12:11 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phó Cục trưởng Cục QLTT: Nếu Khaisilk sai phạm nghiêm trọng, phải khởi tố điều tra

07:18 27/10/2017

(THPL) – Dư luận ồn ào, phẫn nộ khi ông Hoàng Khải thừa nhận Tập đoàn Khaisilk bán hàng lụa nhập từ Trung Quốc hàng chục năm nay. Việc ngang nhiên giả nhãn mác hàng Việt để phản bội niềm tin người tiêu dùng đã gây nên cuộc khủng hoảng của một thương hiệu Việt.

Ông Hoàng Khải thừa nhận: "Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa" hay "lẽ ra tại cửa hàng phải có "Khaisilk made in Việt Nam" và "Khaisilk made in Trung Quốc" chứ không thể "đánh lận con đen"".

"Không thể đánh lận con đen" khi mà Khaisilk được coi là một thương hiệu lớn trên thị trường lụa Việt. Cái cúi đầu của ông chủ Khaisilk đã không xoa dịu được người tiêu dùng khi mà không chỉ quyền lợi của họ bị tổn hại mà quan trọng là niềm tin của họ bị tổn thương.

Trả lời trên báo chí, ông chủ Khaisilk cũng khẳng định sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu như khách hàng mong muốn đổi trả. Doanh nghiệp này sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

Chiếc khăn của Khaisilk có 2 nhãn xuất xứ. Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với hơn 20 năm bán hàng Trung Quốc nhưng không ghi rõ xuất xứ, bao nhiêu chiếc khăn lụa Trung Quốc đã được Khaisilk bán ra và bao nhiêu khách hàng bị nhầm lẫn một cách đáng tiếc. Doanh nghiệp bồi thường một cách nghiêm túc là như thế nào? Quan trọng hơn, câu hỏi về tính pháp lý và quyền lợi của người tiêu dùng trong câu chuyện này ra sao.

Trả lời trên báo Tiền phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Trần Hùng cho biết, việc Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về làm nhãn mác “Made in Vietnam” là giả xuất xứ nguồn gốc. Việc này vi phạm Nghị định 185 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều quan trọng nhất, theo ông Hùng, qua vụ việc này, niềm tin của người tiêu dùng về một biểu tượng thương hiệu quốc gia đã mất đi. “Bao năm ông Khải đã xây dựng hình ảnh Khaisilk, như một biểu tượng thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng thế giới. Nói đến lụa tơ tằm là Khaisilk, được bán trong các khách sạn 5 sao, làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia cũng hầu như dùng Khaisilk. Với thực trạng thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng biết tin vào đâu?”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương vào cuộc làm rõ. Nếu đúng sai phạm nghiêm trọng thì phải khởi tố điều tra. “Việc gian lận thương mại, chênh lệch giá, lợi nhuận quá lớn. Đã kinh doanh bao năm khi có uy tín, chuyển sang các lĩnh vực khác thì liệu có gian dối gì nữa không. Tôi rất buồn khi thương hiệu Khaisilk tự xoá bỏ sau bao năm gây dựng”, ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Phan Anh, chuyên gia Marketing cho biết trên VTV: “Trên các thương hiệu của Khaisilk thường có chữ “Handmade” có thể được xem xét là lỗi lừa dối người tiêu dùng. Bởi thông qua các sản phẩm nhập từ Trung Quốc về, trong trường hợp này có thể được suy đoán là các sản phẩm công nghiệp, tức là họ được dệt may, làm từ các nhà máy sản xuất với quy mô lớn”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết trên VTV: “Người tiêu dùng người ta muốn mua hàng Việt Nam nhưng vì thông tin không chính xác, người ta đã mua nhầm phải hàng Trung Quốc. Từ việc ghi như vậy, nó đánh vào 2 quyền xâm phạm của người tiêu dùng: Quyền thông tin chính xác và quyền được lựa chọn”.

Trong khi đó, ThS Từ Thanh Thảo, ĐH Luật TP.HCM, nhận định trên báo Pháp luật Việt Nam: “Nếu một doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về rồi cắt nhãn mác, gắn nhãn hàng trong nước và ghi xuất xứ Việt Nam nhằm mục đích cạnh tranh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Tại khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp nêu rõ: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa… để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh” thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Khoản tiền phạt có thể tăng gấp hai lần nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, TP trực thuộc trung ương trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các giao dịch mua bán hàng hóa giả mạo nêu trên của doanh nghiệp với khách hàng là giao dịch có tính chất lừa dối. Do vậy khách hàng có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 127, Điều 131 BLDS 2015”.

Cửa hàng Khaisilk tại Hàng Gai bị liên ngành vào kiểm tra. Ảnh: Báo Tiền Phong

Trước những câu hỏi về tính pháp lý của những sản phẩm bị cho "là đánh lận con đen", không rõ xuất xứ từ thương hiệu Khaisilk, ngay trong ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo, yêu cầu Cục quản lý thị trường phố hợp với Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, các đơn vị phải đề nghị ngay hướng xử lý kịp thời báo cáo Bộ trước ngày 28/10.

Ngay trong chiều 26/10, Đội Quản lý thị trường số 14, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk ở số 113 phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Anh Thư (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu