01:06 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Người kế thừa cuối cùng nơi làng nghề làm đàn duy nhất Thủ đô

18:09 30/04/2024

(THPL) - Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội được ghi nhận là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất trên toàn quốc. Vậy nhưng chỉ có làng Đào Xá là làng nghề chuyên làm nhạc cụ dân tộc và các loại đàn duy nhất tại thủ đô, được ví như bảo tàng sống của nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, làng nghề này đang đi tới bờ vực bị “xóa sổ” bởi chỉ còn duy nhất người kế thừa cuối cùng còn đang theo giữ lửa nghề.

Cách trung tâm Hà Nội 50km về hướng nam, tới làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), nghe người dân trong làng chia sẻ về tổ nghề Đào Xuân Lan bằng sự tự hào trong ánh mắt. Được biết cách đây hơn 200 năm, cụ Đào Xuân Lan vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp nhưng vô cùng say mê làm đàn và sửa chữa đàn, chính vì thế cụ đã rong ruổi khắp nơi theo người Hoa nhiều năm để học ra cách làm ra các loại đàn khác nhau.

Sau này cụ về làng truyền lại cho con cháu trong nhà, những người nông dân làm lúa tại làng khi ấy mới dần chuyển sang làm đàn. Nghề làm đàn và nhạc cụ truyền thống tại làng phát triển rực rỡ, tới giữa thế kỳ XIX, những người thợ tài hoa nổi bật tại làng Đào Xá đã đem theo cả họ hàng lên thành Thăng Long để lập ra con phố Hàng Đàn để làm phường nghề, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, nhị đều rất được ưa chuộng. Thậm chí, nhiều thợ giỏi khi ấy còn được tuyển vào kinh thành Huế để làm nhạc cụ.

 Làng Đào Xá là làng nghề chuyên làm nhạc cụ dân tộc và các loại đàn duy nhất tại Hà Nội

Hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, chỉ bằng cái cưa, cái đục , cái đào và gỗ đẹp những cây đàn của làng Đào Xá khi đưa ra thị trường đều không thể nào nhầm lẫn với các thương hiệu đàn công nghiệp nào khác. Với những đặc trưng riêng biệt, khi nhìn, nghe, sờ vào đàn đều có thể cảm nhận rõ. 

Theo quan niệm xưa gỗ tốt nhất để làm ra các loại đàn gỗ trắc, gỗ vông, gỗ mun, gỗ sưa ... để khoảng hai năm cho đủ khô mới sử dụng được. Muốn theo nghề làm đàn, người thợ phải thạo hay ít ra phải biết nghề mộc, bởi một cây đàn đạt chất lượng chỉ khi nó nhìn phải đẹp và nghe nhạc sao hay và rõ.

 Dây làm đàn thì có thể làm bằng tơ hoặc cước, để xác định âm sắc kim, thổ cho cây đàn, người thợ chỉ dựa vào kinh nghiệm gia truyền chứ không có công thức cu thể nào cả.

Sau này, nghề làm đàn dần mai một theo năm háng, cái tên "làng đàn Ðào Xá" đã không còn trên "bản đồ văn hóa" nếu không có nghệ nhân Ðào Văn Soạn. Chính ông, trong những tháng năm khó khăn nhất vẫn kiên nhẫn giữ nghề. Tài hoa, cùng tình yêu với nghề đã giúp ông thành "đệ nhất đàn" ở Hà Nội.

 Cụ Đào Xuân Soạn là nghệ nhân ưu tú duy nhất của làng Đào Xá 

Sự mai một xuất hiện do các loại hình âm nhạc dân tộc đang dần thu hẹp, ít khán giả, thêm nữa thời gian học làm đàn lại quá lâu, lại thêm khó kiếm sống bằng nghè nên thanh niên Đào Xá lựa chọn làm công nhân tại các khu công nghiệp vừa tiết kiệm thời gian lại có thu nhập đều đặn.

Tiếc thay, đầu năm 2022, do đã tuổi cao, cụ Đào Xuân Soạn, nghệ nhân ưu tú duy nhất của làng Đào Xá đã ra đi mang theo nhiều tinh hoa của làng nghề đàn dân tộc.

Hiện nay, con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn là anh Đào Anh Tuấn nối nghiệp cha làm đàn, và anh Phùng Anh Trung là con rể cụ Soạn cũng làm nghề, cả hai tiếp nối nghề đàn theo mong muốn của cụ Soạn.

“Tôi mới về nhà nối nghiệp cha được hơn 10 năm nay, trước đây thì tôi làm nghề lái xe. Tôi với bố tôi đều sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đàn nhưng đều không làm đàn từ hồi trẻ. Trước đây, khi ông nội tôi già yếu muốn bố tôi nối nghiệp nên bố nghe lời ông nội, rồi dần dần bố tôi yêu luôn nghề làm đàn đến khi về với tổ tiên. Tôi cũng vì mong mỏi của bố mà về làm đàn tới nay, tôi cũng mong muốn được gắn bó với nghề tới cuối đời”.

Anh Đào Anh Tuấn, nghệ nhân làm đàn hiếm hoi tại làng Đào 

Anh Đào Anh Tuấn cho biết, để học nghề làm đàn thành thạo phải mất ít nhất từ 2 năm tới 10 năm bởi đòi hỏi nhiều kỹ thuật, mỹ thuật khắt khe nên ít người theo đuổi. Còn làm giàu chắc chẳng ai theo nghề bởi nhu cầu thị trường ngày càng hạn hẹp, đòi hỏi yêu cầu lại càng cao, có những cây đàn làm cả tháng mới hoàn thành nhưng chỉ vì không đúng ý khách nên chỉ đành làm hàng trưng bày.

Ông Tuấn bộc bạch: “Với người làm mộc thì tay mực, tay thước là quan trọng. Còn người làm đàn thì cái tai còn phải thính để thẩm âm cho chuẩn, cái tay làm sao cho khéo để được cái đẹp. Làm nghề này cũng có cái phiêu của nó, khi phôi thai, đục đẽo, vẽ, chạm khắc tạo hình hài được cái đẹp đã tâm đắc. Khi gắn dây đánh thử thì còn điều gì vui sướng bằng”.

Được biết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trao cho ông bằng ghi nhận những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam; cơ sở sản xuất đàn của dòng họ Đào cũng được chứng nhận là cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội; bộ đàn nguyệt, bầu, đáy, thập lục do ông Soạn thiết kế đã đạt giải khuyến khích cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội.

Cụ Soạn đã tặng lại nhà văn hóa thôn 11 cây đàn truyền thống để trưng bày ở nhà văn hóa thôn Đào Xá

Trước khi mất, cụ Soạn đã tặng lại nhà văn hóa thôn 11 cây đàn truyền thống  để trưng bày ở nhà văn hóa thôn coi đây là món quà quý giá để trưng bày, lưu giữ phần nào “chứng tích” làng nghề để thế hệ trẻ biết về nghề làm đàn nức tiếng quê hương một thời.  

Câu hỏi làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống cũng như giữ gìn và phát triển được những nét đẹp của văn hóa dân tộc là một vấn đề lớn được đặt ra.

Thành phố Hà Nội đã tính đến phương án đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề để nâng cao vị thế của các sản phẩm. Tuy nhiên, đối với những người làm nghề hiện nay tại Đào Xá thì mong muốn lớn nhất là làm thế nào để có đầu ra cho sản phẩm, ổn định cuộc sống cho những người làm nghề. Có lẽ đó mới chính là chiếc chìa khóa giúp gìn giữ làng nghề làm đàn Đào Xá.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu