17:11 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sóng thần Nhật Bản đưa 300 loài sinh vật mới tới Mỹ

| 20:52 02/09/2017

Các nhà khoa học ước tính khoảng 300 loài sinh vật của Nhật Bản theo các mảnh vỡ trôi dạt đến bờ biển Mỹ sau trận sóng thần năm 2011.

song-than-nhat-ban-dua-300-loai-sinh-vat-moi-toi-my

Sên biển từ tàu Nhật Bản trôi dạt vào bờ biển Oregon, Mỹ, vào tháng 4/2015. Ảnh: John Chapman.

Greg Ruiz, nhà sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Smithsonian ở Maryland, Mỹ, và cộng sự đếm được ít nhất 289 loài động vật không xương sống và cá có nguồn gốc từ Nhật Bản theo các mảnh rác trôi dạt đến tận bãi biển Hawaii và Alaska của nước Mỹ từ mùa xuân năm 2012 đến năm 2017. Những sinh vật được tìm thấy khá đa dạng, bao gồm trai, hàu, sao biển, sâu biển và sứa. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 28/9.

Các nhà khoa học cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận các loài động vật sống ở ven biển có khả năng "đi bè" vượt đại dương. Biển khơi thường được xem là môi trường khắc nghiệt đối với sinh vật sống bám ven biển. "Tôi không nghĩ những sinh vật này có thể tồn tại trên biển trong một thời gian dài", Ruiz nói.

Sóng thần tàn phá Nhật Bản năm 2011 đã kéo theo hàng nghìn tấn rác ra biển. Những chiếc tàu trống rỗng, xà gỗ từ các ngôi nhà, mảnh vỡ bến tàu, TV, tủ lạnh, phao, xô chậu, chai nhựa, trôi dạt trên Thái Bình Dương suốt nhiều tháng và nhiều năm sau thảm họa, theo Live Science.

Ruiz cho biết, hiện nay các đồ vật không phân hủy được như nhựa, sợi thủy tinh, bọt xốp vẫn tiếp tục trôi dạt vào bờ, trong khi đó số lượng các mảnh gỗ giảm đi đáng kể sau năm 2014. Nhựa có thể kết hợp với sự kiện sóng thần và bão để vận chuyển sinh vật từ bên này sang bên kia đại dương trên quy mô lớn.

"Mỗi năm có hơn 10 triệu tấn rác thải nhựa từ gần 200 quốc gia xâm nhập vào đại dương. Ngoài ra, những cơn bão ngày càng mạnh do biến đổi khí hậu sẽ khiến số lượng mảnh rác trong đại dương tăng lên đáng kể", James Carlton, chuyên gia nghiên cứu các loài xâm lấn tại Đại học Williams, Mỹ, cho biết.

Các nhà khoa học lo ngại rằng, rác trên biển có thể trở thành phương tiện di chuyển cho loài xâm lấn, phá vỡ hệ sinh thái địa phương nơi chúng đến. Hiện nay, chưa có thông tin về loài vượt đại dương có nguồn gốc từ Nhật Bản bắt đầu tạo ra các quần thể ở California, Oregon hoặc nơi khác. Nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình này có thể phải mất nhiều năm.

TIN LIÊN QUAN
TAG: THPL
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu