trong tranh chấp đối với hàng hóa có khuyết tật. Pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD ở nước ta hiện tay chưa quy định rõ người sản xuất (NSX), người xuất khẩu (NXK), người bán hàng (NBH)… có trách nhiệm BTTH trong từng trường hợp cụ thể trong khi quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ tới tay NTD có sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác nhau trong chuỗi phân phối hàng hóa, dịch vụ. Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 tuy cũng đã phân biệt khá rõ trách nhiệm của từng chủ thể liên quan nhưng lại gắn việc xác định trách nhiệm với yếu tố lỗi. Theo quy định trên, NTD trước khi yêu cầu được BTTH thì trước hết phải xác định được yếu tố lỗi thuộc về chủ thể nào trong chuỗi cung cấp sản phẩm dựa trên cơ sở đó thì NTD mới có quyền yêu cầu chủ thể đó BTTH. Điều Luật này có sự mâu thuẫn với Luật BVQLNTD năm 2023 bởi tại Điều 34 Luật BVQLNTD năm 2023 thì “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm BTTH trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung
cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Luật này”. Nếu quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007 đề cập rõ trách nhiệm của từng chủ thể (NSX, NNK, NBH) thì quy định tại Luật BVQLNTD năm 2023 lại xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường là “tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Việc quy định chung chung, thiếu đồng bộ như vậy sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, nhất là đối với NTD.
Hai là, về vấn đề chứng minh có thiệt hại xảy ra
Những hành vi vi phạm quyền lợi NTD của NSX, NNK, NBH… luôn gây thiệt hại ở mức độ nhất định, có thể trực tiếp, gián tiếp cho NTD, có thể là thiệt hại tại thời điểm hiện tại hay thiệt hại phát sinh trong tương lai và NTD luôn mong muốn được bồi hoàn các khoản thiệt hại đó từ phía các chủ thể gây thiệt. Mong muốn của NTD không chỉ dừng lại ở việc chủ thể gây thiệt hại thu hồi sản phẩm, bảo hành sản phẩm, đổi trả sản phẩm ... bởi đôi khi giá trị của sản phẩm được hoàn trả là không lớn, không thể bù đắp những thiệt hại về mặt sức khoẻ, tính mạng, tinh thần mà NTD phải chịu khi sử dụng sản phẩm khuyết tật đó.
Điều này cho thấy việc chứng minh có thiệt hại xảy ra trên thực tế rất phức tạp, đặc biệt là trong những trường hợp các sản phẩm khuyết tật không gây thiệt hại ngay lập tức. Chẳng hạn, đối với trường hợp NTD đã uống phải các loại nước đóng chai và có thiệt hại xảy ra về sức khoẻ thì việc chứng minh thiệt hại này là không đơn giản. Bởi rất khó khăn để xác định NTD nào đã sử dụng phải sản phẩm này xuất phát từ thói quen của NTD như: mua nhỏ lẻ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ, không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không.... Mặt khác, nếu NTD uống một, hai chai thì liệu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hay phải uống nhiều mới có thể phát hiện được? Trường hợp khám chữa bệnh tại bệnh viện có hóa đơn thì sẽ dễ dàng đối chiếu đối với những thiệt hại về sức khỏe, tuy nhiên các chi phí như: suy giảm khả năng lao động, thiệt hại về thời gian… rất khó có thể tính toán.
Ba là, về vấn đề xác định thiệt hại về tinh thần
Việc cho phép những yêu cầu bồi thường của NTD đối với thiệt hại về tinh thần là sự tiến bộ vượt bậc tại Việt Nam trong tư tưởng pháp luật, nhất là trong vấn nạn quyền lợi của NTD đang bị xâm phạm đến mức báo động không chỉ về giá trị vật chất mà còn ảnh hưởng đến giá trị tinh thần. Trong nhiều trường hợp, việc bồi thường về vật chất chỉ khôi phục được một phần rất nhỏ so với giá trị xã hội đã mất đi nhưng ảnh hưởng tinh thần thì để lại cho người bị thiệt hại và những người thân của họ còn rất lâu sau những tổn thất, điều này có thể dẫn đến các nguy cơ về bệnh tật trong tương lai. Do đó, việc quy định trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD đối với cả thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín và thiệt hại về tinh thần là điều cần thiết giúp bảo vệ lợi ích của NTD, ngăn chặn các hành vi vi phạm và đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chung một quy định trong BLDS để cùng điều chỉnh về các loại thiệt hại trong trách BTTH nói chung và cả trong trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD nói riêng sẽ không thể cụ thể hết các loại thiệt hại đặc thù trong trường hợp này, thậm chí quy định này còn mâu thuẫn với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Cụ thể, tại Điều 60 của Luật này xác định thiệt hại NTD được yêu cầu bồi thường chỉ bao gồm những thiệt hại về vật chất[1] nên gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Bốn là, về tiền BTTH[2]
Tính đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có vụ việc nào ở Việt Nam về BTTH cho NTD có giá trị lớn, tạo ra niềm tin rằng NTD ở Việt Nam theo kiện đến cùng và được BTTH một cách thỏa đáng trong những trường hợp thương nhân biết rõ mình có lỗi với NTD nhưng vẫn trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm BTTH. Điều đó cho thấy pháp luật về BVQLNTD ở Việt Nam đang thiếu chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt. Như vậy, là cần thiết để bổ sung chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt để đảm bảo thương nhân phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đền bù thiệt hại cho NTD.
Năm là, chưa có chế định về khởi kiện tập thể trong quy định của Luật BVQLNTD[3]
Trong các chế định về BVQLNTD thì chưa có chế định về “Class-action” – khởi kiện tập thể trong quy định của Luật BVQLNTD. Chế định kiện tập thể trong pháp luật bảo vệ NTD cho phép một người có thể đại diện cho nhiều người khởi kiện một vụ việc về NTD, trừ khi có đơn của một người hoặc một số người trong vụ kiện tập thể đó từ chối không muốn tham gia. Khi vụ khởi kiện tập thể thành công, giá trị đền bù thiệt hại cho NTD sẽ cho nhiều người và giá trị của đền bù thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần để đảm bảo tất cả những người có quyền lợi tương tự được đảm bảo đền bù.
Ví dụ : Một người hút thuốc lá bị ung thư phổi có thể đại diện cho nhóm người hút thuốc lá bị ung thư phổi khởi kiện một công ty sản xuất thuốc lá (nếu công ty đó không có cảnh báo với NTD). Những vụ việc đền bù thiệt hại với nhiều NTD thì sẽ khiến kể cả những công ty lớn phải chi trả số tiền rất lớn cho NTD. Bất kỳ hãng lớn nào nếu bị NTD tẩy chay do lỗi của sản phẩm hoặc từ chối các nghĩa vụ đền bù thiệt hại do lỗi của NSX thì hãng đó đều có thể bị thâm hụt tài chính lớn, đứng bên bờ vực phá sản hoặc phá sản. Vụ việc cho thấy pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD Việt Nam nên bổ sung chế định về khởi kiện tập thể (Class-action) vì những vụ việc liên quan đến NTD thì sẽ có những vụ việc liên quan đến nhiều NTD, một nhóm người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó và rõ ràng chế định này hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm BTTH do vi phạm pháp luật về NTD.
Sáu là, về các hành vi bị nghiêm cấm trong BVQLNTD
Tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định cấm “Quấy rối NTD thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của NTD để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của NTD" . Quy định này không rõ ràng vì chưa quy định hành vi gây cản trở đến công việc sinh hoạt bình thường của NTD là những hành vi nào và tiêu chí nào xác định hành vi đó là gây cản trở đến công việc sinh hoạt bình thường của NTD? Quy định thiếu chuẩn xác như trên gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh
Bảy là, về vấn đề thương lượng trong Luật BVQLNTD
Tại khoản 2, Điều 56 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận yêu cầu thương lượng của NTD theo quy định tại Điều 57 của Luật này”. Khoản 2 Điều 57 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với NTD trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu”.Về giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và NTD, là chưa có chế tài xử phạt khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không tiến hành thương lượng trong thời hạn bảy ngày làm việc. Điều này đang gây khó cho NTD bởi không có chế tài bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại của NTD mà hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của doanh nghiệp - điều được coi là “của hiếm" - khi xảy ra tranh chấp.
Tám là, về vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ việc về BTTH do vi phạm quyền lợi NTD
Về vấn đề cơ chế hợp lí để giải quyết các vụ việc về cá nhân, tổ chức kinh doanh từ chối trách nhiệm BTTH cho NTD vì lí do không chính đáng hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm với NTD. Luật BVQLNTD đã có quy định về thủ tục rút gọn, tuy nhiên thủ tục này chưa được đi vào thực tế xét xử. Điều đó dẫn tới câu chuyện nếu đuổi theo kiện tụng, NTD thường mất thời gian, hơn nữa với tâm lý chung “được vạ thì má đã sưng” dẫn tới nhiều vụ việc NTD đành chịu thiệt[1].
Thứ hai, thiếu cơ sở pháp lý để Hội bảo vệ NTD thực hiện chức năng đại diện cho NTD
Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) được thành lập năm 1988, gia nhập IOCU (International Organization of Consumers Unions) năm 1991 và được CI (Consumers International) công nhận thành Hội viên chính thức năm 1999. Hội đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào bảo vệ NTD trong nước và trên thế giới. Chức năng đại điện cho NTD của Hội được ghi nhận tại Chương IV Luật BVQLNTD năm 2023 và tại Chương VII Nghị định 55/2024/NĐ-CP[2]. Tuy nhiên, đến nay địa vị pháp lý của Hội vẫn chưa được rõ ràng. Vẫn có những quan điểm trái ngược nhau như Hội là tổ chức đại diện cho quyền lợi của NTD nói chung hay là chỉ bảo vệ lợi ích của những NTD là thành viên của Hội? Những sự tranh cãi đều xuất phát từ việc pháp luật quy định không rõ ràng, không đi vào chi tiết nên không khẳng định được thẩm quyền của Hội. Tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD bằng hoạt động: "Đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng”[3]. Tuy nhiên, trên thực tế các tổ chức xã hội BVQLNTD cũng chưa thể đại diện cho họ khởi kiện hoặc tự khởi kiện các doanh nghiệp vì lợi ích cộng đồng. Nguyên nhân chính là do vấn đề này còn quá mới, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, kinh phí. Dù khi khởi kiện về quyền lợi NTD chưa phải nộp án phí, nhưng nếu thua kiện, các tổ chức xã hội BVQLNTD cũng không có tiền để trả án phí trong khi quyền được cung cấp thông tin, quyền được bảo đảm an toàn của NTD vẫn đang bị vi phạm rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực[4].
1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật dân sự Việt Nam về BVQLNTD
Hoàn thiện chế định BTTH do vi phạm quyền lợi NTD phải bắt nguồn từ việc hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi NTD
Hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật chưa bao giờ là một công việc dễ dàng tuy nhiên nếu tập trung đầu tư nhân lực và kinh phí hợp lý thì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta sẽ được thống nhất, không còn sự chồng chéo cũng như việc tra cứu và áp dụng pháp luật cũng được thuận lợi hơn. Để đạt được mục đích này thì cần thực hiện tốt những công việc: (i) Quốc hội cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể, (ii) Tăng cường ngân sách nhà nước; (ii) Tổ chức hội thảo, diễn đàn lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, (iv) Rà soát các quy định về BTTH nói chung và BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD nói riêng để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; (v) Bổ sung các quy định tăng cường trách nhiệm của NSX, NKD trong việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có chất lượng như đã đăng ký....
Pháp luật BVQLNTD phải được hoàn thiện theo hướng các quy định được xây dựng thống nhất, đồng bộ, rõ ràng
Hệ thống quy phạm pháp luật về BVQLNTD rất phong phú và nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bao gồm: Luật BVQLNTD, BLDS, BLHS, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Pháp lệnh Quảng cáo,... Trong thực tiễn áp dụng, các quy định này chồng chéo, khó áp dụng, mâu thuẫn lẫn nhau. Vì vậy pháp luật BVQLNTD phải được sửa đổi hoàn thiện theo hướng xây dựng thống nhất, đồng bộ; phải được sửa đổi, bổ sung nội dung phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Cần có sự rà soát các quy định về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD trong các ngành luật khác nhau để tạo ra sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc xác định mối quan hệ giữa Luật BVQLNTD và các văn bản luật liên quan khác là rất cần thiết, trong trường hợp các văn bản điều tiết ngành không có quy định về vấn đề BVQLNTD thì áp dụng Luật BVQLNTD. Trong trường hợp các văn bản khác cũng có quy định thì áp dụng văn bản pháp luật chuyên ngành, trừ trường hợp Luật BVQLNTD quy định về bảo vệ NTD ở mức độ cao hơn hoặc có cơ chế giúp khôi phục quyền lợi của NTD nhanh chóng hơn thì áp dụng quy định của Luật BVQLNTD. Nếu có những điều không phù hợp, lệch nhau thì phải sửa đổi, bổ sung thay thế. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 34 Luật BVQLNTD 2023 đặt ra trách nhiệm BTTH của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Tuy nhiên, Điều 608 BLDS 2015 lại quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường" - Điều này đặt ra việc cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh chỉ phải bồi thường đối với lỗi “Cố ý". Như vậy, giữa luật chung và luật chuyên ngành đang có sự quy định chồng chéo nhau.
Cần quy định cụ thể hơn về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH cho NTD.
Theo quy định tại các Điều 10, Điều 12, Điều 16 và Điều 61, Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007 thì NSX, NNK phải BTTH cho NTD trong trường hợp hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của NSX, NNK không bảo đảm chất lượng hàng hóa trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 62 Luật này. NBH phải chịu trách nhiệm bồi thường cho NTD trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của NBH không bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật này. Tuy nhiên việc thực thi các quy định trên là chưa hiệu quả bởi chưa quy định những trường hợp cụ thể. Do vậy, cần bổ sung thêm các trường hợp cụ thể để gắn chặt trách nhiệm BTTH của NSX, NKD, NPP…. trong từng khâu nhất định cho NTD. Ngoài ra, theo quy định của một số quốc gia trên thế giới, khi NTD gặp thiệt hại, có thể lựa chọn bất kỳ ai trong chuỗi những người có liên quan đến trách nhiệm sản phẩm để yêu cầu BTTH, trong trường hợp người phải BTTH không có lỗi (chẳng hạn NBH phải bồi thường trong khi lỗi thuộc về NSX) thì có thể yêu cầu bên có lỗi bồi hoàn khoản đã bồi thường cho NTD theo một cơ chế tổ tụng rút gọn. Khi đó, NTD sẽ dễ dàng hơn trong việc khởi kiện để tìm lại quyền lợi cho mình. Do vậy, pháp luật Việt Nam nên quy định mở rộng chuỗi những người cung cấp sản phẩm tới tay NTD để NTD có thể lựa chọn đối tượng khởi kiện dễ dàng hơn cũng như đòi được quyền lợi dễ dàng hơn theo hướng trên, nếu làm được như vậy, các chủ thể trong chuỗi cung cấp hàng hóa cũng sẽ có ý thức tự giác cao hơn đối với chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang đến cho NTD.
Hiện nay, vấn đề BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD đang được quy định tại điều 608 BLDS 2015. Theo đó: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường[1]”.Tuy nhiên điều đó đặt ra vấn đề là đối với những trường hợp không phải là NTD thì việc BTTH sẽ như thế nào? Điển hình như trường hợp "Stand beside" - người đứng kề bên trong một số ví dụ mà pháp luật Châu Âu đã đưa ra: Bình ga của NSX A bất ngờ bị nổ gây thiệt hại cho anh B đang đứng ở gần đó. Mặc dù anh B không phải là NTD (vì không trực tiếp sử dụng hàng hóa) nhưng trách nhiệm BTTH trong trường hợp này vẫn đặt ra với NSX kể cả trong trường hợp họ không có lỗi[2].
Về vấn đề xác định thiệt hại xảy ra và phạm vi thiệt hại được bồi thường do vi phạm quyền lợi của NTD.
Pháp luật cần nên bổ sung các quy định liên quan đến cách xác định thiệt hại và việc tính toán thiệt hại để bồi thường cần phải đảm bảo được nguyên tắc "toàn bộ và kịp thời". Với những thiệt hại về tinh thần cần xác định mức bồi thường cụ thể để đảm bảo quyền lợi NTD được bảo vệ tốt nhất. Với những thiệt hại về vật chất có thể tính được thành tiền thì nên công thức hóa để việc áp dụng pháp luật trên thực tế được thống nhất.
Ngoài ra, cũng cần có những quy định về trường hợp thiệt hại không xảy ra ngay mà tích lũy trong một thời gian dài sử dụng mới phát sinh nhằm bảo đảm nguyên tắc: "thiệt hại được bồi thường toàn bộ" của BLDS năm 2015. Nếu có căn cứ thì loại thiệt hại này cũng cần được tính toán bồi thường tùy từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau có những đặc thù khác nhau, nên không thể đặt ra những nguyên tắc cứng nhắc. Vì vậy nên bổ sung các nguyên tắc tính toán những khoản thiệt hại trong tương lai. Ngoài ra, cần quy định về mức BTTH về tinh thần cho NTD hoặc gia đình NTD chứng minh được tổn thương về tinh thần là do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Mức bồi thường là mức tiền hợp lý để người bị thiệt hại và gia đình trở lại trạng thái tinh thần như cũ. Trong trường hợp một gia đình cùng một lúc có nhiều người bị xâm phạm thì không thể xác định một cách máy móc cứ một người mức bù đắp tổn thất về tinh thần là “hai suất"... không nên đơn giản làm một phép tính số học như nhân lên theo số người bị thiệt hại vì làm như vậy thì quy định “bù đắp tổn thất về tinh thần" không còn ý nghĩa nữa.
Bổ sung thêm các hình thức khởi kiện khác ngoài khởi kiện tập thể và có hỗ trợ về tài chính.
Về việc bổ sung các chế định xử phạt.
Hiện nay, chưa có vụ việc nào ở Việt Nam về BTTH cho NTD có giá trị lớn, tạo ra niềm tin rằng NTD ở Việt Nam theo kiện đến cùng và được BTTH một cách thỏa đáng trong những trường hợp thương nhân biết rõ mình có lỗi với NTD nhưng vẫn trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm BTTH. Điều đó cho thấy pháp luật về BVQLNTD ở Việt Nam đang thiếu chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt (Punitive Damage) như trong hệ thống pháp luật về NTD của hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Common Law). Chế định này sẽ yêu cầu thương nhân phải BTTH hơn nhiều lần với giá trị ước tính, đủ mạnh và nghiêm khắc để ngăn chặn cá nhân tổ chức kinh doanh sẽ vi phạm hành vi tương tự trong tương lai. Khi cơ quan tài phán nhận thấy hành vi của thương nhân từ chối các trách nhiệm với NTD gây hại cho nhiều NTD hoặc tạo ra tiền lệ xấu thì cần phải phạt tăng nặng để ngăn ngừa, mang tính trừng phạt (Punitive/Exemplary)".
Chẳng hạn, khoản 2 Điều 57 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với NTD trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu”. Luật chỉ quy định đến trách nhiệm thương lượng mà không đề cập đến chế định xử phạt trong trường hợp cá nhân sản xuất, kinh doanh không tổ chức thương lượng với NTD. Như vậy, pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD Việt Nam nên bổ sung chế định về tiền BTTH có tính trừng phat (Puitive Damage) để đảm bảo thương nhân phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đền bù thiệt hại cho NTD[1]
Về cơ sở pháp lý cho sự hoạt động vững mạnh của Hội bảo vệ NTD
Hiện nay pháp luật đã trao những quyền hạn nhất định cho các Hội bảo vệ NTD. Đặc biệt là Hội BVQLNTD Việt Nam. Địa vị của các Hội này cũng đã được quy định khá cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là cơ sở pháp lý cho sự hỗ trợ về tài chính của
Nhà nước với các Hội này là chưa có dẫn đến hiệu quả bảo vệ NTD của Hội chưa cao, chức năng đại diện cho NTD của Hội chưa được thực hiện tốt. Do vậy, việc hỗ trợ về tài chính đối với các Hội này là cần thiết. Từ đó, đáp ứng được tốt nhu cầu bảo vệ NTD, tạo đà cho sự kích cầu quan hệ tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bô luật Dân sự Việt Nam năm 2015.
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
- Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007.
- Bộ luật Dân sự Đức.
- Đạo Luật về Hoạt động kinh doanh và bảo vệ NTD của bang British Columbia năm 2019.
- Luật hợp đồng tiêu dùng Nhật Bản năm 2000.
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1992 của Liên Bang Nga (sửa đổi năm 2007).
- Luật Bảo vệ NTD (thương mại lành mạnh) của Singapore năm 2003.
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2019 của Ấn Độ.
10. Luật Bảo vệ NTD năm 1999 của Malaysia (sửa đổi năm 2016).
11. Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
12. Reiner Schulze, Hans Schulter Nolke, Jackie Jones (2002), A Casebook on Europian Consumer Law, Oxford and Portland, NA.
13. Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - Thực trạng và giải pháp, Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.106.
14. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.14.
15. https://tapchicongthuong.vn/ban-ve-khai-niem--nguoi-tieu-dung--trong-luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung-viet-nam-75940.htm
16. https://pbgdpl.camau.gov.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-nam-2023.5414
ThS. Nguyễn Ngọc Ánh (Giảng viên Khoa Đào tạo Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Học viện Tòa án)
Đoàn Trung Tiến (Trưởng Ban chuyên môn Câu lạc bộ Học thuật, sinh viên Học viện Tòa án)
Nguyễn Ngọc Ánh - Đoàn Trung Tiến
Tin khác
Dự báo thời tiết ngày 19/6: Bắc Bộ mưa vài nơi, Trung Bộ nắng nóng
Top 10 thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất Việt Nam: Có đến 5 nhãn hiệu cùng ‘nhà Vinamilk’
Nam A Bank dành nhiều ưu đãi cho khách hàng giao dịch không tiền mặt
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng nâng cao thương hiệu Việt
Bộ Giáo dục đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Bộ Y tế xử lý nhiều mỹ phẩm vi phạm, tiêu hủy hơn 800 ống thuốc điều trị bệnh lý thần kinh
Bộ trưởng Y tế: Thuốc đưa vào bệnh viện đều phải thông qua đấu thầu và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
(THPL) - Ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình trước Quốc hội về tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả, khẳng...18/06/2025 15:47:00Ford Everest dẫn đầu doanh số phân khúc xe SUV cỡ D trong tháng 5
(THPL) - Ford Everest tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu doanh số phân khúc xe gầm cao cỡ D tại Việt Nam với 788 xe bán ra trong tháng 5/2025.19/06/2025 06:34:47Dự án “sống còn” Aqua City của Novaland hoàn tất gỡ vướng pháp lý
(THPL) - Dự án Aqua City của Novaland vừa chính thức hoàn tất gỡ vướng pháp lý sau 3 năm kiên trì và nỗ lực của Novaland; đồng thời khẳng...18/06/2025 14:16:42TP.HCM: Xử lý 526 vụ vi phạm thương mại, phạt gần 20 tỷ đồng trong 6 tháng
(THPL) - Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết trong 6 tháng qua, lực lượng này đã kiểm tra 533 vụ, xử lý...18/06/2025 14:15:10
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Quảng bá thương hiệu Việt
-
Ngân hàng Lộc Phát (LPBank): Ghi dấu ấn với Tổng đài đa kênh thông minh tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025
- Điểm danh những “tọa độ” hot nhất Đà thành dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
- Cầu Ngọc Hồi chuẩn bị khởi công: khẳng định xu hướng ở ngoại ô, làm...
- “Bỏ túi” cách bảo vệ sức khỏe vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu...