18:38 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân "đánh thức" nghệ thuật hát ống sau "giấc ngủ say"

16:26 11/10/2022

(THPL) - Tưởng chừng hát ống đã chìm sâu vào "giấc ngủ say" của quá khứ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ở bản Mãn Hoá vẫn có những nghệ nhân đã đánh thức loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo này và truyền lại cho thế hệ hôm nay.

Hát ống từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Cao Lan bởi ưu điểm và hình thức sinh hoạt của loại hình nghệ thuật này. Bởi lẽ, hát ống đơn giản trong chế tác, có tính gắn kết cao và thể hiện được những nỗi niềm, cảm xúc riêng của bản thân mỗi người trong chuyện tình yêu đôi lứa.

Sợi chỉ nên duyên vợ chồng

Theo anh Sầm Anh Đạo (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) điểm mấu chốt của lối hát ống chính là khoảng cách. Bởi trong quan niệm của người Cao Lan, nam nữ gặp gỡ ban đầu họ cần giữ khoảng cách, khi muốn giao lưu, kết nối, họ sẽ mang lời ca tiếng hát để gửi gắm cho nhau thông qua hình thức hát giao duyên, đối đáp, vừa đảm bảo về khoảng cách, vừa đa dạng trong cách biểu diễn.

“Các cụ ngày xưa vẫn hay truyền tai nhau rằng nam nữ thọ thọ bất thân. Do đó, đôi bên đều giữ ý tứ, để giữ khoảng cách thì ống hát có thể là người đứng ở bờ đường bên này sang bờ đường bên kia, hoặc là từ mô đất bên này sang mô đất bên kia, đảm bảo giữ khoảng cách không quá xa", anh Đạo cho hay. 

Hát ống, nghe thì lạ mà thưởng thức lại quen. Đây là hình thức hát ví, hát giao duyên qua lại của hai người thường là đôi nam nữ. 

Để truyền được âm thanh, đồng bào Cao Lan sẽ dùng sợi cước hoặc sợi chỉ để nối hai chiếc ống với nhau, độ dài sợi chỉ tùy thuộc vào người chế tác, tuy nhiên không quá ngắn. Thông thường, khoảng cách giữa hai ống từ 10-20m, thậm chí có nơi làm dài đến hàng trăm mét. Bởi họ sinh sống và định cư ở vùng núi cao, không gian rộng lớn, khoảng cách giữa các thôn bản cũng như các hộ gia đình là khá xa, chính vì thế đồng bào Cao Lan thường thiết kế sợi chỉ có độ dài tương đối, để khi cần có thể sử dụng ở bất kỳ địa hình, khoảng cách nào.

Động tác khi hát ống của đôi nam nữ trong lối hát ống là điều cực kỳ thú vị, anh Đạo chia sẻ: “Ngoài lời ca, tiếng hát được truyền tải cho đối phương thì ngôn ngữ cơ thể cũng là điều làm nên sự độc đáo của loại hình hát ống. Sự duyên dáng, nét đáng yêu được thể hiện rõ nét bên phía người nghe.Khi một người hát vào ống của mình, người bên đối diện sẽ ghé tai vào trước ống của họ để lắng nghe. Mỗi khi sợi chỉ khẽ rung lên, mang theo tiếng hát của người nam, người nữ đến tai của họ, khiến cho bất cứ ai chiêm ngưỡng khung cảnh này cũng say mê, thích thú”. 

Ban đầu hát ống được thực hiện theo từng nhóm, càng về sau cuộc hát sẽ càng xuất hiện nhiều cặp đôi thể hiện sự ăn ý, phù hợp với nhau. Khi họ đã bắt nhịp được với đối phương. Kết thúc cuộc hát, ánh mắt như con bồ câu đưa thư để họ có những ngày gặp gỡ, hát riêng tư cùng nhau. Đây thực sự có ý nghĩa với những người muốn tìm ý trung nhân. 

Bên cạnh việc dễ dàng trong chế tác thì cách thức thể hiện cũng không khó, giai điệu và ca từ mộc mạc, gần gũi với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Hát ống được người Cao Lan sử dụng nhiều hơn cả trong một không gian yên tĩnh, ở đó những lời ca tiếng hát được phát ra từ ống hát thông qua sợi chỉ, là điều đặc biệt thú vị. 

Thanh âm kỳ diệu của cuộc sống

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn cho hay: “Người Cao Lan yêu thích hát ống vì chất giọng của người hát ở bên trong ống hát. Thứ thanh âm ấy độc đáo lại kỳ diệu, nó ẩn chứa những lời; lời thầm kín của cả hai bên chỉ thông qua sợi chỉ nhỏ bằng con kiến”.

Hát ống được rất nhiều đồng bào dân tộc nhưng mỗi dân tộc lại có những sự khác biệt. Nội dung hát ống của người Cao Lan thường phong phú, đa dạng, nhưng phần nhiều đề cập đến tình yêu lứa đôi, tình duyên vợ chồng của nam nữ. Đặc biệt, hát ống còn là những câu bông đùa, giễu cợt giữa người này với người kia để thử tài ứng đáp, lúc này bên bị trêu chọc sẽ cố gắng suy nghĩ để tìm ra câu hát ứng đáp đội bạn, để làm sao cho thỏa đáng, nếu không bên nghe sẽ bị coi là thua. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng biệt của hát ống so với các lối hát khác.

Mỗi khi sợi tơ rung khẽ rung lên mang theo tiếng ca ngọt ngào của người nữ, hay giọng tình tứ ấm áp của người nam, khiến cho bất cứ ai chiêm ngưỡng cũng say mê, thích thú. 

​​

Bên cạnh đó, anh Sầm Văn Đạo còn trở thành đời thứ 3 trong “Tứ đại đồng đường” bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu và tái hiện giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cao Lan.

Nghệ nhân Sầm Văn Dừn cũng chia sẻ thêm: “Theo truyền thống, nữ giới sẽ là những người có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ ống hát, dù là đàn ông là những người thực hiện việc chế tác ra chúng. Đây là việc làm thể hiện sự gắn bó, có ý nghĩa giữa những đôi nam nữ. Bởi ban đầu các chàng trai sẽ là người mang ống hát đi giao lưu, khi cuộc hát kết thúc, họ sẽ để lại ống hát cho người con gái mà họ cảm mến cất giữ với ngụ ý cho những lần hò hẹn đối đáp tiếp theo”.

Những năm trước, việc hát ống không còn phổ biến ở bản Mãn Hoá. Họ có nhiều cách thức để kết nối, bày tỏ tình cảm cùng nhau như thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Tuy nhiên, Nghệ nhân Sầm Văn Dừn đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn những buổi hát ống bằng hình thức giao duyên, đối đáp ở các hội thi hay lễ tết của đồng bào. 

Ngày xưa theo các cụ kể lại thì khoảng cách thì nó xa hơn, nhưng mà bây giờ thì nếu mà thể hiện một cuộc hát thì cũng gần nhau thôi, cũng khoảng 2m.. Hiện nay thì cái việc giữ gìn không phổ biến nữa, bây giờ thì thanh niên người ta không tìm hiểu, trai gái không tìm hiểu để kết hôn bằng Sịnh ca nữa, cho nên cái việc hát ống này thực tế là cũng không diễn ra nữa, nó chỉ thể hiện trong các dịp lễ hội.

Những ca từ được thể hiện ở lối hát ống luôn chứa đựng những điều thú vị, với một tình cảm đặc biệt cùng sự cuốn hút đến lạ kỳ trong mắt mọi người. Tuy nhiên, để chế tác ra những ống hát lại đòi hỏi những kỹ năng nhất định. Để tạo lên ống hát mang một âm thanh đặc biệt lôi cuốn, ngoài việc chọn nguyên liệu, người Cao Lan còn tỉ mỉ trong cách chế tác cũng như bảo quản và biểu diễn.

Ống hát của người Cao Lan được đồng bào lựa chọn cẩn trọng, chỉ những người có kinh nghiệm mới chọn được những cây nứa tốt, phù hợp để chế tác ống hát. Theo đó, một ống hát chuẩn sẽ được lấy từ thân cây nứa nếp, thẳng đều, không quá già cũng không quá non khoảng 3 năm tuổi.

Khi đã chọn được nứa tốt để làm ống hát, nứa mang về nhà, làm sạch rồi tiến hành cắt, độ dài phù hợp nhất của ống hát để vừa cho âm thanh tốt, lại có tính thẩm mỹ cao là khoảng 15cm. Sau đó người chế tác sẽ bịt lại một đầu, còn đầu ống kia được trích một lỗ nhỏ để luồn chỉ, nối hai ống lại với nhau. 

Chất liệu để bịt ống hát của người Cao Lan có rất nhiều cách để lựa chọn, tuy nhiên phổ biến hơn cả vẫn là da ếch, bởi nguyên liệu này có độ trơn phù hợp, nó ôm sát vào thành ống khi bện, độ bền rất cao. Ngày nay, có nhiều nguyên liệu để mọi người chế tác được một cách nhanh hơn, chất liệu tốt hơn, bền bỉ hơn.

Cùng với nguyên liệu để bịt cho ống hát thường là da ếch, người Cao Lan còn chú ý đến sợi chỉ, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, mang lại ca từ cho ngọt ngào của người biểu diễn. “Sợi chỉ được dùng cho ống hát cũng không phải điều gì đó cao siêu, đơn thuần chỉ là những sợi chỉ thông thường, quan trọng nhất vẫn là ống hát, là các ống nứa đủ độ tuổi sẽ cho ra những âm thanh tốt nhất. Ống nứa nó thật mỏng, thật già để cho nó khỏi tóp lại, cái da thì cũng bít cho nó căng căng một tí thì buộc sợi chỉ nó có cái then bên trongợi chỉ nó phải xuyên qua cái lớp da ấy, một đầu bịt, một đầu để nói vào”, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn nhấn mạnh. 

Việc chế tác ống hát được các nghệ nhân Cao Lan thực hiện thường xuyên, liên tục, bởi nguyên liệu nứa để làm nên những ống hát thường không quá khó khăn, tuy nhiên những âm thanh phát ra từ ống hát mang lại là cả một sự mới lạ, độc đáo, khiến mọi người say mê. 

Có thể nói rằng, người Cao Lan yêu ca hát, họ luôn cố gắng sáng tạo ra những nhạc cụ, phù hợp với không gian, địa hình cũng như tính cách con người nơi đây. Chính vì thế, những lúc bộn bề của cuộc sống, người dân nơi đây vẫn dành thời gian cho những đam mê, lưu giữ những câu hát ống ngọt ngào với bản sắc văn hoá dân tộc bằng sự nỗ lực của biết bao nghệ nhân, bao thế hệ tiếp nối…

Tuấn Dương (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu