12:22 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quyền Bộ trưởng Y tế: Phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng

15:20 01/08/2020

(THPL) - “Ngay từ đầu Bộ Y tế đã nhận định, đánh giá tình hình dịch tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp nên lập tức có những hành động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, nên đòi hỏi khả năng ứng phó phải khẩn trương hơn nữa”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói tại hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị COVID-19 sáng ngày 1/8.

Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành y tế xác định tâm dịch của Đà Nẵng ở cụm 3 bệnh viện là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh Viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng, tuy nhiên phần lớn các ca bệnh đều có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Còn một số trường hợp liên quan đến cộng đồng, hiện đang  tích cực truy vết nhưng chưa tìm được nguồn lây.

“Đà Nẵng trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên việc truy tìm F0 rất khó khăn. Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng. Đồng thời đã yêu cầu các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM... đến tăng cường thêm cho Đà Nẵng. Đặc biệt, Bộ Y tế đã  thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ tại Đà Nẵng phục vụ công tác chống dịch do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng Chỉ huy để kịp thời xử lý mọi tình huống ngay tại chỗ trong công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng”- Quyền Bộ trưởng nói

“Chúng ta nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này”- lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID- 19 (phiên bản mới, lần thứ 4) ; lưu ý các vấn đề điều trị COVID-19 theo phác đồ cập nhật trên tất cả các khía cạnh : điều trị COVID-19, điều trị bệnh nền, điều trị dinh dưỡng, hỗ trợ và điều trị tâm lý, tư vấn hỗ trợ cho bệnh nhân.

“Chúng ta nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, chặn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị (Ảnh: SKĐS)

Tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã cập nhật toàn bộ các nội dung mới, cần lưu ý trong công tác điều trị COVID-19, một số kinh nghiệm đối với điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng, theo báo Tiền phong đưa tin. 

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế triển khai Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn phòng chống COVID-19; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương báo cáo chuyên đề Công tác xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ứng phó dịch COVID-19 ; Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chuyển lời động viên, chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ tới cán bộ, nhân viên y tế trong toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục có điện, gửi lời động viên cho nhân viên y tế toàn ngành. Thủ tướng nói rằng làm thế nào để lần này toàn ngành cùng nhau hành động, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau quyết tâm và cùng nhau chiến thắng.

Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng liên tục gửi lời động viên tới anh em - những chiến sĩ trên tuyến đầu mặt trận chống dịch COVID-19", quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ. 

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức 6 cuộc hội chẩn quốc gia trong 1 tuần qua với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành... trong các lĩnh vực truyền nhiễm, tim mạch, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, thận nhân tạo... Có những cuộc hội chẩn kéo dài từ 4- 5 giờ đồng hồ để kịp thời chia sẻ một cách khoa học, trách nhiệm trong công tác điều trị cho các bệnh nhân.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã huy động khoảng 1.000 người sinh viên trường Y và quân đội phục vụ công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng.

Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020 đã có hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

Quyền Bộ trưởng nhận định thời gian tới tình hình tiếp tục phức tạp nên phải cùng nhau cố gắng. Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam đang được nhận định nằm trong vùng nguy cơ rất cao. Địa phương này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số khu vực, tới đây sẽ có thể phát hiện thêm các ca ở Quảng Nam.

Ngoài ra, Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng là những tỉnh có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19.

Đối với các địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng như Quảng Nam, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn.

Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở thực hiện: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót những người có liên quan đến COVID-19 tại Đà Nẵng.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu