14:58 ngày 06/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại: Người chép lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ bằng ảnh

17:11 24/04/2024

(THPL) - 9h sáng ngày 3/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - 36 Lý Thường Kiệt, sẽ khai mạc triển lãm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, nguyên là phóng viên chiến trường báo Quân đội nhân dân. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại được coi là "người chép lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ Bằng bằng ảnh". Bộ ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ, kho tư liệu vô giá, đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Buổi triển lãm do gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại tổ chức, sẽ có nhiều bức ảnh quý lần đầu được công bố. 

Nói về nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại và những bức ảnh của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét:" Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại...".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, người ghi lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ bằng ảnh. 

Năm 1953, sau đợt chỉnh quân chính trị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận nhiệm vụ quan trọng này, ông đã khẩn trương lên đường, cuộc chiến đấu của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trên chiến trường Điện Biên Phủ diễn ra đầy sôi động và nóng bỏng.

Cận cảnh đồi Him Lam, một trong những bức ảnh chiến đấu tại trận rất thực, rất xuất sắc của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 

Toàn bộ hình ảnh về công tác chuẩn bị chiến trường ở mặt trận Điện Biên Phủ được ông ghi chụp tường tận, sống động như: Mở đường thắng lợi, Công binh làm hầm pháo, Văn công mặt trận, Bộ đội kéo pháo…

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ông đã chụp được khẩu lựu pháo của ta trong hầm khai hỏa phát súng đầu tiên, mở màn chiến dịch. Ông được biên chế vào thê đội một (đơn vị chủ công luôn đi đầu các trận chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ).

Toàn cảnh chiến thắng Him Lam. Đây lại là một bức ảnh hiếm thấy trong chiến tranh ở nước ta và các nước trên thế giới vào những năm 50 của thế kỷ trước.

Một vị tướng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã viết thư tay gửi các đơn vị chiến đấu với nội dung: “Giới thiệu đồng chí Triệu Đại đi với thê đội một để chụp ảnh chiến dịch, các đơn vị cần bảo vệ đồng chí Triệu Đại an toàn lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Và Triệu Đại đã theo các mũi xung kích mặt trận lao vào chiến trường ghi chụp toàn bộ hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Những hình ảnh cảm động, chân thực của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được ông ghi lại rất tỉ mỉ, chân thực 

Những hình ảnh cảm động, chân thực của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được ông ghi lại rất tỉ mỉ, không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc lịch sử nào từ lúc mở đường cho chiến dịch đến lúc liên hoan mừng chiến thắng. Hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Triệu Đại là biên niên sử bằng ảnh vô giá đối với lịch sử dân tộc và cho các thế hệ mai sau.

Từ bức ảnh đầu tiên ông chụp ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng bộ đội ta phất cao trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng - lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ - Cát chiều hè lịch sử ngày 7/ 5/1954 đầy kiêu hãnh, tự hào, là một cuộc hành trình đầy khó khăn gian khổ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trên chiến trường, cũng là sự hy sinh vô bờ bến của biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong cuộc chiến bi hùng này.

Bức ảnh có sức lay động, truyền cảm mãnh liệt, trở thành biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ "vang dội năm châu, chấn động địa cầu". 

Tướng De Castries và các chỉ huy tập đoàn cứ điểm khi bị bắt. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh) chia sẻ: "Chúng tôi, dưới góc độ nhiếp ảnh, xin nói đến ý tưởng sáng tạo, tính tài liệu, tính lịch sử và niềm kiêu hãnh của những người lính giương cao cờ Quyết Chiến Quyết Thắng trong các bức ảnh của Triệu Đại ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Khi chúng ta sắp xếp những bức ảnh ấy kề bên nhau, sẽ thấy toát lên những những ý tưởng thú vị. Ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng ấy có sứ mệnh gì, có sức mạnh gì trong cuộc thi đua giết giặc lập công? Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại không ngại hy sinh, luôn luôn theo sát để chụp được ngọn cờ vinh quang đó mỗi khi nó xuất hiện. Từ bức ảnh đầu tiên: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trao ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng cho Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi ra trận, đến bức ảnh quân ta phất cờ trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng quân ta phất cờ trên nóc hầm De Casteris .

Ảnh toàn cảnh chiến thắng Him Lam được chụp trực tiếp, nối ghép bằng hai phim quét ngang. Máy ảnh năm đó còn thô sơ, không thể chụp toàn cảnh (panorama), bằng một lần bấm máy. Bấm máy 2 lần thu được toàn cảnh khu vực trận địa, ghép không lệch... đấy là sự sáng tạo của nhà nhiếp ảnh tài ba rất giỏi về kỹ thuật, nhưng lại may mắn chớp được khoảnh khắc có một không hai.

Bức ảnh Trung đội trưởng La Văn Thinh (đơn vị xung kích của Trung đoàn Thủ đô) kiêu hãnh phất cao lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc hầm tướng Đờ -Cát trở thành biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ "vang dội năm châu chấn động địa cầu"

Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta được tận mắt nhìn rõ một không gian rộng của trận địa và núi đồi san sát kéo dài, có cả các chiến sĩ phất cờ, các chiến sĩ vận động trong chiến hào, và xác lính Pháp nằm bên sườn lô cốt ẩn hiện dưới nhiều đám khói nghi ngút. Đây là một bản trường ca bi tráng về chiến tranh, bất cứ người xem ảnh nào cũng phải lặng mình đi, hoặc rung lên xúc cảm bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Đây lại là một bức ảnh hiếm thấy trong chiến tranh ở nước ta và các nước trên thế giới vào những năm 50 của thế kỷ trước.

Bức ảnh tiếp theo được đăng trên Báo Hình Ảnh Việt Nam số 02, tháng 12/1954. Ảnh cho thấy khu vực cầu Mường Thanh còn ngổn ngang dù trắng của phía quân đội Pháp phủ dưới chân cầu. Bộ đội ta đang cấp tập từ chân cầu lên mặt đường, vượt cầu để đánh vào trung tâm.

Khu vực cầu Mường Thanh ngổn ngang dù trắng của phía quân đội Pháp

Nhà nhiếp ảnh đã kịp thời ghi lại cảnh tượng này, đúng lúc khi ngọn cờ vừa chớm tới đầu cầu. Bức ảnh này được chụp trước bức ảnh Bộ đội vượt cầu Mường Thanh, nó nằm trong chuỗi ảnh ở khu vưc cầu Mường Thanh của Triệu Đại (Ảnh này cũng in trong báo Hình Ảnh Việt Nam 1954) .

Bức ảnh lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm cùng series ảnh tuyệt vời "có một không hai" về chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem lại cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Có lẽ chúng ta và tác giả hoặc chưa sưu tầm đủ, hoặc chưa cảm nhận hết giá trị lớn lao sự nghiệp nhiếp ảnh chiến tranh của Triệu Đại trong đó có bộ sử thi bằng ảnh phong phú, quý hiếm về Điện Biên Phủ. Thực ra, kho tàng ảnh chống ngoại xâm vô giá của Triệu Đại dư tầm vóc đứng trong Giải thưởng Hồ Chí Minh và ngang vai với bất cứ nhà nhiếp ảnh chiến tranh vĩ đại nào trên thế giới cùng thời với ông. Triệu Đại xứng đáng như vậy. Chúng tôi nghĩ, những người đồng nghiệp chân chính, những người am hiểu về nhiếp ảnh, chắc chắn không ai ghen tị với ông".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920, tại thôn Triều Khúc (xưa gọi là Đơ Thao), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ông học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo ở Hà Nội. Ông thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh Cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội.

Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về Đô thị Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây. Ông mở hiệu ảnh "Triệu Đại ảnh quán" và đây cũng là Trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin và ông là Bí thư Đảng bộ đầu tiên ở Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ.

Năm 1947, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhận công tác phóng viên mặt trận. Và ông là phóng viên mặt trận tại Chiến dịch Biên Giới 1950. Ông đã chụp nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử chân thực về Chiến dịch Biên Giới;  các trận đánh Đông Khê, Thất Khê, ảnh hai viên chỉ huy quân Pháp là Lơ-pa và Xác-tông...

Ông được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì về công tác nhiếp ảnh tại mặt trận Biên giới này. Ông tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952...

Biên niên sử chiến thắng Điện Biên Phủ bằng ảnh đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Thảo Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu