05:56 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nỗ lực vượt khó, ngành tôm kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm 2024

14:50 25/07/2024

(THPL) - Các chuyên gia ngành tôm kỳ vọng, nửa cuối năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng trở lại.

Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đứng đầu trong danh mục các loại thủy sản xuất ra nước ngoài của Việt Nam, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ riêng tháng 6, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Một trong những thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm của Việt Nam là Trung Quốc và Hồng Kông. Nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang 2 thị trường này đã đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang thị trường này sau khi giảm trong tháng 5, đã tăng trở lại trong tháng 6.

Tuy nhiên, theo dự báo, nửa cuối năm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn về việc cạnh tranh về giá trên thị trường tỷ dân, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con. Bởi lẽ, thời điểm này, rất có thể Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao và tăng cường kiểm soát về các vấn đề lao động, môi trường và an toàn thực phẩm.

Nỗ lực vượt khó, ngành tôm kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm 2024. Ảnh minh hoạ

Với thị trường Mỹ, nửa đầu năm nay, tôm xuất khẩu sang thị trường này đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao. Bên cạnh đó, thách thức cho tôm Việt là cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và tình trạng Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Ngoài ra, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ”, VASEP chia sẻ.

Hiện nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ được dự đoán có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua, phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 229 triệu USD và 149 triệu USD, giảm lần lượt 3% và 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Vasep nhận định, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

Đối với thị trường EU, sau quý I xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.

Theo VASEP, ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

Theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.

Vì vậy, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.

Đối mặt với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình. Ví dụ như thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh.

Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc... Có doanh nghiệp thì chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.

VASEP kỳ vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại. Nếu tất cả sự kỳ vọng diễn ra theo kịch bản có lợi cho con tôm thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành tôm năm 2024.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu