12:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngôi đền thiêng nhất nằm ở lòng người

| 15:03 14/02/2017

(THPL) - Người Việt có truyền thống đầu năm đi lễ đình, chùa. Tuy nhiên, cùng với nhịp sống hiện đại, xung quanh truyền thống văn hóa tốt đẹp này xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện biến tướng đáng lo ngại. Thương hiệu & Pháp luật xin chuyển đến quý vị và các bạn một số ý kiến của độc giả Hoàng Đức Huy về vấn đề này.

Đừng biến nơi tôn nghiêm thành "chợ buôn tài lộc"

Sau nghỉ Tết, nhiều văn phòng, nhà máy, xí nghiệp...vẫn vắng hoe, chùa chiền thì đông nghịt. Khắp nơi lễ hội lan tràn, xe cộ nườm nượp vào ra. Đầu năm, khi người người nhà nhà rủ nhau trẩy hội ngược xuôi cũng là dịp để thấy rõ nhất ngày càng nhiều đền chùa bị biến tướng thành những "công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên" khai thác hình ảnh thần thánh. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh "mặc cả" với thần thánh bằng một thứ cơ chế "xin- cho" nơi cửa thiền.

Dòng người đổ xô đi lễ chùa đầu năm. Ảnh minh họa: Internet

Thần thánh nào có phúc lộc đủ để phân phát cho hết những ham muốn sân si không đáy của con người.

"Xin thánh cho con trúng số",

"Xin thánh cho con năm nay bóng banh thuận lợi" ,

"Xin thánh cho con thăng quan tiến chức",

Và hằng trăm những lời khấn nguyện với muôn hình vạn trạng, thể hiện những ham muốn không đáy của con người.

Đừng quên rằng ngôi đền linh thiêng nhất là trong lòng mỗi người. Thiện và ác, hạnh phúc hay khổ đau cũng đều từ đó mà ra cả. Làm gì có chuyện đi chùa đi đền nhiều thì hạnh phúc hơn kẻ không đi?

Chưa kể, giờ đây người ta in ra đủ thứ biên nhận công đức rồi phát cho nhau, hỉ hả mang về, khác nào bắt thần thánh xác nhận đã nhận của ông A 200 ngàn, bà B 1 triệu, thánh đã nhận tiền rồi thì vui lòng phù hộ?

Những tờ tiền lẻ, cũ kỹ nhét vội nhét vàng vào tay ông La Hán, vào chân bà Thánh Mẫu, bằng cách đó, nhiều người đang làm giảm đi những giá trị thiêng liêng của thánh thần. Và đền chùa, nơi tưởng như tĩnh lặng, yên bình nhất lại thành nơi xô bồ, hỗn loạn nhất. Chen lấn, xô đẩy, đánh nhau....đi cầu an rồi ngay lập tức thấy bất an, vậy thì có đáng không?

Giành giật và cướp lộc có xứng đáng được gọi là lễ hội không?

Con trẻ nghĩ sao nếu thấy bố mẹ chúng lao vào tranh cướp lộc tại các lễ hội? Tương lai một đất nước sẽ ra sao nếu cả 90 triệu người đều tin rằng thịnh vượng là món quà được ban phát nhờ kiên trì cầu khấn?

Những người tu hành không chân chính thì trịch thượng ban phát thứ phước lộc mà biết thừa là không có thật. Bốn phương thế giới không có nước nào nghèo mà lại có nhiều lễ lắm hội như ở Việt Nam. Gần 8000 lễ hội một năm thì thử hỏi có điều gì vui để mà ăn mừng, vui chơi quanh năm như thế, làm việc, học tập vào lúc nào?

Ngày nay cứ cái gì lâu đời mà không còn phù hợp, người ta lại mang "văn hoá" ra để làm lá chắn trước những ý kiến trái chiều đòi hỏi sự thay đổi. Văn hoá là do con người tạo ra và hoàn toàn có thể tuỳ chỉnh để phản ánh những giá trị tinh thần của cộng đồng theo từng thời điểm lịch sử. Hãy dũng cảm mà loại bỏ những gì không còn là phù hợp.

Không phải tất cả, nhưng vẫn còn rất đông người Việt đang tự làm xấu đi tín ngưỡng của mình, thích hư danh và ỷ lại hơn là nỗ lực tự đổi thay vận mệnh của chính mình. Người Việt có truyền thống đầu năm đi lễ đình, chùa, cho nên đến khi nào trong mỗi tâm thức số đông người dân không loại bỏ được "tháng Giêng là tháng ăn chơi" thì đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sẽ khó khăn!

Hoàng Đức Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu