10:37 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Về Thành Tuyên gặp nghệ nhân “giữ hồn” hát Then

07:54 07/05/2023

(THPL) - Thành Tuyên vẫn luôn mang trong mình một vẻ đẹp mộng mơ, điểm vào vẻ đẹp ấy chính là điệu Then ngọt ngào cùng tiếng đàn Tính ngân nga, tạo thành bản hoà tấu chất chứa tinh hoa, bản sắc con người nơi đây.

Chẳng biết từ bao giờ, hát Then đã gắn bó và thân thuộc như cơm ăn nước uống hàng ngày trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Nùng, Tày ở các tỉnh vùng núi Đông Bắc nói chung và Tuyên Quang nói riêng. 

Hát Then, đàn Tính chính là tinh hoa của nghệ thuật ca múa nhạc dân gian dân tộc Tày, Nùng và thuộc nhóm văn hóa phi vật thể của các dân tộc miền núi phía Bắc. Hát Then xuất hiện từ chính lao động sản xuất, từ thuần phong mỹ tục, từ cuộc đấu tranh chống lại các thế lực xâm lược để bảo vệ quê hương, làng bản, núi rừng đồng bào. 

Cội nguồn của đàn Tính 

Để hiểu rõ hơn về cội nguồn ra đời của cây đàn tính Tẩu trong kho tàng cổ tích Việt Bắc, chúng tôi được người dân trong làng giới thiệu tới nhà bà Ma Thị Lệ (69 tuổi, xã Tân Trào). Tại đây, mọi người đều gọi bà là “nghệ nhân” của tiếng đàn Tính. Theo bà Ma Thị Lệ chia sẻ: “Ngày xưa, có một chàng trai nghèo lên rừng kiếm củi bán lấy tiền nuôi mẹ già, có một lần chàng đi rừng, đi mãi đến nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, nơi có dòng thác tuôn chảy như dải lụa. Bất chợt, chàng thấy một bầy tiên nữ đang vui đàn hát ca. 

Các thành viên của Câu lạc bộ hát Then với mong muốn lưu giữ bảo tồn phát huy giá trị của nghệ thuật hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Đàn Tính là loại đàn dây, gồm ba bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Để có được cây đàn Tính hay, quan trọng nhất phải tìm được bầu đàn tốt. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô. 

Thấy họ có một chiếc đàn rất lạ, thân đàn giống vỏ bầu phát ra âm thanh mượt mà làm say đắm lòng người. Khi bầy tiên bay đi chàng liền về nhà lấy vỏ bầu, gỗ và dây tơ tằm làm thành đàn Tính giống hệt chiếc đàn của bầy tiên kia. Cây đàn Tính được ra đời và là vật không thể thiếu khi ca lên làn điệu Then”.

Cũng theo bà Lệ, đồng bào Tày - Nùng vẫn thường truyền tai nhau rằng: “Đàn Tính 3 dây chính là thiên, địa, nhân (trời, đất, và con người). Cũng có người cho rằng ba dây ấy là tam thanh ba vị thánh trong đạo giáo…”. 

Hát Then được sinh ra từ truyền miệng dân gian đến khi thành văn trong các kho sách Nôm Tày. “Sau những ngày lao động, lúc nông nhàn đồng bào đã sáng tạo ra Then. Thứ âm thanh trầm bổng ta gọi là nhạc, không thể thiếu cùng âm thanh đó chính là đàn Tính. Một cành dâu, một quả bầu khô, một vài sợi dây tơ, thêm miếng gỗ mỏng vào cái sợi nhỏ quấn dây đàn đã tạo thành nhạc cụ đơn giản gọi là đàn Tính. Tiếng đàn gảy lên tiếng thánh thót đòi hỏi có lời ca phù hợp là những khúc ca ngợi lao động, khúc hát tâm tình muốn gửi theo gió mây bản tình ca cách”, bà Lệ chia sẻ thêm. 

Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc

Còn với chị Đàm Thị Hiền (sinh năm 1994, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), việc giữ gìn hát Then- đàn Tính là giữ gìn tiếng nói, tinh hoa văn hóa của dân tộc mình; để mỗi người con của Tày - Nùng dù ở bất kì đâu cũng không quên đi bản sắc, quên đi cái gốc của mình. 

Chính bởi lẽ đó, trong thời gian qua chị Hiền đã tiếp nối huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang sưu tầm biên, chép các bài Then cổ và lập nên câu lạc bộ hát Then với mong muốn gìn giữ và truyền dạy lại những làn điệu then cổ, Then mới cho thế hệ tương lai.

Hát Then không chỉ là một làn điệu dân ca thông thường mà nó còn tổng hòa nhiều môn nghệ thuật và phong tục khác như hát, múa, đàn và giao duyên.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cho thấy những giá trị to lớn của di sản này

Chị Hiền bày tỏ: “Làn điệu hát Then của dân tộc Tày, Nùng chúng tôi từ xưa đã có thời gian gần như mai một. Không mong muốn mất đi bản sắc dân tộc, tôi đã học hỏi các nghệ nhân đi trước rồi thành lập câu lạc bộ, gìn giữ làn điệu Then của cha ông. Từ khi thành lập, câu lạc bộ hát Then đi giao lưu nhiều nơi, được nhiều người yêu mến và hâm mộ. Không những vậy, các em nhỏ còn biểu diễn ở khu di tích cách mạng Tân Trào khiến điệu Then ngày càng bay cao, bay xa hơn nữa”.

Câu lạc bộ hát Then của chị Hiền đã thu hút gần 100 thành viên, già có, trẻ có, thành viên của câu lạc bộ hát Then luôn đồng hành cùng với đoàn văn nghệ quần chúng của xã, huyện đi biểu diễn ở nhiều chương trình giao lưu văn nghệ. Các tiết mục tham gia đã gây ấn tượng không nhỏ với làn điệu duyên dáng, mượt mà. Nhiều bài Then được chính những thành viên câu lạc bộ đặt lời mới, ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, ca ngợi sự đổi mới của quê hương đất nước. 

Trước khi về Thủ đô, bên dòng Nà Nưa, chị Hiền cùng các em nhỏ của câu lạc bộ hát Then- đàn Tính tặng chúng tôi bằng lời ca của ca khúc “Đường về Tân Trào” của nhạc sĩ Tân Điều: 

“Há ha há, ha ha ha hà, há ha há, ha ha hà ha,

Róc rách, róc rách tiếng suối ngàn,

Thánh thót, thánh thót lời chim ca,

Trập trùng, trập trùng núi cao, đường về Tân Trào.

Trông gió núi mênh mông, mây giăng trắng núi Hồng,

Ơi con đường nhỏ Bác đã đi qua,

Ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân,

Để mãi còn ngân vầng trăng đầy thuyền.

Qua bao khúc ca xưa, trong mái lán Nà Lừa,

Ơi con đường nhỏ Bác đã đi qua,

Ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân,

Hình Bác còn đây cùng với núi rừng”.

Huyền Phúc (Bài, ảnh)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu