23:40 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nửa đầu tháng 3

17:29 22/03/2023

(THPL) - Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3/2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 122,94 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kỳ 1 tháng 3 (1-15/3) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,15 tỷ USD; cán cân thương mại thặng dư khoảng 2,94 tỷ USD.

Về xuất khẩu, trong nửa đầu tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt 13,33 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI là 9,75 tỷ USD, doanh nghiệp nội địa đạt 3,58 tỷ USD.

Hiện có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD, với tổng giá trị xuất khẩu của 4 mặt hàng này là 6,78 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 2,22 tỷ USD. Đứng thứ 2 là điện thoại và linh kiện đạt 1,75 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,57 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,23 tỷ USD.

Sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nửa đầu tháng 3. Ảnh minh hoạ

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 đạt 13,82 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI là 9,75 tỷ USD, doanh nghiệp nội địa đạt 3,58 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn cả về thị trường và đơn hàng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu. Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do Thái, hàng hóa môi trường và các bon thấp...

Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.

Tuấn Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu