05:08 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phạm Văn Bệ - Nghệ nhân phục dựng nhà cổ tài hoa vùng đất Ninh Bình

08:38 22/03/2021

(THPL) – Với tình yêu nghề tha thiết, mong muốn phát huy nghề mộc truyền thống của cha ông, nghệ nhân Phạm Văn Bệ đã tìm tòi hướng đi mới đó là phục dựng những ngôi nhà cổ, đồng thời xây dựng những công trình theo lối nhà cổ.

Nghệ nhân Phạm Văn Bệ sinh năm 1948, ở làng Phúc Lộc, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, ngôi làng cổ Bắc Bộ vốn nổi tiếng với nghề mộc có lịch sử từ thời Đinh - Lê. Bởi thế, tiếng cưa, tiếng đục ngấm vào tâm trí ông Bệ ngay từ thưở ấu thơ và các dụng cụ nghề mộc: đục, bào, chạm... được ông Bệ xem như những người bạn thân thiết, khi một buổi đi học còn một buổi phụ bố sản xuất đồ mộc.

Nghệ nhân Phạm Văn Bệ đang chạm hoa văn cột gỗ nhà cổ. 

Cha truyền con nối, sau những tháng năm miệt mài làm nghề, tích lũy kinh nghiệm, năm 2007, ông Bệ thành lập doanh nghiệp tư nhân Phúc Lưu. Giống như các cơ sở trong làng, doanh nghiệp Phúc Lưu cũng sản xuất những sản phẩm đồ gỗ truyền thống của làng Phúc Lộc, đó là đồ gỗ gia dụng và đồ gỗ phục vụ thờ tự. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, có thời điểm, làng nghề Phúc Lộc nói chung, trong đó có doanh nghiệp Phúc Lưu gặp nhiều khó khăn.

Yêu cầu phải cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng đặt ra cấp thiết  hơn bao giờ hết, vì vậy, ông Bệ cùng 3 người con trai của ông ra sức tìm tòi, nghiên cứu thị trường. Trên bước đường đó, ông Bệ đã tìm ra được một “thị trường ngách” vốn nhu cầu thì nhiều nhưng người làm thì rất ít. Đó là phục hồi các ngôi nhà cổ và dựng nhà dáng cổ.

Công trình nhà cổ rất cầu kỳ, phức tạp. 

Phục hồi nhà cổ không đơn giản như làm các sản phẩm đồ gỗ gia dụng như bàn, ghế, tủ.... Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, nhiều công đoạn phức tạp. Ngoài đôi tay khéo léo, tinh thông nghề mộc, việc phục dựng nhà cổ đòi hỏi nghệ nhân phải am hiểu văn hóa vùng miền mới có thể phục dựng những ngôi nhà cổ nguyên trạng mà không làm mất đi chiều sâu văn hóa ẩn chứa trong mỗi công trình.

Nhiều công trình nhà cổ đã được ông phục dựng thành công, tiếng lành đồn xa, khách từ nhiều địa phương trên cả nước như: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa... đã tìm đến xưởng của ông để đặt làm nhà theo lối cổ. Đó là những công trình thật cầu kỳ, chi phí sản xuất lớn, người thợ cần dồn cả tâm huyết mới có thể hoàn thành đạt yêu cầu.

Nhà dáng cổ được xây dựng bởi những người thợ làng Phúc Lộc 

Để xây dựng nên ngôi nhà cổ đạt yêu cầu, nghệ nhân Phạm Văn Bệ phải kiểm soát kỹ lưỡng từ khâu chọn gỗ, đó là loại gỗ quý, chất lượng cao như gụ, hương, cẩm, trắc.... Đồng thời, ông phải kết hợp với các nghệ nhân chạm khắc gỗ trong làng, các nghệ nhân điêu khắc đá nổi tiếng ở vùng đất Kim Sơn, Ninh Vân..., từ đó cho ra đời công trình nhà dáng cổ tuyệt đẹp.

Thương hiệu Nhà cổ Phúc Lưu giờ đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình ông Bệ mà còn là niềm tự hào đối với làng nghề Phúc Lộc. Bởi lẽ, sự thành công này khẳng định tấm lòng trân quý nghề truyền thống của cha ông và sự sáng tạo của các thế hệ con cháu, những người thợ của làng Phúc Lộc khi đã vượt lên được những thử thách thời cuộc, giữ gìn và phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa của các thế hệ đi trước.

Ngôi nhà cổ giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa kiến trúc của Việt Nam do nghệ nhân Phạm Văn Bệ và những người thợ thực hiện

Ông Bệ cho biết, tính đến nay, cơ sở của ông đã phục dựng và làm mới hàng trăm ngôi nhà cổ, nhà dáng cổ. Cơ sở Phúc Lưu cũng tạo dựng nghề cho hàng chục lao động trong làng với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Điều đáng quý hơn nữa đó là nghệ nhân Phạm Văn Bệ đã đào tạo được nhiều thanh niên làng trở thành những người thợ khéo léo, tâm huyết với nghề, trong đó có 3 người con trai ông.

Hiện nay doanh nghiệp Phúc Lưu đã tạo dựng được 3 cơ sở mộc với tổng diện tích 2.500m2, đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, năm 2015, ông Phạm Văn Bệ vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, phần thưởng cao quý đối với người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương.

Minh Khuê

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu