18:48 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thu hơn tỷ đồng/năm nhờ trồng cam đường canh trên đất đỏ bazan

| 14:03 24/01/2018

(THPL) - Nhờ mạnh dạn đưa cây cam đường canh vào canh tác trên vùng đất đỏ bazan, áp dụng KHKT trong quá trình canh tác, nông dân xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) có thu nhập hơn tỷ đồng/năm.

Theo báo Thanh niên, lấy bằng ĐH chuyên ngành lịch sử, anh Trần Mạnh Chiến (32 tuổi) ở lại TP.HCM làm việc một thời gian rồi theo học thạc sĩ ngành châu Á học. Học xong, anh trở về quê trồng cam đường canh (cam tiến vua ngày xưa).

cam đường canh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng
Anh Trần Mạnh Chiến thu hơn tỷ đồng/năm nhờ trồng cam đường canh trên đất đỏ bazan. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo anh Chiến kể, việc về quê trồng loại cam tiến vua này cũng có lý do của nó. Vốn là con nhà nông, nên khi đang học ĐH ở TP.HCM, anh thường xuyên vào mạng Internet tìm hiểu các mô hình làm kinh tế giỏi và nhờ vậy anh biết đến cây cam đường canh. Thấy người ta nói nhiều về “cam canh, bưởi Diễn” nên anh càng tìm hiểu và biết được nhiều người làm giàu với cây cam đường canh này.

“Ôm mộng” làm giàu với cây cam, nhưng chưa biết làm bằng cách nào và mãi đến năm 2010, trong một lần về quê, anh gặp người quen làm cây giống cam đường canh ở Hưng Yên nên anh tìm hiểu sâu hơn rồi về bàn với gia đình mua giống trồng dần dần xen 1.500 cây vào 1,5ha cà phê trong vườn nhà. Kỹ thuật trồng anh nắm vững vàng nên anh yên tâm gửi vườn cho gia đình rồi “chạy lên, chạy xuống” giữa quê và TP.HCM để vừa học vừa chăm vườn. Khi học xong thạc sĩ thì anh về quê gắn bó với vườn cam này.

Được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây lớn nhanh và 3 năm thì cho thu hoạch quả. Anh Chiến cho hay: “Lứa đầu tiên, 400 cây cam cho quả, mình thu được 7 tấn, bán được giá cao, hiệu quả mang lại khá rõ, nên dần dần mình phá hết vườn cà phê để trồng cam canh đạt diện tích 3,5ha. Tuy nhiên thấy cây cam đường canh mang lại hiệu quả nhưng mỗi năm chỉ cho thu hoạch vào dịp tháng 11, 12 âm lịch thì giá trị vườn cam mang lại chưa thật cao, nên mình tìm hiểu, nghiên cứu can thiệp kỹ thuật và cuối cùng cũng “bắt” được cây cam cho quả quanh năm”, anh Chiến cho hay. 

trồng cam đường canh, Lâm Đồng
Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Trái cây Bốn Mùa. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, theo anh Chiến, mỗi ha cam đường canh của anh có 1.000 cây cho thu quả với sản lượng bình quân đạt 30 kg/cây, thậm chí có cây đạt 60 - 70kg quả, tính ra trung bình đạt khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 45.000 đồng/kg, doanh thu mang lại hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.

Liên tiếp “thắng lớn”, mô hình cam đường canh của anh Chiến được nhiều sự quan tâm, đã có hàng trăm lượt nông dân trong vùng tìm đến học tập để về áp dụng. Anh Chiến cũng không ngần ngại chia sẻ thành công lẫn bí quyết với người khác để họ có thể phát triển kinh tế gia đình. Bởi vậy, chỉ sau vài năm từ một mô hình đơn lẻ, toàn xã Đan Phượng đã hình thành nên một vùng chuyên canh cam đường canh rộng lớn với quy mô lên đến 50ha. Một thủ phủ cam ngay trên mảnh đất cà phê Lâm Hà đang dần hình thành và không ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, anh Chiến nhận thấy nếu không chấn chỉnh lại quy trình sản xuất và chú trọng liên kết thì người nông dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Tình trạng mạnh ai nấy làm, cảnh thương lái thường tìm cơ hội ép giá để đạt lợi nhuận cao nhất, trong khi người dân chỉ mong bán được sản phẩm và đảm bảo giá trị ngày công là điều không thể tránh khỏi.

Năm 2015, anh Chiến tiên phong nghiên cứu và đầu tư lại vườn cam theo quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Tháng 2/2016, toàn bộ diện tích cam Canh 4ha của anh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đến tháng 11/2016, HTX với tên gọi Bốn Mùa được thành lập có 7 thành viên tham gia, diện tích SX 50ha trong đó có 36,7ha đạt chuẩn VietGAP.

Kể từ khi HTX được thành lập, sản phẩm cam của nông dân được nhiều đơn vị bao tiêu thu mua với giá cao và ổn định. Phần lớn sản phẩm được bán về các chuỗi cửa hàng trái cây ở TP.HCM. Ngoài ra HTX cũng đang xúc tiến cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị Coop Mart.

sản phẩm trái cây của HTX Bốn Mùa
Sản phẩm trái cây của HTX Bốn Mùa được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bắt đầu từ vụ thu hoạch Tết năm nay, toàn bộ sản lượng cam, bưởi, sầu riêng, xoài… của HTX đưa ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, rõ nơi sản xuất, thậm chí đến từng hộ, trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất, ngày sản xuất, video... bón phân, sử dụng thuốc BVTV.

Không giấu vẻ tự hào, anh Chiến cho hay: “HTX được chứng nhận VietGAP là niềm vinh dự cho toàn thể thành viên. Đây là cơ hội cho trái cây Đan Phượng khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng của người tiêu dùng...”.

Ông Nguyễn Minh Toản, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, HTX Trái cây Bốn Mùa dù mới thành lập nhưng xứng đáng là HTX kiểu mẫu. Hiệu quả HTX mang lại rất lớn, là cầu nối tiêu thụ trái cây của nông dân, giúp Đan Phượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên trồng trái cây của huyện.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu