09:23 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người gìn giữ tinh hoa làng nghề xứ Đoài với nhà gỗ kiến trúc cổ

| 16:39 09/07/2017

(THPL) - Kế thừa và phát huy những tinh hoa của các nghệ nhân sinh sống lâu đời ở làng nghề mộc Chàng Sơn, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm đã tận tâm và nhiệt huyết gìn giữ nghề tổ mà cha ông để lại.

Nhắc đến những đô thị trung tâm, người ta thường liên tưởng đến “đất chật, người đông” và những toà nhà cao tầng hiện đại với những vật liệu công nghiệp mới. Những ngôi làng cổ xưa bị “nuốt” dần bởi đô thị hoá, và đâu đó, hồn xưa làng cổ chỉ còn lại trong ký ức.

Nhưng vẫn có những người mang trong mình tâm nguyện được tìm về những giá trị trong lịch sử kiến trúc – văn hoá của dân tộc. Hành trình “thổi hồn” cho những công trình kiến trúc đậm chất Việt xưa của thạc sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm – người con của làng nghề mộc thủ công mỹ nghệ Chàng Sơn – Thạch Thất – Hà Nội cũng bắt đầu như thế.

Kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm

Từ thuở bé, anh đã quen với những âm thanh đục đẽo từ bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân Chàng Sơn, lớn lên trong sự dìu dắt chỉ bảo của những người cha, chú trong làng. Có lẽ vì thế, anh yêu cả màu sắc, mùi vị và những âm thanh quen thuộc ấy, và sau biết bao bước ngoặt, lựa chọn, anh lại quay về với những ngôi nhà gỗ mang đậm tinh hoa của kiến trúc cổ Việt Nam.

Những nghệ nhân làng Chàng Sơn lựa chọn gỗ trước khi chạm khắc.

Chàng Sơn được biết đến như một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng vốn rất kén người theo. Để học được nghề đòi hỏi sự khổ luyện, kiên trì và tình yêu với những đường nét, hoa văn tinh xảo, để từ những khúc gỗ xù xì thô mộc biến hình thành những lá hoa, rồng phượng, những bức tranh tiên cảnh, hạ giới, làng quê, hay những điển tích xa xưa. Vẫn là những hoa văn, nhưng những người thợ giỏi biết thổi hồn vào đó khiến nó trở nên sống động, mềm mại mà chỉ những người tinh ý mới nhận ra.

Những đường nét hoa văn được chạm khắc trên từng thớ gỗ rất tinh xảo và kỳ công.

Những ngôi nhà gỗ của KTS Nguyễn Huy Khiêm luôn được anh đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và rất “kén khách”, bởi anh muốn nâng lên giá trị cho những công trình để lại cho đời sau, để mỗi khi nhắc đến người ta phải đánh giá cao về nghề mộc Chàng Sơn. Một trong những hoa văn đặc sắc nhất mà lâu nay dường như đã bị mai một, đó là những chiếc lá vỹ long - lá lật trên bộ đỡ mái, vì kèo...đòi hỏi tay nghề điêu luyện của người chạm khắc. Sự thanh tao, mềm mại trong từng đường nét, từng chi tiết kiến trúc làm cho ngôi nhà gỗ trở nên những tác phẩm giá trị và đầy tính nhân văn.

Bản thiết kế trước khi xây dựng một ngôi nhà gỗ.

Những ngôi nhà gỗ 3 gian – 5 gian đã gắn bó bao đời với đời sống sinh hoạt của nông thôn Việt Nam và trở thành hình tượng của kiến trúc Việt cổ. Bóng những mái ngói, mái đình, cột gỗ sau luỹ tre làng đã gắn bó thân thuộc với bao thế hệ. Nhà gỗ 3 gian Bắc Bộ không chỉ tái hiện nét đặc sắc của kiến trúc văn hóa vùng miền mà nó còn phản ánh kho tàng lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, thể hiện sự sáng tạo tài hoa của người thiết kế qua từng thời đại.

Một ngôi nhà cổ đã được dựng xong.

Từ những phác thảo thiết kế và được nghiên cứu cùng chủ nhà để tìm ra sự thống nhất và nhu cầu sử dụng cao, với sự tỉ mỉ và tinh tế trong chạm khắc bởi bàn tay tài hoa của những nghệ  nhân, ngôi nhà gỗ này không chỉ là một ngôi nhà để ở mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nhà gỗ có vô vàn chi tiết có ý nghĩa trong tổng thể hài hòa.

Hoa văn, kiến trúc đều được những người thợ thể hiện rất sáng tạo và tỉ mỉ. 

Mỗi chi tiết của ngôi nhà từ xà, hoành, kẻ, cột, vì kèo, võng, từng con tiện gỗ và mái nhà đều thể hiện nét tinh hoa và tay nghề cao của những người thợ điêu khắc Chàng Sơn. Những hoa văn tùng cúc trúc mai, long ly quy phượng để biểu thị những điển cố, hay mong muốn của gia chủ về một cuộc sống phú quý, sung túc và trường thọ.

Uy tín và tay nghề của KTS Nguyễn Huy Khiêm và những nghệ nhân Chàng Sơn đã được ghi nhận, vinh dự được Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học tin tưởng giao cho thi công nhà Thủy Đình – nhà múa rối nước dân gian trong khu trưng bày ngoài trời. Đây là một trong những công trình rất tiêu biểu trong kiến trúc cổ Bắc Bộ, gắn với truyền thống, sinh hoạt của làng quê. Công trình được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ hệ thống thủy đình ở đồng bằng Bắc Bộ. Đây là công trình kiến trúc dân gian độc đáo, mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy – kiểu kiến trúc Thủy Đình cổ nhất còn lại ở Việt Nam được xây dựng vào thời hậu Lê (1533-1788), có thêm hai nhà nanh bên cạnh là nơi các nghệ nhân đứng biểu diễn các tiết mục rối dây và nhà nhạc công là nơi ngồi biểu diễn của dàn nhạc.

Thủy đình tại Bảo tàng Dân tộc học việt Nam.

Ông Võ Quang Trọng (Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam) cho biết: "Thủy Đình được xây dựng trong bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng mới khánh thành tháng 11 năm 2015. Kiến trúc sư Nguyễn Huy Khiêm cũng trăn trở rất là nhiều, cũng thảo luận với chúng tôi rất nhiều. Để làm sao thủy đình có vóc dáng cổ mà vẫn có nét hiện đại. Thủy đình này về hoa văn và kiểu dáng giống thủy đình chùa Thầy, nhưng có hai nhà nanh hai bên là sáng tạo mới để phù hợp với thời đại. Giờ các phường rối nước không chỉ có diễn bằng rối như ngày xưa, mà rối dây thì bắt buộc có nhà nanh, nhà nanh là nét mới trong suy nghĩ của anh Huy Khiêm về  thủy đình này. Tôi cho rằng thủy đình này kết hợp được chủ yếu là kiến trúc cổ, và có những nét mới. Nhưng toát lên cái vẻ đẹp thủy đình truyền thống của Việt Nam. Tôi cho đấy là thành công của Nguyễn Huy Khiêm và nghệ nhân làng cổ Chàng Sơn".

Trong dòng chảy thời đại, không ít những giá trị vật thể và phi vật thể truyền thống đã bị mai một, chỉ còn là hoài niệm. Với việc lựa chọn tìm về những không gian văn hoá kiến trúc cổ truyền, KTS Nguyễn Huy Khiêm cùng các nghệ nhân làng Chàng Sơn đã cố gắng gìn giữ, nâng niu những di sản của kiến trúc Việt xưa. Từ đó tìm lại chỗ đứng và mãi lưu danh những giá trị truyền thống, tinh hoa của một làng nghề nổi danh xứ Đoài.

 Hòa Bình - Diệu Huyền.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu