17:22 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân cuối cùng của làng nghề truyền thống Ông Hảo

Đỗ Khuyến | 20:21 14/09/2023

(THPL) - Ở làng Ông Hảo (thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vẫn còn người nghệ nhân già 70 tuổi gìn giữ nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống từ những năm 80 của thế kỷ trước, đó chính là ông Vũ Duy Đông.

Có dịp ghé thăm làng Ông Hảo vào những ngày cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi vừa tới đầu ngõ đã nghe thấy âm thanh quen thuộc của tiếng xẻ gỗ, tiếng búa, tiếng trống, tiếng cười nói giòn tan của người dân nơi đây khiến không khí càng trở nên rộn rã và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những món đồ chơi dịp Rằm Tháng Tám từ đây mà ra đời như: mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống...

Gắn bó trọn cuộc đời của mình với nghề truyền thống, ông Đông cũng chẳng thể nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc mặt nạ giấy bồi. Nhưng mỗi chiếc mặt nạ, chiếc trống được làm ra đều là sự kết tinh từ mồ hôi, công sức, lòng nhiệt huyết của người nghệ nhân này nói riêng và những người nghệ nhân làng Ông Hảo nói chung. 

 

Nghệ nhân Vũ Duy Đông đang làm mặt nạ giấy bồi 
Ông Đông dùng hồ được pha từ bột sắn để kết dính các lớp giấy, cứ thế lần lượt các lớp giấy mỏng tạo ra phôi mặt.

Theo chia sẻ của ông Đông cho biết: Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua 3 công đoạn cơ bản: tạo khuôn, bồi khô và sơn vẽ. Các khuôn đúc mặt nạ bằng xi măng được chế tạo tương ứng với một nhân vật cụ thể. Được làm từ nguyên liệu thiên nhiên là bìa, giấy báo sẽ được tái chế làm mặt nạ giấy bồi. Từng chiếc mặt nạ sẽ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn đổ sẵn. 

Ông Đông dùng hồ được pha từ bột sắn để kết dính các lớp giấy, cứ thế lần lượt các lớp giấy mỏng tạo ra phôi mặt. Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận, để mặt nạ căng mịn và không bị nhăn. Sau khi bồi khô, những chiếc mặt nạ được mang đi phơi nắng. Thời gian phơi nắng còn tuỳ thuộc vào thời tiết. 

“Khi bồi quan trọng nhất là kỹ thuật, bồi phải ôm sát lên khuôn, nếu không sát sẽ không thành hình con vật. Vận dụng tay nghề của mình giúp mặt nạ mịn, nhẫn”, ông Đông nhấn mạnh. Sau khi phơi khô, mặt nạ sẽ được đục mắt và bắt đầu công đoạn vẽ. Đây là công đoạn thổi hồn qua từng nét màu của người thợ, từng lớp sơn được tô vẽ cứ liên tục nối tiếp nhau, quá trình này được thực hiện tỉ mỉ và cẩn trọng. 

Từng lớp sơn được tô vẽ lên từng chiếc mặt nạ, lớp sơn này khô mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ. 

Năm nay, xưởng sản xuất của ông tiêu thụ được trên 7-8 nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi.
Sản phẩm mặt nạ giấy bồi nhà ông Đông được bán ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng...
Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động và thấm đẫm hồn Việt.

Ông Đông tâm sự: “Công đoạn vẽ sơn đòi hỏi người thợ phải hoà mình vào thành một người nghệ nhân thực thụ. Nét vẽ phải có hồn của con vật, phong phú đa dạng sắc màu. Nếu vẽ con hổ thì trông phải dữ tướng, hay vẽ con mèo, con thỏ lại có nét hiền từ”.

Sản phẩm mặt nạ giấy bồi nhà ông Đông được bán ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng... Năm nay, xưởng sản xuất của ông tiêu thụ được trên 7-8 nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi.

So với thời điểm trước đây, làng Ông Hảo đã có hơn 20 loại mặt nạ giấy bồi khác nhau: chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm, Chí Phèo, Thị Nở hay mặt nạ 12 con giáp, đầu lân, đầu sư tử,... được trẻ nhỏ yêu thích. Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động và thấm đẫm hồn Việt. Từ đây, lớp lớp thế hệ sau của làng vẫn nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, góp phần phát huy giá trị văn hoá, tìm lại chỗ đứng trong lòng người dân Việt Nam.

Đỗ Khuyến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu