18:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thừa Thiên Huế: Ngôi làng nổi tiếng với nghề nặn tượng ông Công, ông Táo

| 08:57 24/01/2018

(THPL) - Làng Địa Linh nổi tiếng với công việc đúc tượng ông Công, ông Táo để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân ở Thừa Thiên Huế.

Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân – vị thần trong coi bếp núc lại cưỡi cá chép bay về trời để báo lại mọi việc xảy ra trong trong năm qua. Để bày tỏ lòng thành, các gia đình sẽ làm một mâm cơm đạm bạc tiễn ông Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy. Trải qua hàng trăm năm, tục lệ ấy vẫn được người Việt gìn giữ. Trước nhu cầu tín ngưỡng của các gia đình, ở nhiều địa phương nghề đúc tượng ông Táo theo đó mà hình thành.

thua thien hue
Làng Địa Linh nổi tiếng với nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Thừa Thiên Huế.

Ở Cố đô Huế có một ngôi làng khá nổi tiếng, bởi lâu nay được nổi danh với nghề đúc tượng ông Công, ông Táo. Ngôi làng được nhắc tới đó là làng Địa Linh ( xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế ). Theo ông Trương Văn Lợi (cán bộ làng Địa Linh) chia sẻ với PV rằng: "Nói đến Địa Linh là nói đến nghề nung đất, trong số này có nghề sản xuất gạch và nghề đúc tượng ông Táo. Ở Huế trước đây có hai làng Địa Linh và Làng Sình làm nghề đúc tượng ông Táo. Tuy nhiên sau này làng Sình đã chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi cuối cùng còn giữ được nghề độc đáo này đến bây giờ”.

Để được hiểu thêm về ngôi làng hiếm có này, nhiều du khách đã tìm đến để tận mắt chứng kiến quy trình tạo nên một pho tượng ông Công, ông Táo vô cùng độc đáo.

Được biết, quá trình làm ra được một sản phẩm cũng phải đến hơn chục bước. Đất sét dùng để đúc tượng là đất sét vàng có ít tạp chất được chọn từ cánh đồng màu mỡ ngay phía sau làng. Để có những bức tượng đúng chuẩn, người làng Địa Linh chọn nguyên liệu làm khuôn từ loại gỗ lim. Khuôn được đục lõm chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau.

Cứ hai năm, khuôn lại được người thợ thay một lần. Khi cho đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt để tượng không bị méo. Lấy tượng khỏi khuôn cũng đòi hỏi phải thật khéo. Sau khi tượng rút bớt nước thì đem phơi khoảng một buổi rồi mới cho vào lò nung. Sau khi nung, những bức tượng ông Táo được người dân vẽ bằng màu rồi rắc bột kim tuyến để trông bắt mắt hơn...

thua thien hue 1
Mỗi ngày, các gia đình tại làng Địa Linh cho ra lò khoảng 1.000 tượng ông Táo.

Cứ đến mùa Tết, làng Địa Linh cho ra lò khoảng 70.000 tượng ông Táo. Các tượng ông Táo không chỉ cung ứng cho thị trường Thừa Thiên - Huế mà còn vào cả Sài Gòn, Bình Phước… Tượng ông Táo thành phẩm sẽ được xếp vào những hộp mì tôm để đem bán. Mỗi hộp có khoảng 120 tượng ông Táo và được bán buôn với giá 40.000 – 50.000/hộp. Nếu mỗi bức tượng ông Táo được thương lái bán cho người dân với giá 4.000 - 5.000 đồng, có khi lên tới 7.000 đồng thì những người làm nghề đúc tượng cũng chỉ thu được 500 – 2.000 đồng/bức .

Được biết, trước đây làng Địa Linh, nhà nào cũng làm nghề nặn tượng song do hiệu quả kinh tế thấp, đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại một số ít gia đình làm nghề lâu đời bám trụ với nghề truyền thống.

Trong những năm gần đây, mặc dù nghề nặn tượng cổ truyền đã mai một dần nhưng người làm ông Táo Địa Linh cũng đã cố gắng cải thiện chất lượng cũng như sáng tạo ra mẫu mã mới, đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy không còn cảnh tấp nập kẻ bán người mua, nhưng những tiếng đục gõ vẫn vang đều ở một số gia đình còn tâm huyết với nghề khiến nhiều người thêm tiếc nuối, nhớ về giai đoạn “hoàng kim” của làng nghề...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu