11:33 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngừng cấp vốn Dự án tuyến đường Phú Yên-Gia Lai: Lý giải của Bộ KH-ĐT dưới góc nhìn luật sư

| 09:53 11/02/2017

THPL – Dự án tuyến đường huyết mạch Phú Yên – Gia Lai là dự án trọng điểm của vùng Nam Trung Bộ, đang thi công thì bị “gạt” khỏi danh sách đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, khiến dự án có nguy cơ đình trệ. Để rộng đường dư luận, chúng tôi mời luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cùng phân tích lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về việc này.

UBND tỉnh Phú Yên triển khai dự án đúng quy trình  

Trước tính cấp thiết của dự án, ngay sau khi có văn bản số 2490/TTg-KTN ngày 15/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện nhiều hành động quyết liệt để triển khai dự án. Ngày 25/5/2010, UBND tỉnh đã phê duyệt đề xuất dự án để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng và áp dụng chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng. Ngày 02/12/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1976/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Ngày 14/12/2010, UBND tỉnh Phú Yên đàm phán ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thực hiện dự án và ký hợp đồng với Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Công trình giao thông 2 (Tecco 2), lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 4.462 tỷ đồng.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến là 61,3 km, đường cấp IV miền núi. Nhà đầu tư lựa chọn các nhà thầu đang triển khai thực hiện dự án và UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh  Phú Yên đã tiến hành giải phóng được 30/61,3 km. UBND tỉnh ký bổ sung thực hiện hợp đồng theo đúng quy định pháp luật. Hai bên cam kết thực hiện theo tiến độ 36 tháng, nếu bên nào vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng sẽ bị phạt 12% tổng giá trị hợp đồng.

Để cung cấp thêm cho độc giả cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Quang Hùng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội 

Bộ Kế hoạch Đầu tư có đánh tráo khái niệm?

Phóng viên:Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dự án BT mà vẫn xin vốn trái phiếu thì không có cơ sở để Bộ KH-ĐT bố trí. Để kịp giờ, kịp ngày trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT đưa 2 dự án Phú Yên đề nghị ban đầu (Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo tiểu học - PV) vào danh sách bố trí vốn”.

Còn theo một văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính Phủ về cơ chế triển khai đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên thì Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất, không quy định việc thanh toán bằng tiền. Giải thích như vậy của Bộ KH ĐT có đúng với các quy định của pháp luật hiện hành, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Quang Hùng: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn thì điều đầu tiên chúng ta cần xem xét là tính pháp lý của Dự án này. Qua tài liệu có thể thấy Dự án đã được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 ngày 04/01/2010; Thông báo số 415/ NQ-UBTVQH12 ngày 15/01/2011 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 28/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.  

Về câu hỏi của bạn thì Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 mà Bộ KH ĐT đúng là có đề cập như vậy, nhưng viện dẫn ở đây là không đầy đủ, không đúng đối tượng điều chỉnh. Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên phải thuộc nhóm dự án chuyển tiếp quy định tại điều 72 của Nghị định này.

Căn cứ theo điều 72, chúng ta có thể thấy Dự án này có đầy đủ tất cả các đặc điểm quy định về loại dự án chuyển tiếp. Ngay tại khoản 1 điều 72 đã ghi rõ: “Danh mục dự án được công bố trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải được rà soát, phê duyệt lại theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp đã được Chính phủ phê duyệt”. Như ta đã biết, dự án này đã được Thủ tướng đồng ý thực hiện, Chính phủ phê duyệt và Bộ KH ĐT đã cấp 55 tỷ từ nguồn vốn trái phiếu năm 2012.

Hay tại khoản 5 điều 72 cũng quy định rõ, Dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dự án được ký chính thức trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dự án.

Còn tại khoản 6 điều 72 nêu rất rõ: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”.

Chúng ta thấy là ngày 15/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2490/TTg-KTN ghi rất rõ ý kiến của Thủ tướng đồng ý cho UBND tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên theo hình thức BT. Điều 2 của văn bản này cũng giao Bộ KH ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp Dự án vào Danh mục đề nghị được sử dụng nguồn vốn bằng Trái phiếu Chính phủ. Bản thân chính Bộ KH ĐT đã có quyết định số 646/QĐ-BKHDT ngày 24/5/2012 bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho dự án là 55 tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Yên đã chi trả cho việc lập dự án và công tác giải phóng mặt bằng.

Như vậy, dự án này đã triển khai trước khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực tới 6 năm thì không thể lý giải như cách mà lãnh đạo Bộ KH ĐT đưa ra.

Phóng viên:Nếu UBND tỉnh Phú Yên không thể tiếp tục thực hiện dự án vì thiếu vốn, ông dự đoán hậu quả sẽ như thế nào?

Luật sư Nguyễn Quang Hùng:Nếu điều này xẩy ra thì hậu quả sẽ cực kỳ to lớn, trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện với chiều dài tuyến 31,54 km trên tổng số 61,3 km toàn tuyến và triển khai 8 cầu trên tổng số 15 cầu trên tuyến, với mức đầu tư 1.547 tỷ đồng. Nếu dự án không thể tiếp tục thì những phần đã thi công sẽ nhanh chóng xuống cấp bởi khí hậu khắc nghiệt và không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sẽ lãng phí hơn 1,500 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn về tài chính thứ hai là UBND tỉnh Phú Yên đã ký hợp đồng với nhà thầu theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, hai bên cam kết thực hiện theo tiến độ 36 tháng, nếu bên nào vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng sẽ bị phạt 12% tổng giá trị hợp đồng, tương ứng hàng trăm tỷ đồng.

Thiệt hại trực tiếp nữa đó là uy tín, danh dự của một UBND cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gián tiếp thiệt hại là hàng vạn đồng bào các dân tộc Bana, Ê Đê trên địa bàn sẽ mất đi cơ hội xoá đói, giảm nghèo. Họ sẽ tiếp tục bị địa hình hiểm trở chia cắt với các vùng miền, địa phương khác, không được trao cơ hội phát triển.

Gián tiếp thiệt hại nữa là tỉnh Gia Lai sẽ mất đi một tuyến đường huyết mạch thông ra biển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, ngoại thương. 

Cá nhân tôi mong muốn Bộ KH ĐT sẽ cẩn trọng cân nhắc kỹ lại việc “gạt” dự án này của Phú Yên ra khỏi danh sách cấp vốn Trái phiếu Chính phủ. Chưa nói tới việc Bộ “bỏ qua” ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà chỉ cần cân nhắc thêm bốn thiệt hại nặng nề tôi vừa nêu trên đây.

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

 Sơn Tùng   

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu