15:49 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tạo dựng thương hiệu cam VietGAP của Hà Tĩnh

| 14:39 13/12/2017

(THPL) - Sau 2 năm triển khai, mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” ở tỉnh Hà Tĩnh đã không chỉ tạo dựng được thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, mà còn thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tìm đến liên kết, thu mua sản phẩm với số lượng lớn và người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, sau nhiều nghiên cứu, thực nghiệm, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) triển khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên quy mô gần 4ha với 5 hộ dân tham gia, tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc).
 
Sau 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả ngoài sức mong đợi. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn sạch sẽ, thoáng đãng, các hệ thống tưới tiêu, bón phân… được đồng bộ hóa đúng quy định, cam trĩu quả, to đều, hình thức đẹp. Kết thúc mô hình, cả 5 vườn cam của 5 hộ dân tham gia đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nơi đây còn thành lập được Tổ sản xuất cam VietGAP Trà Sơn, góp phần xây dựng thương hiệu cam Can Lộc.
cam-can-loc
Mô hình vườn cam VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Năm 2017, Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô 30ha tại các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Hương Đô (huyện Hương Khê), Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà), với 24 hộ dân tham gia. Sau 1 năm được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, kết quả tại xã Đức Lĩnh năng suất đạt trung bình 26,3 tấn/ha; tại xã Hương Đô 23,23 tấn/ha; tại xã Ngọc Sơn 20,12 tấn/ha. Trong khi sản xuất đại trà của các hộ dân khác trong vùng chỉ có năng suất từ 8 tấn/ha đến hơn 11 tấn/ha.
 
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn, trong đó, nhiều loại cam có thương hiệu nổi tiếng với vị ngọt thanh, tép mọng, quả đẹp, như cam Khe Mây ở Hương Khê, cam bù ở Hương Sơn… Tuy nhiên, việc trồng cam ở Hà Tĩnh nhìn chung đang theo hướng sản xuất truyền thống, được tiêu thụ thông qua thương lái nhỏ lẻ hoặc đem ra các chợ đầu mối. Do đó, chất lượng cam cũng như hiệu quả kinh tế đều chưa cao, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn nhiều khó khăn nên cam ở Hà Tĩnh vẫn khó cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh.
 
Vì vậy, việc triển khai xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” đã từng bước giúp thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mở ra hướng phát triển nền sản xuất cam an toàn, bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam, đồng thời từng bước đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu, dần đứng vững trên thị trường.
 
Ông Phan Trần Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Sơn, cho biết toàn xã hiện có 150ha - 170ha trồng cam (lâu dài sẽ tăng lên 200ha), trong đó có 10ha cam trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến năng suất các hộ tham gia mô hình đạt 20 - 25 tấn/ha, giá bán hiện nay tại vườn cam khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, đến Tết Nguyên đán giá sẽ tiếp tục tăng cao.
 
Ngoài 7 hộ dân đã tham gia trồng cam VietGAP, sắp tới sẽ nhân rộng trồng mới thêm 15 - 20ha cam tới 10 hộ dân; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của xã. Đặc biệt, định hướng đưa cam Ngọc Sơn trở thành thương hiệu và tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
 
Theo báo Dân tộc miền núi, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cam được xác định là cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh... Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện tích cam chất lượng cao từ 2.360ha lên 4.050ha; sản lượng 54.000 tấn; giá trị sản xuất 1.648 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch diện tích, gia tăng sản lượng và chất lượng của các vùng trồng cam đặc sản. Cam được sản xuất theo quy trình VietGAP, nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm.

Nhờ xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà từ năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ cam Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc, vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017 diễn ra từ ngày 2 - 4/12 quy tụ 100 gian hàng tham gia. Tại lễ hội này, các sản phẩm cam được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng về chất lượng cam ngon nổi tiếng và một số nông sản đặc sản Hà Tĩnh. Đồng thời, thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho các giống cây ăn quả có múi đặc sản của địa phương.

Tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh diện tích cam chanh là hơn 5.093ha, cam bù là hơn 1.068ha. Để đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh có diện tích canh tác cam lớn trong cả nước và khu vực, cần phải xây dựng thương hiệu cho cam Hà Tĩnh, kết nối, mở rộng thị trường, tạo liên kết bền vững cho ngành sản xuất cam của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu