15:10 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí cần chú trọng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư

19:56 18/06/2017

(THPL) - Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), chiều 18/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt đoàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng APEC.

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ và lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Buổi gặp mặt còn có đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp quan trọng, trực tiếp vào sự nghiệp đổi mới đất nước thời gian qua và chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo của hơn 800 cơ quan báo chí cả nước nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu gặp mặt đoàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành cùng APEC nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá cao đề xuất của Hội nhà báo Việt Nam về việc xây dựng một chuyên đề rất thời sự trong năm nay là báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng APEC, Thủ tướng đề nghị Hội và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức sự kiện này hàng năm.

Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của báo chí, dành nhiều điều kiện thuận lợi để báo chí thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Thủ tướng cũng đánh giá cao báo chí và doanh nghiệp đã có sự đồng hành trong thời gian qua và tin tưởng báo chí và doanh nghiệp sẽ mãi là người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập, vì sự nghiệp phát triển của chính mình và sự phồn vinh của đất nước.

“Nhân đây tôi cũng nói với các đồng chí là “quyền lực thứ tư” này được quan tâm, coi trọng và phát triển nhanh chóng ở đất nước chúng ta trong sự nghiệp đổi mới và các đồng chí đã thành công rất lớn.

Nhưng chúng ta cũng rất coi trọng doanh nghiệp. Doanh nghiệp giải quyết việc làm, doanh nghiệp giải quyết tăng trưởng, hội nhập. Cho nên doanh nghiệp và báo chí đồng hành thì tạo sức mạnh rất lớn trong đời sống xã hội”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, góp phần thực hiện công khai, minh bạch quá trình và kết quả xử lý công việc của cơ quan hành chính Nhà nước.

Qua đó góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Báo chí cũng cần thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân để phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến của người dân; truyền tải thông tin thiết thực phù hợp với người dân.

“Ý chúng tôi nói báo chí phải lắng nghe hơi thở cuộc sống. Những nguyện vọng chính đáng của người dân chúng ta phải phản ánh. Chính sách hình thành từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị báo chí và doanh nghiệp cần tích cực tham gia đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chống tham nhũng, chống lãng phí.

Thủ tướng tin tưởng với trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng, tinh thần dũng cảm, các nhà báo sẽ vượt qua thách thức để phản ánh những bất cập, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức.

Thủ tướng mong muốn, từng tờ báo, từng phóng viên phải tự rèn luyện, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề báo. Báo chí còn phải kịp thời phát hiện, phản biện, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhận ra những yếu kém, thiếu sót để sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nhấn mạnh việc Chính phủ đang nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí chú trọng tuyên truyền theo hướng này; hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ; hỗ trợ, cổ vũ phát triển doanh nghiệp.

Báo chí phải tích cực đăng tải ý kiến của các chuyên gia kinh tế, phân tích tình hình kinh tế - xã hội kịp thời đưa ra những dự báo giúp doanh nghiệp lựa chọn được những đường hướng kinh doanh đúng đắn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt Nam.

Báo chí và doanh nghiệp cũng cần cùng chung tay xây dựng phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa con người Việt Nam, nêu những tấm gương tốt, những việc làm hay, những giá trị tốt đẹp, những chuẩn mực văn hóa được lan tỏa sáng trong xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, báo chí đóng vai trò nòng cốt tư tưởng văn hóa, đi đầu trong việc chống lại các thế lực thù địch, tích cực bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.

Báo chí phải xây dựng được hình ảnh đẹp của đất nước, của chủ nghĩa xã hội, của Đảng; phải là tiếng nói bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ quân đội.

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã báo cáo Thủ tướng về một số hoạt động thiết thực của Hội thời gian qua, trong đó có việc đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Nhà báo Thuận Hữu nhấn mạnh, sự kiện Năm APEC 2017 là cơ hội để quảng bá đất nước và hình ảnh Việt Nam đang đổi mới và hội nhập, là cơ hội để báo chí giúp các doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài khu vực Châu Á Thái Bình Dương, quảng bá thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp phát biểu, bày tỏ mong muốn tiếp tục được gắn bó, đồng hành với các cơ quan báo chí truyền thông trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời thông qua các cơ quan báo chí là cầu nối để tiếp cận và tổ chức các hoạt động từ thiện - xã hội, giúp đỡ cộng đồng; thúc đẩy khởi nghiệp – một trong những mục tiêu mà Chính phủ đang ưu tiên thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan báo chí lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cùng với Chính phủ xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Hòa Bình(t/h).

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu