11:30 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa xây dựng nhà máy nước "siêu tốc": Vì dân hay vì "lợi ích nhóm"?

| 07:42 30/03/2017

(THPL) - Mặc dù cho tới cuối năm 2016, Chính phủ mới có ý kiến đồng ý về nguyên tắc xây dựng Nhà máy nước sạch tại Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, nhưng trước đó, nhà máy này đã được khởi công xây dựng một cách “siêu tốc”.

Ngày 5/10/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8171/VPCP-KTN gửi Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Thanh Hoá khẩn trương đánh giá nhu cầu, khả năng cung cấp nước; thống nhất đề xuất giải pháp cấp nước nhằm đáp ứng tiến độ, nhu cầu cấp nước cho các dự án vận hành vào năm 2017 và các dự án đang triển khai tại KKT Nghi Sơn; đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2016. 

Đến ngày 20/12/2016, Chính phủ có văn bản số 11044/VPCP-CN về việc bổ sung dự án Nhà máy nước sạch tại Hồ Quế Sơn vào đồ án điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn. Tại văn bản này, Chính phủ nêu rõ: Đồng ý về nguyên tắc theo đề xuất của các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên Môi trường về việc bổ sung dự án Nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn vào đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn.

Cũng theo nội dung văn bản trên, Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa cập nhật dự án này vào đề án; Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Việc bổ sung quy hoạch phải đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của KKT Nghi Sơn và hiệu quả của các dự án cấp nước đang đầu tư. 

Gia đoạn 3 cung cấp nước sạch của Công ty Bình Minh xây dựng vượt tiến độ, bị UBND tỉnh Thanh Hóa "tuýt còi"

Văn bản này cũng ghi rằng: “Nếu Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn không giải quyết được các vấn đề nêu trên, tỉnh Thanh Hóa không đủ cơ sở để khẳng định sẽ cung cấp, đáp ứng yêu cầu cấp nước cho dự án”. 

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai các dự án cấp nước theo đúng quy định hiện hành và có biện pháp kiểm tra, giám sát các dự án cấp nước bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cấp nước theo cam kết của Chính phủ cho Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

Với những nội dung chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì Dự án nước tại hồ Quế Sơn mới chỉ được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho bổ sung vào Dự án điều chỉnh quy hoạch chung của Khu kinh tế Nghi Sơn và đồ án điều chỉnh quy hoạch phải được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, trước khi được Chính phủ "đồng ý về nguyên tắc" thì tỉnh Thanh Hóa đã “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng các công trình không phép. Trong khi đến cuối tháng 12/2016, Chính phủ mới đồng ý về mặt nguyên tắc đối với dự án. Tuy nhiên, với lý do cần có thêm một nhà máy nước sạch quy mô lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất của KKT Nghi Sơn, bất chấp chưa có giấy phép xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã “bật đèn xanh” cho dự án nước sạch khởi công xây dựng công trình nhanh chóng. 

Đơn vị làm chủ đầu tư dự án này là liên doanh công ty Anh Phát - Sông Chu. Theo đó, dự án này được cho có quy mô lớn với công suất 60.000 m3/ngày đêm. Trước khi khởi công dự án, chủ đầu tư nhà máy nước cam kết là trong vòng 6 tháng sẽ xây dựng xong nhà máy để đáp ứng nguồn nước dự phòng cho dự án lọc hóa dầu trong KKT Nghi Sơn hoạt động. Được biết, KKT Nghi Sơn khu vực phía Đông Nam Quốc lộ 1A đã được quy hoạch Nhà máy nước Nghi Sơn, và việc “mọc” thêm Nhà máy nước hồ Quế Sơn chỉ cách Nhà máy nước Nghi Sơn của Công ty Bình Minh công suất 90.000 m3/ngày đêm vài km, giai đoạn 1 là 30.000 m3/ngày đêm, có thể thấy lỗi quy hoạch rất lớn từ UBND tỉnh Thanh Hóa. 

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa đã 2 lần ban hành văn bản gửi Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị đơn vị này sớm thương thảo, ký hợp đồng với đơn vị cấp nước thứ 2 là liên doanh Anh Phát - Sông Chu để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, trong khi dự án này vẫn còn đang dang dở, trước thời điểm Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc đối với dự án này. 

Dự án nhà máy nước sạch của Công ty Bình Minh giai đoạn 2 sẽ cung cấp 60.000m3 nước/ngày đêm

Đơn cử như tại công văn số 11604 (ngày 11/10/2016), UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ: Để đảm bảo cho việc cung cấp nước cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đề nghị Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn sớm tiến hành thương thảo ký hợp đồng cấp nước với đơn vị thứ 2 là liên doanh Anh Phát - Sông Chu để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đến tận chân hàng rào nhà máy. 

Đáng ra, tỉnh Thanh Hóa phải cho dừng việc thi công nhà máy nước hồ Quế Sơn để các cơ quan nêu trên vào cuộc xác minh, làm rõ có nên hay không nên, cần hay không cần xây dựng nhà máy nước để bổ sung vào quy hoạch chung KKT Nghi Sơn, thế nhưng tại công trường dự án, khi PV khảo sát, hoạt động xây dựng vẫn diễn ra rầm rộ. 

Còn về phía Công ty Bình Minh, ông Tào Quốc Tuấn bức xúc: “Tại sao KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phân vùng cấp nước rõ ràng, vậy lý do gì để thay đổi? KKT Nghi Sơn được điều chỉnh mở rộng lên 106.000 ha, nhưng chủ yếu về phía Tây và Bắc. Tại sao tỉnh không cho xây dựng nhà máy ở đó mà phải đặt ở hồ Quế Sơn, gần dự án nước sạch của Công ty Bình Minh. Tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được văn bản của Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại không hề làm việc với Công ty Bình Minh để nghe từ hai bên, phân biệt đúng sai… Rõ ràng ở đây là lợi ích nhóm cạnh tranh không lành mạnh”. 

Dư luận quan tâm việc chủ đầu tư dự án này là liên doanh Anh Phát - Sông Chu xây dựng thật “siêu tốc”, nhằm sớm đi vào hoạt động, cạnh tranh với dự án nước sạch của Công ty Bình Minh, và có hay không “lợi ích nhóm” trong dự án này. Trao đổi với Thương hiệu và Pháp Luật, người phát ngôn của UBND tỉnh Thanh Hóa, Chánh văn phòng UBND tỉnh, ông Ngô Hoàng Kỳ cho biết: "Không thể phủ nhận, Công ty Bình Minh có đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, gần đây, nhu cầu nước tại KKT Nghi Sơn nói chung và dự án lọc dầu Nghi Sơn hết sức bức xúc. Bằng chứng là, liên tiếp từ 2015 đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Thanh Hóa, bày tỏ quan ngại về nguồn cung cấp và chất lượng nước của nhà máy này".

Ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời Thương hiệu và Pháp luật

Theo ông Kỳ, dự án nước sạch do liên doanh Anh Phát – Sông Chu triển khai xây dựng là dựa trên dự án cũ, thêm vào đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa để doanh nghiệp vào cùng cung cấp nước sạch để cạnh tranh tránh độc quyền, trách xảy ra việc thiếu nước sạch cung cấp cho KKT Nghi Sơn là điều rất bình thường. Đồng thời, cũng xã hội hóa việc đầu tư cung cấp nước sạch, tiết kiệm cho ngân sách tỉnh khoảng 600 tỷ đồng, chứ không hề có việc "lợi ích nhóm" ở đây. "Nếu không đảm bảo được việc cấp nước cho dự án, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng và có thể dẫn đến việc đóng cửa nhà máy lọc dầu trong KKT Nghi Sơn, do nhà máy không thể vận hành quá 2 ngày nếu không được cấp nước sạch. Việc này sẽ liên quan trách nhiệm trong cam kết của Chính phủ là nộp phạt 24,5 triệu USD/ngày, nếu như không đảm bảo cung cấp được nước sạch cho nhà máy, dẫn đến phải tạm dừng hoạt động". - Ông Kỳ thông tin.

Theo ông Kỳ, trong văn bản ngày 17/5/2016, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nhắc lại cam kết của Chính phủ về nguồn nước cho dự án. Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho rằng nguồn cấp nước ngay cả cho việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng không đủ. Nếu chỉ có 1 nhà máy nước sạch tại Nghi Sơn, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể yên tâm. Công ty này khẳng định việc chỉ có duy nhất một nhà máy nước sạch công suất 30.000m3/ngày đêm tại KKT Nghi Sơn để cấp nước cho lọc dầu Nghi Sơn và 40 khách hàng khác luôn tiềm ẩn rủi ro cho việc cấp nước sạch 24/24 cho toàn bộ KKT. Vì thế, việc ra đời một nhà máy cung cấp nước nữa sẽ đảm bảo nguồn nước, không thể nói dự án chồng dự án được…

Khi PV đề nghị ông Kỳ cung cấp văn bản liên quan đến đánh giá chất lượng nước sạch, nhu cầu sử dụng nước cả khu kinh tế Nghi Sơn; Văn bản đánh giá tình hình sản xuất nước hiện tại của Công ty Bình Minh; Giấy cấp phép xây dựng dự án nước sạch Anh Phát – Sông Chu thì ông Kỳ trả lời: “Không thể cung cấp được” và hẹn dịp khác xuống đây.

Mong rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét lại kiến nghị của Công ty Bình Minh và làm rõ nghi vấn có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ việc này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp!

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu