18:10 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người uống bia sẽ "gánh" thêm hơn 2.000 tỷ đồng/năm vì dán tem?

| 15:37 27/09/2017

(THPL) - Mỗi chai (lon) bia bán trên thị trường có thể tăng giá xấp xỉ 200 đồng vì dán tem theo đề án "Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia" đang được Bộ Công Thương xây dựng.

Bộ Công Thương cho biết hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở, sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu...Điều đó khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000- 3.000 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Công thương cũng tính toán việc dán tem bia giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp tiết giảm được các thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.

Với đề án này, tem bia sẽ được dán ở tất cả các sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa vào lưu thông trên thị trường.

Việc dán tem bia sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chưa kể các loại thuế phí sẽ tăng... đẩy giá bia tăng lên. (Ảnh minh họa)

Theo đó, giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, in phun trực tiếp là 145,44 đồng, đồng nghĩa mỗi chai (lon) bia sẽ tăng giá tương ứng. Đơn giá này được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số lạm phát tăng của ngành công nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán cho nhà cung cấp tem bia và được tính là chi phí sản xuất.

Bộ Công Thương ước tính, việc dán tem bia giúp cho ngân sách tăng thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, bù đắp phần nào số tiền thất thu do chênh lệch khai báo sản lượng nộp thuế và thực tế 7-10% mỗi năm. Còn doanh nghiệp, dán tem bia sẽ tiết giảm được chi phí thay đổi mẫu mã, tem nhãn... để chống hàng giả.

"Việc dán tem cũng giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí về thay đổi mẫu mã để tránh bị làm giả vì chi phí bao bì trong sản phẩm bia là khá lớn. Cụ thể, như bia lon từ 52-53% giá vốn, bia chai khoảng 40%”, Bộ Công Thương cho hay.

Ngoài ra, với việc Nhà nước sẽ thoái vốn tại Sabeco, Habeco, khi đó các doanh nghiệp sản xuất bia là tư nhân và FDI cũng khiến cơ quan quản lý lo sẽ khó "quản" thị trường này. "Nếu để tình trạng không kiểm soát được quy mô, sản lượng sản xuất… sẽ dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước với ngành bia, cũng như kiểm soát nguồn thu ngân sách từ thuế", Bộ Công Thương nêu.

Tuy nhiên, Đại diện Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết đề xuất dán tem lên các sản phẩm bia từng được đưa ra cách đây 3 năm nhưng vấp phải sự phản đối từ phía doanh nghiệp do lo ngại phát sinh thêm chi phí, giảm lợi nhuận và buộc phải tăng giá bán ra thị trường.

"Thực tế cho thấy việc nâng cao quản lý Nhà nước đưa ra chủ yếu vẫn là giải pháp dán tem bia. Trong khi nâng cao năng lực quản lý Nhà nước có nhiều vấn đề chứ không phải dán tem", VBA nêu quan điểm.

Mặt khác việc thực hiện dán tem bia sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chưa kể các loại thuế phí sẽ tăng trong thời gian tới. Như vậy chắc chắn khiến giá bia sẽ tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm, đóng góp cho ngân sách cũng bị ảnh hưởng …

VBA ước tính nếu thực hiện việc dán tem như đề án đưa ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ phải dán hơn 10 tỷ con tem, tốn gần 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí máy móc, bảo dưỡng… 

Trước việc Bộ Công Thương nhận định đề án dán tem bia giúp thu ngân sách 2.000 tỷ đồng, đại diện VBA cho rằng chưa có điều tra chính xác mà Bộ ước tính ngân sách thu về hơn 2.000 tỷ đồng là mâu thuẫn, không thuyết phục.

“Do đó chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ đề án này cần xem xét nó tác động đến hoạt động sản xuất, đóng góp ngân sách…như thế nào phải cân nhắc kĩ chứ không thể đưa ra như thế”, đại diện VBA nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia cũng quan ngại khi các máy dán tem bia có công suất thấp, chỉ khoảng 40.000 sản phẩm/giờ, trong khi các thiết bị hiện tại đang sản xuất với công suất lên tới 120.000 sản phẩm/giờ.

Theo thống kê của ngành Công Thương, năm 2016 sản lượng bia của Việt Nam gần 3,8 tỷ lít, bình quân mỗi người Việt uống 34,3 lít bia trong năm ngoái, đứng thứ 52 thế giới.

Dự kiến sản lượng này sẽ tăng lên mức 4,1 tỷ lít bia/một năm sau 3 năm nữa và cán mốc 4,6 tỷ lít vào năm 2025; 5,6 tỷ lít vào 2035. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới, lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với con số 3,8 tỷ lít năm 2016.

Minh Anh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu