11:35 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những điều bất hợp lý ở Rạp chiếu phim Quốc gia

09:49 10/11/2017

(THPL) - Ngoài doanh thu từ bán vé cộng với việc độc quyền kinh doanh đồ ăn, nước uống... rạp chiếu phim Quốc gia đã thu về khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều so với 01 suất chiếu. Thế nhưng, chất lượng phục vụ các "thượng đế" ở đây lại tỷ lệ nghịch với số tiền người xem phim bỏ ra.

Siêu lợi nhuận từ dịch vụ bán bỏng ngô, nước uống

rap1
Hai phiếu mua hàng tại Rạp chiếu phim Quốc gia

Hiện nay, hầu hết các rạp chiếu phim đều có ít nhất một quầy phục vụ một số loại đồ ăn nhanh như xúc xích, bắp rang bơ và nước ngọt. Tuy nhiên, giá các loại thực phẩm tại đây cao hơn rất nhiều so với bên ngoài. Trung bình với 2 người đi xem phim sẽ phải chi thêm một khoản dao động từ 70.000 đến 100.000 ngàn đồng cho 2 cốc nước ngọt và 1 gói bỏng ngô. Trong khi nếu mua ở bên ngoài, giá có thể chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn. Như vậy, chi phí cho mỗi phần bắp và nước gần bằng với giá một chiếc vé xem phim.

rap2
Quầy bán đồ ăn uống đặt ngay tại sảnh tầng 1

Đây cũng là lý do các rạp chiếu đều cấm người xem mang đồ ăn bên ngoài vào phòng chiếu, nhưng lại đồng ý cho một số đơn vị bán bỏng ngô, snack, nước ngọt, đồ ăn nhanh... bên ngoài vào kinh doanh để khách hàng mang vào phòng chiếu. Điều này khiến thực phẩm ở rạp chiếu phim như một thị trường độc quyền, nơi chỉ có duy nhất một người bán. Khách hàng chỉ có thể lựa chọn mua với giá cao hoặc ngồi xem phim mà không ăn uống gì. Việc kinh doanh thực phẩm trong rạp chiếu phim, mang lại cho các rạp chiếu nguồn lợi nhuận không hề nhỏ.

Ngoài việc các "thượng đế" đến Rạp Chiếu phim Quốc gia phải chấp nhận mua đồ ăn với giá cao thì những “thượng đế” này còn nhận thêm sự bực mình bởi chất  lượng dịch vụ tại đây.

Chất lượng dịch vụ khiến các “thượng đế”... "một đi không trở lại"

“Hôm nay sẽ là ngày cuối cùng mình đến trung tâm xem phim. Đến gửi xe, trả tiền gửi xe đầy đủ nhưng mà thái độ của nhân viên quá kém. Sau khi xem xong ra phát hiện xe mình bị đổ (đã được dựng lên), gương thì cong vẹo bây giờ chỉnh không được nữa, tay phanh trái thì gãy 1/2. Ra ý kiến với nhân viên thì không nhận được 1 câu nói tử tế, chỉ buông đúng 1 câu không biết. Quá vô trách nhiệm, chưa bao giờ đánh giá cao nhân viên trông xe ở đây, nhưng đến hôm nay thì thất vọng không còn gì để diễn tả”.

rap3
Chiếc xe của chị T. bị đổ và gãy 1/2 tay phanh sau khi gửi vào bãi xe của Rạp chiếu phim Quốc gia

“Nếu có mức đánh giá thang điểm 10 chắc mình cho điểm 0 rồi. Thật sự là quá thất vọng về cách sắp xếp lịch phim. Nếu cảm tưởng không có doanh số thì ngừng chiếu phim đi hoặc là dồn vào một suất chiếu đi. Đằng này khi người ta đặt vé rồi. Ngồi chờ tới gần 3 tiếng đồng hồ. Vào tới cửa phòng chiếu được nhân viên nói một câu. Anh chị ơi phim này bên em không chiếu anh chị vui lòng chuyển sang phim khác cho em nhé. Thật sự quá thất vọng về sự sắp lịch chiếu phim và cách phục vụ như vậy.”

“Ngắn gọn, nhân viên bảo vệ nhặt được thẻ gửi xe của khách nhưng mồm vẫn bảo là không. Mặc dù mình làm rơi thẻ gửi xe quên chưa kịp nhặt, đi được 1 đoạn mới nhớ ra, quay lại thì không còn (chỗ để xe của mình ngay sát lối ra vào). Mình nghĩ 80 nghìn đồng không quá lớn nhưng mình hy vọng rạp sẽ mở 1 lớp đào tạo về nhân cách và cách cư xử trung thực cho các anh bảo vệ trông xe để tránh các trường hợp làm tiền khách như thế này”. Đây là nhừng dòng chia sẻ của một vài “thượng đế” khi gặp phải những sự cố và cách hành xử của nhân viên Rạp chiếu phim Quốc gia.

Chị T. chủ nhân của chiếc xe bị đổ và gãy ½ tay phanh khi để trong bãi gửi xe của Rạp chiếu phim Quốc Gia chia sẻ: “Gửi xe ở đâu cũng thu phí thôi, nhưng ở nơi khác nhân viên họ vui vẻ đón tiếp và hướng dẫn còn ở đây nhân viên thì khó chịu và rất vô trách nhiệm. Tôi đã phản ánh lên trang fanpage của Rạp chiếu phim Quốc gia và mấy tuần sau mới nhận được phản hồi trên bài viết chứ không hề gọi điện thoại hay gì. Nói chung càng ngày càng tệ.”

Để kiểm chứng những lời nhận xét này PV Thương hiệu và Pháp luật đã tìm đến Rạp chiếu Phim Quốc gia và trải nghiệm những dịch vụ tại đây. Đúng như những bức xúc của “thượng đế” đã chia sẻ, thái độ phục vụ của những nhân viên thật sự có vấn đề. Bên cạnh đó điều khiến PV suy nghĩ nhất đó là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), phòng cháy chữa cháy (PCCC). Vì sao lại phải suy nghĩ những vấn đề đó? Bởi vì chính mắt PV chứng kiến việc nhân viên đổ tương ớt từ các can to, không rõ tem nhãn (loại can 5 lít) vào các chai nhỏ sau đó chuyển đến khu vực bán hàng, hay việc nhân viên không đeo bao tay khi chuyển đồ ăn cho khách…

rap5
Nhân viên của rạp chiếu phim đang sang chiết tương ớt từ can 5 lít sang các chai nhỏ

Về vấn đề PCCC, theo như quan sát của PV từ tầng 1 đến tầng 3 đều bố trí các bình PCCC cầm tay. Nhưng hầu hết các bình này đều han rỉ và không hề có tem, phiếu kiểm định. Khi quan sát kỹ thì trên thân các bình PCCC cầm tay này đều dán 01 phiếu bảo hành do Công ty TNHH thiết bị PCCC Hà Nội cấp từ ngày 29/4/2016. Câu hỏi được đặt ra nếu như có sự cố cháy nổ xảy ra thì những bình PCCC có con tác dụng?

Để rộng đường dư luận sáng 7/11/ 2017 PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ với ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Rạp chiếu phim Quốc gia nhưng không nhận được sự phản hồi. Chiều cùng ngày, PV nhận được điện thoại của ông Nguyễn Phúc Diên – Phó Giám đốc Rạp chiếu phim Quốc gia. Sau khi trình bày về nội dung muốn phỏng vấn thì ông Diên trả lời ngay: “Ngày hôm kia tôi mới tiếp một phóng viên của tờ phapluatnet với nội dung cũng như thế này...”.

rap4
Các bình phòng cháy chữa cháy đặt được đặt tại Rạp chiếu phim Quốc gia

Khi PV đã giải thích và đưa ra những câu hỏi liên quan thì ông Diên cho biết chỉ làm theo lệnh của cấp trên và sẽ báo cáo với ông Dương những nội dung mà PV đã hỏi và vị Phó giám đốc này cũng cho biết thêm, hiện nay ông Dương đang đi công tác và chuẩn bị cho liên hoan phim nên nếu có làm việc thì cũng phải sang tháng 12 khi liên hoan phim kết thúc. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu