12:15 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phát triển thương hiệu: Đại gia khởi nghiệp như thế nào?

15:49 12/03/2024

(THPL) - Không mấy đại gia kể mình nhờ chịu học nên có tư duy, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch ngay từ đầu. Không đại gia nào khoe từ lúc mới khởi nghiệp đã dùng các công cụ phân tích thị trường, phân tích cạnh tranh, định vị thương hiệu, chiến lược marketing...

Nhiều đại gia thành đạt lên báo, lên đài, đến các diễn đàn, hội thảo lớn chia sẻ về con đường thành công. Hầu hết con đường khởi nghiệp của họ đều na ná giống nhau - bắt đầu từ hai bàn tay trắng, phải bỏ học (hoặc bỏ làm thuê) sớm; phải thức khuya, dậy sớm, "cày cuốc" vất vả; rồi thì, một mình phải đóng nhiều vai – là chủ, là thợ, là bốc xếp, là thư ký, là bán hàng, là giao nhận, là kế toán…

Rồi thì kinh doanh thua lỗ, cụt vốn, nợ nần. Có cái xe máy (hay xe đạp, hay con heo của mẹ) cuối cùng cũng phải bán đi. Rồi cảnh phá sản lần 1, lần 2, lần 3…. Rồi cảnh sống bụi, sống bờ, khất nợ… Rồi cảnh tiếp tục vay mượn để làm lại. Rồi thất bại, rồi làm lại, rồi thất bại, rồi làm lại…. Cuối cùng, nhờ sự kiên trì, quyết tâm, sự “lì đòn”, sự liều lĩnh, bất chấp…, dần dần con đường khởi nghiệp cũng sáng sủa, rồi thành công, và trở thành đại gia...

Hầu hết con đường khởi nghiệp của đại gia đều na ná giống nhau

Những câu chuyện cứ thế na ná nhau (vì thực sự đó đúng là câu chuyện thật về cuộc đời của họ, không phải thêu dệt). Và tấm gương đại gia cũng giông giống nhau – chịu cực, chịu cày, quyết tâm, kiên định, lì đòn, dám liều mạng… Về sau thì có thêm vài yếu tố khác, như biết chớp thời cơ, biết “ngửi thấy mùi tiền”....

Không mấy đại gia kể mình nhờ chịu học nên có tư duy, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch ngay từ đầu. Không đại gia nào khoe từ lúc mới khởi nghiệp đã dùng các công cụ phân tích thị trường, phân tích cạnh tranh, định vị thương hiệu, chiến lược marketing... (cũng đúng thôi, vì thời trước, có mấy người nghĩ đến những thứ này; chỉ gần đây, mới có một số người chú ý và kể lại theo cách khác).

Thế là những người được nghe các đại gia chia sẻ lập tức cũng học theo tấm gương thành công của các vị ấy – cũng chịu cực, chịu cày, cũng kiên trì, quyết tâm, liều lĩnh, chấp nhận thất bại; cũng sẵn sàng bán chiếc xe đạp (hay con heo) cuối cùng; cũng sẵn sàng chấp nhận ra đường nếu nhà bị xiết nợ…

Không thấy ai nói mình quyết không chấp nhận thất bại. Không thấy ai nói mình không chấp nhận ra đường, không chấp nhận thua lỗ. Không thấy ai nói: “Ta phải thành công ngay từ phi vụ này, ngay từ kế hoạch này, ngay từ lần tung hàng này!”. Càng không thấy ai nói ta phải chuẩn bị thật kỹ, phải lập chiến lược, kế hoạch thật kỹ, phải làm thương hiệu thật kỹ trước khi tung sản phẩm…

Và kết quả là ai cũng thất bại nhiều lần như các đại gia. Và hệ quả là ai cũng thua lỗ, nợ nần, phá sản, lẩn tránh bạn bè, người thân… Số ít khác thì chưa đến nỗi phá sản, nhưng sống lay lắt, ngày đêm hóng chờ kết cục được cất cánh như những đại gia từng chia sẻ cho mình nghe! Chờ hoài chẳng thấy đâu, nên quay lại con đường đi làm thuê!

Oái oăm là hàng vạn người cũng làm y như các đại gia đó, nhưng thất bại, phá sản thì không có ai được mời lên tivi, báo chí, diễn đàn để kể cho mọi người nghe con đường thất bại; chỉ vài đại gia thành công được mời lên báo, đài, các hội thảo, diễn đàn để chia sẻ về con đường thành công! Cho nên tấm gương thành công của các vị ấy thì lan tỏa rộng khắp, còn bài học thất bại của hàng vạn, hàng triệu người khác (cũng chịu cực, chịu cày và "lì đòn" không kém) thì không ai được nghe để mà rút ra bài học!

Tư duy khác biệt là đừng nói: “Thất bại là mẹ thành công!”, đừng nói "Tôi chấp nhận thất bại và sẽ đứng lên từ thất bại!”. Ảnh minh họa

Vì vậy khởi nghiệp không nên dễ dãi với thất bại, không nên mặc định mình sẽ thất bại nhiều lần. Chấp nhận rủi ro không phải là mặc định khởi nghiệp là sẽ thua lỗ, sẽ đứng đường, sẽ bán chiếc xe đạp cuối cùng. Học theo không có nghĩa là nghĩ rằng đại gia nào đó từng "cày cuốc" và thất bại nhiều lần để thành công, thì mình cũng bắt chước "cày cuốc" y như ổng và cứ thất bại nhiều lần, ắt sẽ thành công! Không đâu! Thời thế đã khác, môi trường kinh doanh đã khác, tố chất của bạn và các đại gia cũng khác!

Tư duy khác biệt là phải từ bỏ lối tư duy theo lối mòn để tư duy ra ngoài chiếc hộp (Think outside the box). Tư duy khác biệt có nghĩa là phải nghĩ khác người khác, không bị áp đặt bởi tư tưởng (mindset), thói quen (habit), mô thức (paradigm) của người khác, kể cả người đã thành công. Khi tư duy khác biệt sẽ dẫn đến hành động khác biệt (think differently, act differently)!

Tư duy khác biệt là đừng nói: “Thất bại là mẹ thành công!”, đừng nói "Tôi chấp nhận thất bại và sẽ đứng lên từ thất bại!”!

Tư duy khác biệt là hãy nghĩ: “Thất bại là kẻ thù của thành công, không phải mẹ!", "Tôi không mặc định hai chữ thất bại trong đầu!", "Tôi không muốn bán con heo cuối cùng của mẹ!"

Tư duy khác biệt là hãy luôn nói: "Tôi phải thành công" ngay từ lần ra quân đầu tiên!", "Tôi phải chiến thắng trận này!" (cho dù có thể thất bại)!

NGUYỄN HỮU LONG

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu