09:10 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Sán Dìu một đời gìn giữ bản sắc dân tộc

Thu Trang (Bài, ảnh) | 19:11 08/05/2023

(THPL) - Trọn một đời người, nghệ nhân Lục Văn Bảy (sinh năm 1954, dân tộc Sán Dìu) vẫn âm thầm, lặng lẽ dành trái tim nồng ấm tạo nên chất “men say” khiến người Sán Dìu mê đắm, ông coi đó là báu vật, cố gắng gìn giữ cho thế hệ mai sau - hát Soọng Cô.

Chúng tôi ghé thăm xã Ninh Lai - một xã nằm ở phía Tây dãy núi Tam Đảo thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây được coi là địa bàn cư trú lâu đời nhất của đồng bào Sán Dìu. Cuộc sống gắn liền với tự nhiên đã tạo nên một kho tàng văn hóa với phong tục tập quán độc đáo. 

Tiếng hát quên đi sự vất vả lao động

Là già làng của bản, ông Lục Văn Công cho biết: “Người Sán Dìu xuất hiện từ phương Bắc thiên di về Việt Nam về vùng núi phía Bắc. Do đó, tập quán của đồng bào là thường xuyên sống ở chân núi; chúng tôi sống bằng việc trồng lúa nước và trồng ngô, sắn. Từ khi sinh ra, bản làng của chúng tôi đã ở đây rồi! Chẳng ai biết rõ nó có từ bao giờ…cứ thế chúng tôi lớn lên và già đi cho đến ngày hôm nay”.

Người Sán Dìu ở Ninh Lai vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, đặc sắc nhất không thể không nhắc đến làn điệu Soọng Cô. Làn điệu ngọt ngào ấy vẫn vang lên trong đời sống lao động sản xuất hàng ngày. Người Sán Dìu lên nương hái chè, lao động sản xuất ngoài đồng ruộng đều hát. Người đồi bên này đưa ra câu hát thì người bên kia lại đối, cứ thế kéo dài cuộc hát mà quên đi sự vất vả lao động. 

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy vẫn dành tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng Cô bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân Lục Văn Bảy và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp hình lưu niệm tại Hà Nội. 

“Thanh niên, nam nữ người Sán Dìu xưa ai cũng biết hát Soọng Cô. Muốn dựng vợ gả chồng thì đều khởi đầu bằng câu hát. Thông qua câu hát để hiểu được đối phương và tìm bạn đời “đầu bạc răng long” cho mình”, Nghệ nhân Lục Văn Bảy chia sẻ. 

Khi đứng trước nguy cơ mai một của văn hoá dân tộc, Nghệ nhân Lục Văn Bảy đã dày công sưu tầm, truyền dạy những khúc hát dân ca cho đồng bào và các em nhỏ trong bản. Được thành lập từ năm 2004, đến nay câu lạc bộ đã có trên 120 hội viên đủ các lứa tuổi từ già đến trẻ và chia theo nhóm để sinh hoạt thường xuyên tại các thôn. 

Cứ thế, ngôi nhà nhỏ của ông Bảy lại tấp nập vào mỗi cuối tuần, đây cũng chính là nơi gắn kết cộng đồng, cùng nhau chia sẻ đam mê hát Soọng Cô. Bà Đỗ Thị Man (thành viên câu lạc bộ) cho hay: “Đây là điệu hát của dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt của mình từ khi còn bé nên dù bận đến mấy cũng sắp xếp thời gian để được đi hát, giao lưu cùng các thành viên khác. 

Trái tim nghệ nhân nồng ấm một đời đắm đuối Soọng Cô

Theo Nghệ nhân Lục Văn Bảy, các bài hát Soọng Cô ngày đó chỉ được viết bằng chữ Hán Nôm nên không phải ai cũng có thể đọc và hát theo được.Vì vậy, người am hiểu sẽ dịch và biên soạn ghi chép lại cho mọi người có thể hướng dẫn cho mọi người. 

Ông nói: “Hát Soọng Cô chủ yếu được truyền miệng nhiều hơn, nó cứ thế ăn sâu và ngấm vào máu của người Sán Dìu. Chúng tôi có thể hát cả đêm, hát liền 2-3 ngày cũng không thành vấn đề. Muốn hát Soọng Cô thì phải học được chữ, phải nói được tiếng của người Sán Dìu nên tôi đã nghiên cứu hình thành quyển học tiếng nói dân tộc mình cho các thế hệ sau”.

Nghệ nhân Lục Văn Bảy sưu tầm, lưu giữ được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và đang mang toàn bộ vốn liếng dân gian nắm giữ được để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Năm 2019, ông Lục Văn Bảy (đầu tiên bên phải) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 

“Là người con của Sán Dìu nên cứ dồn tâm huyết để bảo tồn văn hoá dân tộc. Bây giờ nếu mình không làm, không cùng đồng bào gìn giữ thì bản sắc dân tộc cũng sẽ mất đi”, Nghệ nhân Lục Văn Bảy ngậm ngùi. 

Không chỉ dạy tiếng nói chữ viết cho trẻ em người Sán Dìu, ông Bảy cùng các thành viên của câu lạc bộ còn sáng tác lời ca hát Soọng Cô phù hợp với các em. Dù đi đến bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S, hễ cứ hát Soọng Cô thì đó là người Sán Dìu chẳng thể nhầm với bất kỳ một dân tộc nào khác. 

Bên cạnh đó, Nghệ nhân Lục Văn Bảy còn là cán bộ được nhân dân yêu mến quý trọng, được Đảng ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm được đề cử, bầu cử vào các chức vụ chủ chốt: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, Huyện ủy viên. Năm 1988, ông trở về từ chiến trường được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng 3, Huân chương chiến công hạng 2 và nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp.

Bằng nỗ lực và cống hiến của mình, ông Lục Văn Bảy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú chính là sự khích lệ động viên tinh thần để ông cống hiến nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân tộc Sán Dìu.

Thu Trang (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu