15:36 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sự cố tai biến khi chạy thận ở Hòa Bình: Triệu tập giám đốc công ty sửa hệ thống lọc nước

| 10:02 09/06/2017

(THPL) – Liên quan đến vụ 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cơ quan Công an đã triệu tập giám đốc một công ty ở Bắc Ninh, là đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại khoa Thận nhân tạo.

Theo thông tin trên báo Dân trí, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập giám đốc một công ty có trụ sở đóng tại Bắc Ninh. Đây được cho là đơn vị trực tiếp thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO (công nghệ lọc nước sử dụng màng siêu lọc để sản xuất ra nước tinh khiết) tại khoa Thận nhân tạo ở bệnh viện này.

Được biết, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (trụ sở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là công ty đứng ra ký hợp đồng với bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình về việc bảo trì, sửa chữa thiết bị tại khoa Thận. Tuy nhiên, vào ngày 28/5, trước khi xảy ra sự cố, Công ty Thiên Sơn có thuê một công ty khác để tiến hành thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO.

Báo Công an Nhân dân thông tin thêm, vị giám đốc công ty ở Bắc Ninh được triệu tập cũng là kỹ sư trực tiếp sửa chữa máy lọc nước. Công an triệu tập vị giám đốc này để làm rõ những nội dung ký kết giữa Công ty Thiên Sơn và công ty sửa chữa máy lọc nước nói trên. Đồng thời công an cũng kiểm tra lại quá trình nghiệm thu, bàn giao máy móc giữa công ty sửa chữa máy lọc nước với bệnh viện sau khi máy sửa xong.

18 bệnh nhân gặp tai biến khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vietnamnet

Cho biết trên Infonet, TS Nguyễn Cao Luận - Nguyên trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, RO là hệ thống nước dùng để lọc máu. Hệ thống xử lý nước RO qua nhiều công đoạn.

Nguồn nước đầu vào là nước thành phố (nước máy) nước giếng, nước sông ngòi nhưng ở Hoà Bình hay các bệnh viện khác trong cả nước, phần lớn là nước thành phố.

Chu trình lọc nước trải qua các khâu lọc khác nhau. Đầu tiên là qua hệ thống lọc thô, có thể là cát công nghiệp hoặc cát đa tầng để lọc bỏ cặn. Sau đó nước tiếp tục qua lớp lọc mềm, loại bỏ các ion canxi, magic, các kim loại nặng và qua 1 lần lọc carbon, loại các chất hữu cơ, cloramin (chất tẩy trong nước máy) những chất sát khuẩn ở đường nước... Nếu không loại bỏ các chất này thì màng RO sẽ hỏng. Sau đó nó tiếp tục qua lớp lọc gọi là vi lọc để lọc các vi khuẩn, vi rút... sau đó nó mới qua màng lọc RO.

Qua màng lọc RO nước sẽ được truyền qua máy lọc thận bằng hệ thống đường ống. TS Luận cho biết, nước RO tinh khiết đưa đến máy thận và tiếp xúc với dịch lọc để tiếp xúc với máu người, trực tiếp vào trong người nên với kỹ thuật lọc máu, nước được xem là quan trọng số 1. Vai trò của nước là tiếp xúc với dịch lọc, với máu để pha loãng ra như huyết tương qua màng bán thấm ở quả lọc.

Những nước càng phát triển, người ta đòi hỏi độ tinh khiết của nước RO càng cao. Ví dụ ở Nhật Bản, Singapore, Châu Âu tiêu chuẩn khác, tiêu chuẩn ISO riêng của họ. Còn tại Việt Nam vẫn sử dụng tiêu chuẩn của Mỹ từ năm 2007. Tuy nhiên theo TS Luận, Việt Nam là nước đang phát triển nên đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ đã là tiến bộ.

Tuy nhiên, TS Luận cho rằng, tai biến thường không phải là do nước đã qua RO vì lúc đó vi khuẩn, vi rút đã bị loại bỏ, nước sạch hoàn toàn có thể uống. Nhưng khi xảy ra tai biến có hệ thống như ở Hòa Bình, có thể do quá trình không súc rửa đường ống, kiểm tra có thể còn tồn dư chất nào đó.

Sốc phản vệ liên quan tới nước RO chỉ có thể xảy ra khi còn chất tồn dư sau khi rửa máy. Ví dụ lọc máy cả tuần, chủ nhật phải xử lý sát khuẩn đường nước và làm sạch đường ống - thường phải dùng hoá chất.

Hoá chất muốn tẩy được biofin và các chất tồn dư trong đường ống ngoài hệ thống nước RO (đường ống từ hệ thống vào máy lọc thận), người ta phải dùng javen 5%, muốn tẩy cặn phải dùng axet.

Theo quy định khi tẩy xong phải có test kiểm tra xem chất tẩy rửa đó có còn không. Nếu còn, nó rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. "Lỗi là lỗi ở khâu rửa này. Có thể khi làm họ có quy trình, nhưng khâu kiểm soát dễ bỏ qua", TS Luận nói.

Đa số trường hợp như thế thường gây ra tai biến hàng loạt nên nước tinh khiết rất quan trọng. Khi tất cả bệnh nhân trong phòng đều bị như thế, người ta nghĩ ngay đến nước. Còn quả lọc, khi rửa quả lọc người ta cũng dùng nước, dùng hoá chất, nhưng nếu người dùng quả lọc mới vẫn bị thì có thể loại trừ.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 80 - 100 người/1 triệu dân phải lọc máu.

Lan Anh (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu